Thừa Thiên Huế: Bảo vệ đàn Gia Súc, Gia Cầm mùa nắng nóng

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh cho rằng, nắng nóng đang diễn ra gay gắt, có nơi nền nhiệt cao và kéo dài làm gia súc, gia cầm (GSGC) giảm sức đề kháng, có nguy cơ ngã quỵ và phát sinh dịch bệnh.

Từ đầu mùa nắng nóng, ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng, bảo vệ đàn vật nuôi với hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gà thương phẩm. Mùa nắng nóng và mùa đông là thời điểm nhạy cảm, đàn vật nuôi thường có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ngã quỵ nên ông Thuận rất quan tâm.

Mặc dù chuồng trại được đầu tư khá bài bản, chu đáo nhưng ông Thuận vẫn không chủ quan, thường xuyên kiểm tra hệ thống quạt, cửa thông gió, phun nước… đảm bảo làm mát cho đàn lợn, gà, nhất là không để xảy ra sự cố vào những lúc cao điểm nắng nóng. Những lúc nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao và kéo dài, ngoài mở tất cả các cửa thông gió, ông Thuận còn sử dụng quạt điện và tắm mát cho vật nuôi.

Trại chăn nuôi lợn ở Quảng Lợi được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.

Ông Thuận chia sẻ, tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn GSGC là điều kiện bắt buộc, theo định kỳ kể cả mùa nắng nóng hay mùa đông. Chuồng trại được ông Thuận vệ sinh sạch sẽ bằng chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa mùi hôi. Quanh chuồng trại thường xuyên tiêu độc, khử trùng và dùng các biện pháp xua đuổi các loài chim di trú có nguy cơ mang theo mầm bệnh, làm lây lan đến vật nuôi.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho rằng, ý thức chấp hành quy định của người dân được xem là sự chủ động cần thiết trong bảo vệ đàn GSGC mùa nắng nóng. Hơn ai hết, chủ hộ nuôi là người trực tiếp chăm sóc, theo dõi vật nuôi thì phải hiểu rõ và chấp hành các quy định trong bảo vệ đàn GSGC mùa nắng nóng. Bảo vệ an toàn đàn GSGC chính là bảo vệ tài sản của chính người dân.

Qua kiểm tra, theo dõi, phần lớn hộ chăn nuôi, nhất là các chủ trang trại, gia trại quy mô lớn đều chấp hành tốt các quy định, các biện pháp bảo vệ an toàn đàn GSGC. Tuy nhiên, một bộ phận chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chủ quan, thường không tiêm vắc-xin, không tiêu độc khử trùng và ít quan tâm đến việc che chắn chuồng trại. Cán bộ thú y đang tổ chức kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân chấp hành các biện pháp bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TP. Huế), ông Trần Viết Chức cho hay, địa phương có đàn trâu khá lớn, chủ yếu nuôi thương phẩm, một số ít phục vụ cày kéo. Người dân có khá nhiều kinh nghiệm và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn trâu. Tuy nhiên địa phương vẫn không chủ quan, thường xuyên cử cán bộ giám sát, nhắc nhở các hộ nuôi không chăn thả trâu vào những lúc cao điểm nắng nóng. Gia súc phải được nuôi nhốt, kết hợp tu sửa chuồng trại đảm bảo thoáng mát và dự trữ rơm, bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, cho uống nước đầy đủ trong mùa nắng nóng…

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, ông Nguyễn Văn Hưng đánh giá, qua kiểm tra tại các địa phương, phần lớn các hộ chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn GSGC theo hướng dẫn, quy định của ngành thú y. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ quan được cán bộ thú y thường xuyên theo dõi, giám sát và yêu cầu chấp hành quy định.

[:vi][:en] [:]

Lực lượng thú y các cấp phân công kiểm tra, hướng dẫn chủ nuôi tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin cho đàn GSGC nuôi mới, hoặc chưa được tiêm trong vụ xuân. Theo định kỳ hàng tháng triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng, trong đó tăng cường tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh và những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.

Cán bộ thú y xã, phường chủ động hướng dẫn các cơ sở áp dụng biện pháp làm mát khu vực chăn nuôi, chuồng trại thoáng mát, che kín hướng nắng và sử dụng quạt điện khi nghiệt độ cao trên 36 độ C. Trong thời điểm nắng nóng gay gắt, kéo dài, các cơ sở, hộ nuôi giảm mật độ nuôi; chế biến, dự trữ thức ăn đầy đủ, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và các loại thức ăn giàu vitamin, giàu đạm.

Theo khuyến cáo của Chi cục CN&TY tỉnh, người dân cần kết hợp giữa kinh nghiệm và ứng dụng các biện pháp khoa học theo hướng dẫn của cán bộ thú y, như giảm tinh bột, mỡ, đường, áp dụng khẩu phần ăn có khả năng giảm tăng nhiệt cơ thể cho vật nuôi; cấp đủ nước sạch cho GSGC trong suốt mùa nắng nóng. Đối với trâu, bò, dê nên chăn thả ở những nơi có đầy đủ bóng mát và nước uống sạch, không chăn thả vào lúc nhiệt độ cao.

Bài, ảnh: Hoàng Thế (Báo Thừa Thiên Huế online)

 

Comments are closed.