Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (Tháng 03/2023)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y tháng 03/2023.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/03/2023 – 31/03/2023.

Long An: Chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1)

Dịch cúm gia cầm (CGC) A (H5N1) đang diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, trong đó, tại tỉnh Prey Veng (Campuchia) phát hiện 1 ca tử vong trên người do virút CGC A (H5N1) gây ra.

Chú trọng tiêm phòng

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận dịch cúm A (H5N1). Tuy nhiên, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virút cúm A (H5N1) phát triển, từ đó, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao.

Cán bộ Thú y và Khuyến nông xã Tân Bình – Phan Thọ Liêm tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của hộ ông Trần Văn Giác

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chủ trương UBND tỉnh triển khai tiêm phòng miễn phí vắc-xin CGC trên vịt đợt 1 năm 2023 cho các hộ nuôi trên toàn tỉnh với trên 1 triệu liều vắc-xin. Đối tượng được hỗ trợ vắc-xin miễn phí là hộ chăn nuôi vịt với quy mô mỗi hộ dưới 2.000 con, trong đó, ưu tiên tiêm phòng đàn nhỏ, lẻ.

Cán bộ Thú y và Khuyến nông xã Tân Bình, huyện Tân Trụ – Phan Thọ Liêm cho biết: “Trong đợt 1, xã đăng ký 15.000 liều vắc-xin. Hiện nay, tôi trực tiếp đi tiêm vắc-xin CGC cho đàn gia cầm. Trong quá trình tiêm, tôi còn vận động người dân vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên; khi phát hiện đàn gia cầm chết phải báo ngay với ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh làm lây lan dịch bệnh”.

Năm 2003, do dịch CGC, ông Trần Văn Giác (xã Tân Bình) phải tiêu hủy đàn vịt. Những năm sau đó, ông chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi. Ngoài tiêm phòng đầy đủ cho đàn vịt, ông còn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Vào mùa nắng, ông vệ sinh chuồng trại 1 lần/tuần, mùa mưa 3 lần/tuần. Nhờ vậy, đàn vịt phát triển tốt, ít bệnh.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một trong những biện pháp phòng, chống CGC A (H5N1) hiệu quả. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp như hạn chế việc ra, vào khu vực chăn nuôi và có phương tiện sát trùng mỗi khi ra, vào; định kỳ sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; luôn sử dụng trang phục bảo hộ dành riêng và sát trùng trong quá trình chăm sóc gia cầm; tuân thủ quy định lưu hành con giống và sản phẩm gia cầm; tiêm vắc-xin phòng CGC đầy đủ và đúng kỳ hạn,…

Anh Nguyễn Minh Đài nuôi gà theo hướng an toàn sinh học

Anh Nguyễn Minh Đài (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) là một trong những hộ nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, anh tận dụng chuồng heo cũ để nuôi gà, dùng lưới bao xung quanh vườn, tránh cho gà ra bên ngoài. Trong quá trình nuôi, anh tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho gà, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi theo hướng dẫn của các ngành chức năng.

Anh Đài chia sẻ: “Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch thì sẽ bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe gia đình và người dân quanh khu vực chăn nuôi”.

Huyện Đức Hòa không phải là địa phương có đàn gia cầm lớn nhưng trước nguy cơ xâm nhập của CGC A (H5N1), các ngành chức năng chủ động lên kế hoạch kiểm tra công tác giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống; cán bộ thú y nỗ lực quản lý chặt chẽ gia cầm nhập vào các cơ sở giết mổ, trong đó, đặc biệt chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ; khi đủ điều kiện mới tiến hành thực hiện quy định kiểm soát giết mổ.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực,… có liên quan, tiếp xúc với nguồn gia cầm bệnh, chết thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bằng nhiều giải pháp chủ động, tích cực, tỉnh đang thực hiện tốt công tác phòng, chống CGC A (H5N1). Hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục được sự đồng hành, hưởng ứng của người dân trong công tác phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ tài sản, sức khỏe người dân./.

Lê Ngọc (Báo Long An Online)


Tây Ninh: Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn

Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu, ngụ ấp 4 xã Suối Ngô là một điển hình. Ông Chiểu là người đi đầu trên địa bàn trong việc nuôi vịt đẻ trên cạn thành công nhất.

Xã Suối Ngô là một xã biên giới, nằm về phía Đông Bắc huyện Tân Châu, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 10,5km. Trên địa bàn xã có 7 ấp, với tổng diện tích tự nhiên trên 15.600 ha, dân số 3.600 hộ với trên 12.200 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây thế mạnh như: mía, mì, cao su và một số hộ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm…

Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu.

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Suối Ngô phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân, một số hộ vươn lên làm giàu. Cũng từ phong trào này, xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có mức thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu, ngụ ấp 4 xã Suối Ngô là một điển hình. Ông Chiểu là người đi đầu trên địa bàn trong việc nuôi vịt đẻ trên cạn thành công nhất.

