Kỹ thuật phòng, chống Bệnh Viêm Da Nổi Cục trên Trâu, Bò

Tài liệu kỹ thuật phòng, chống Bệnh Viêm Da Nổi Cục trên Trâu, Bò từ Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia.

Đặc điểm của bệnh Viêm Da Nổi Cục (LSD: Lumpy Skin Disease)

– Bệnh do vi-rút gây ra.
– Chỉ xảy ra ở trâu, bò, bệnh không lây sang người và các động vật khác.
– Bệnh xảy ra theo mùa và bùng phát dịch chủ yếu vào mùa nóng ẩm, khi côn trùng hoạt động mạnh.
– Bệnh gây tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết.
– Bệnh xảy ra gây giảm lượng sữa; giảm tỷ lệ thụ thai, dễ sảy thai ở gia súc mang thai.

Đường truyền lây bệnh Viêm Da Nổi Cục

– Truyền lây chủ yếu qua côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve.
– Do vận chuyển gia súc nhiễm bệnh từ vùng dịch.
– Do tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh.
– Do sử dụng chung dụng cụ: máng ăn, máng uống, dụng cụ dẫn tinh, dùng chung kim tiêm khi điều trị bệnh.

Sơ đồ lây nhiễm bệnh Viêm Da Nổi Cục (Nguồn: FAO)

Biểu hiện khi gia súc mắc bệnh LSD

– Giảm ăn, bỏ ăn, giảm tiết sữa.
– Sốt cao, sưng hạch bạch huyết, miệng nhiều nước bọt, chảy nước mắt, nước mũi.
– Da nổi những nốt sần/u, cục kích thước (1 – 1,5cm) thường xuất hiện đầu tiên ở vùng cổ, đầu sau đó lan ra toàn thân, miệng, vú,…
– Số cục/nốt sân ban đầu thường ít từ vài nốt (trường hợp nhẹ) đến rất nhiều khắp cơ thể (trường hợp nặng).
– Các u, cục này mất đi theo thời gian nhưng vùng giữa của nốt sân thường bong vảy tạo vết thương hở, lở loét thu hút côn trùng.
Lưu ý: Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng là nguồn lây lan dịch bệnh ra toàn trại.

Biện pháp phòng bệnh Viêm Da Nổi Cục

– Thực hiện kiểm soát vệ sinh an toàn sinh học trong chăn nuôi như:

  • Chỉ mua con giống từ nơi tin cậy. Những động vật mới nhập đàn cần được kiểm tra trước khi vận chuyển và cần được cách ly khoảng 28 ngày.
  • Định kỳ vệ sinh sát trùng, diệt côn trùng trong chuồng nuôi.
  • Vệ sinh sát trùng dụng cụ thú y đúng kỹ thuật.
  • Vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải đúng cách.
  • Tất cả khách tham quan, phương tiện, thiết bị ra vào trại phải thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng.

– Tiêm phòng vắc-xin cho gia súc:

  • Nên tiêm phòng cho gia súc khi đàn chưa bị bệnh. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Có thể tiêm cho gia súc ở mọi lứa tuổi. Trường hợp gia súc mẹ đã tiêm phòng thì nên tiêm cho gia súc non sau khi được 2 tháng tuổi.

Đã có vaccine phòng bệnh Viêm Da Nổi Cục chưa?

Lô vacxin viêm da nổi cục đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam có tên thương mại Lumpyvac dạng đông khô, mỗi liều 2ml chứa hàm lượng vi rút chủng neethling đã làm giảm độc lực ≥ 103.5TCID50; Thành phần phụ: Lactoalbumine hydrolysate: 0.25mg; Sucrose: 0.5mg.

Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được sử dụng để bảo vệ gia súc chống lại bệnh viêm da nổi cục (da sần, LSD) và giảm tỉ lệ tử vong và tổn thương do bệnh gây ra.

Thông tin chi tiết về Kỹ thuật phòng, chống Bệnh Viêm Da Nổi Cục trên Trâu, Bò:

Nguồn:

Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia (Tài liệu biên soạn dựa trên khuyến cáo của FAO và hướng dẫn của Cục Thú Y)

 

Comments are closed.