Xuất Khẩu Thủy Sản nửa đầu năm 2021 tăng 13,6%

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 13,6% so cùng kỳ 2020 và đạt 47,1% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường.

Tôm và cá tra đều tăng trưởng tốt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sự hồi phục nhu cầu tại 2 thị trường lớn là Mỹ và EU và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng tăng mạnh, đã mang lại kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 4,1 tỷ USD cho Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 865 triệu USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu tôm, do vậy xuất khẩu sang những nước này tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45 – 46%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%, sang Anh tăng 15%. Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác.

Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2021 thu về hơn 4,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2020.

Đối với cá tra, xuất khẩu sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5/2021, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6/2021 đạt trên 150 triệu USD và đưa kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và một số thị trường nhỏ đang hồi phục rất mạnh mẽ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đang tăng khoảng trên 170%, chiếm 21%. Xuất khẩu sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng 3 con số (từ 100 – 450%). Mỗi thị trường này chiếm khoảng 2,5-4% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam, bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.

Xuất khẩu hải sản sang các thị trường cũng ghi nhận nhiều tín hiệu lạc qua. Tính đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu các sản phẩm hải sản Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16%. Trong vài tháng gần đây, thị trường Mỹ tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, do vậy nửa đầu năm xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 23%. Các thị trường chủ lực khác dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng đều có những tín hiệu rất lạc quan bởi mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Italy tăng 122% trong 6 tháng đầu năm, sang Israel tăng 37%, sang Canada tăng 62%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước ổn định, trong khi một số nguồn cung bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.

Trong đó, đối với thị trường Mỹ, tiêu thụ thủy sản tại thị trường này tăng mạnh ngay cả trong thời kỳ đại dịch và tiếp tục tăng mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh, cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này ở các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… phục hồi. Đặc biệt, mặt hàng tôm luôn nằm trong nhóm sản phẩm thuỷ hải sản tiêu thụ hàng đầu của Mỹ, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi ngành thủy sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid bùng phát và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa 2 nước và do chính quy định kiểm soát dịch Covid-19 của nước này.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng tăng mạnh khi nhu cầu thị trường này phục hồi và thủy sản Việt Nam có lợi thế với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Mặc dù kinh tế EU phục hồi chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang phục hồi khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các nước trong khu vực đang từng bước mở cửa dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và ngành du lịch.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường có FTA tiếp tục tăng mạnh, trong đó xuất khẩu sang Australia, Canada và Nga đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo xuất khẩu về đích 9 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong nửa cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành thủy sản.

Đồng quan điểm về vấn đề này, VASEP nhận định, trừ việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng NK liên quan đến kiểm tra Covid làm ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu, những kết quả xuất khẩu rất khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích xuất khẩu 8,8 – 9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thủy sản Việt Nam.

Vẫn còn những lo ngại nhất định, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) – nhận định và cho biết, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thủy hải sản. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản tập trung vào một số thị trường chính, trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh, việc này cũng tiềm ẩn những rủi ro thương mại như chống bán phá giá với tôm hay cá tra. Các doanh nghiệp thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do các khu công nghiệp có nhiều ca F1, việc có F1 nếu xảy ra có F0 trong các vùng sản xuất tôm hay cá hiện nay thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất rất lớn. Phía Tổng cục Thủy sản cũng khuyến nghị các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để giảm thiệt hại và tranh thủ được cơ hội thị trường.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cũng cần theo dõi diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuado, Thái Lan, Indonesia sau đại dịch để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, bất ổn trong ngành vận tải biển toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vẫn tiếp tục là vấn đề gây khó khăn đối với ngành thủy sản. “Nhu cầu đối với vận tải biển tăng mạnh, sự chậm trễ tại các cảng và thiếu trang thiết bị đang tiếp tục đẩy giá container lên những mức cao kỷ lục mới, với cước vận tải container tăng lên mức cao mới tại cả 3 tuyến thương mại Đông – Tây chính. Vào thời gian đầu đại dịch, phần lớn mọi người đều cho rằng chi phí sẽ chỉ tăng trong 1 – 2 quý, nhưng hiện nay, các chuyên gia dự báo chi phí sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2022”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương)

 

Comments are closed.