Ông Nguyễn Minh Đăng Lợi- Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Ngô cho biết: “Mô hình vịt đẻ trên cạn của ông Ngô Đình Chiểu bước đầu đạt hiệu quả. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được dịch bệnh, thu nhặt trứng dễ dàng. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu mô hình cho các hội viên khác học tập để áp dụng, góp phần phát trển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình”.

Nuôi vịt đẻ trên cạn là mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giải quyết những hạn chế của các phương pháp chăn nuôi truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Theo ông Ngô Đình Chiểu, nuôi vịt đẻ trên cạn dễ chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.

“Tôi thực hiện mô hình này được 8 năm, nuôi vịt đẻ trên cạn có 3 ưu điểm, thứ nhất là quản lý được bệnh tật; thứ hai là không bị thất thoát trứng; thứ ba là do mình thay nước hằng ngày nên việc nhiễm bệnh rất ít”- ông Chiểu chia sẻ.

Nuôi vịt theo mô hình truyền thống đòi hỏi người nông dân phải có ao nuôi rộng, hoặc chăn thả ngoài đồng nên rất dễ bị hao hụt. Mặt khác, dễ phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.

Nuôi vịt trên cạn không cần nuôi theo mùa vụ. Người nông dân có thể nuôi quanh năm và chủ động khu vực nuôi để thuận tiện quản lý. Bên cạnh đó, hạn chế dịch bệnh lây lan cho đàn vịt. Thuận tiện cho việc thu gom trứng, dọn dẹp vệ sinh.

Theo tính toán của ông Chiểu, nuôi vịt đẻ trên cạn có lợi nhuận cao hơn nuôi gà. Ông Ngô Đình Chiểu cho biết thêm: “Nói chung lợi nhuận cũng tương đối, giá thức ăn hơi cao, nhưng vẫn có lời. Tôi nuôi 1.000 con, mỗi ngày thu 800 trứng, giá bán như hiện nay thì một ngày lời được 800 ngàn đồng. Nuôi vịt đẻ trên cạn dễ hơn nuôi gà, bỏ vốn một lần, thu hoạch đến 4 năm và nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 5 năm. Tôi dự định mở thêm một khu để nuôi khoảng 1.500 con”.

Ông Ngô Đình Chiểu (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Nông dân huyện, xã tại trang trại nuôi vịt đẻ trên cạn.

Nuôi vịt đẻ trên cạn tiết kiệm được nguồn thức ăn. Vịt đẻ trứng tập trung, thuận tiện cho việc thu gom. Đặc biệt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khi nuôi vịt trên cạn ông Chiểu đã áp dụng đệm lót sinh học để lót chuồng.

Đệm lót sinh học ông làm từ vỏ trấu để tiết kiệm chi phí. Vỏ trấu khi đem về ông phơi thật khô và sát trùng kỹ trước khi cho vào chuồng để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, mầm bệnh. Lót lớp trấu có độ dày từ 10cm – 15cm.

Trong suốt quá trình nuôi khoảng 2 tháng xịt khử khuẩn một lần để tiêu diệt mầm bệnh, vi sinh vật phát triển, bảo đảm sức khoẻ cho đàn vịt và giảm mùi hôi từ phân vịt. Nếu lớp trấu bị xẹp ông bổ sung một ít trấu mới lên trên và chỉ thay vỏ trấu 6 tháng một lần. Trấu thay ra ông làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Phía bên ngoài khu vực nuôi vịt, ông xây tường rào và quây bằng lưới thép B40 để dễ quan sát và quản lý đàn vịt. Cạnh chuồng nuôi ông làm một hồ nước sạch để cung cấp nước cho đàn vịt. Nước được thay thường xuyên mỗi ngày để tránh bị ô nhiễm. Xung quanh hồ nước ông tráng xi măng và lót gạch vỉa hè để tiện cho việc vệ sinh. Máng ăn được đặt bên ngoài khu vực hồ nước tránh để vịt làm ẩm ướt thức ăn.

Ông Nguyễn Văn Thượng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết: “Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của ông Nguyễn Đình Chiểu đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Sắp tới Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân xã Suối Ngô tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho bà con”.

Theo kinh nghiệm của ông Ngô Đình Chiểu, nuôi vịt đẻ khác với các mô hình nuôi vịt thương phẩm hướng thịt, nuôi vịt đẻ phải theo dõi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhất là nuôi vịt đẻ trên cạn.

Sau mỗi ngày phải điều chỉnh lượng thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng, tỷ lệ phối trộn thức ăn để vịt đẻ trứng đạt tiêu chuẩn. Nhu cầu thức ăn của vịt đẻ lấy trứng phải chú ý tăng cường các loại thức ăn khô, giàu đạm và rau xanh.

Chí Thành (Tây Ninh Online)


 

Comments are closed.