Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (Tháng 12/2022)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y tháng 12/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/12/2022 – 31/12/2022.

Giá heo hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó!

Gần đây, người chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, còn giá heo hơi lại luôn ở mức thấp. Hiện giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất của nhiều hộ chăn nuôi.

Trong những tuần đầu tháng 12-2022, giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm thêm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với trước. Ngày 19-12, giá heo hơi được nông dân bán cho thương lái chỉ 51.000-53.000 đồng/kg. Xuất bán heo với giá hiện tại, hộ chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng do giá thành nuôi heo đã hơn 6 triệu đồng/con heo khoảng 100kg. Theo nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh thịt heo, giá heo hơi giảm do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ thịt heo tại nhiều địa phương đang khá yếu. Như vậy, nếu so với thời điểm giá heo hơi đạt mức cao vào hồi tháng 7 năm nay, hiện giá heo hơi đã giảm tổng cộng khoảng 15.000-17.000 đồng/kg.

Nhìn lại khoảng thời gian hơn 2 năm qua, giá heo hơi đã có biến động theo chiều hướng giảm và gây nhiều bất lợi cho người chăn nuôi heo. Những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá heo hơi duy trì ở mức rất cao, từ 80.000-85.000 đồng/kg giúp người chăn nuôi heo đạt mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ quý II-2021, giá heo hơi đã liên tục giảm mạnh và nhanh chóng giảm sâu xuống dưới mức giá thành sản xuất, người chăn nuôi heo bị thua lỗ nặng. Ðáng chú ý, vào thời điểm tháng 10-2021, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL chỉ còn 36.000-38.000 đồng/kg. Xuất bán heo với mức giá này, nhiều người chăn nuôi heo bị lỗ vốn từ 1,5-2 triệu đồng/con heo khoảng 100kg. Trong 2 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá heo hơi đã có sự phục hồi trở lại nhờ nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là khi nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thời điểm đầu năm 2022, giá heo hơi ở mức khoảng 49.000-51.000 đồng/kg, sau đó đã tăng nhẹ và đạt được mức giá 55.000-57.000 đồng/kg trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Sau Tết, giá heo hơi tại vùng ÐBSCL giảm về mức 51.000-54.000 đồng/kg. Ðến tháng 7-2022, giá heo hơi tại nhiều địa phương đã tăng mạnh và đạt được mức giá 65.000-70.000 đồng/kg. Song, heo hơi không duy trì được mức giá trên mà có chiều hướng giảm trở lại trong những tháng qua và hiện đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi lại liên tục tăng và duy trì ở mức rất cao.

Thương lái thu mua heo hơi của người dân tại xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai.

Theo nhiều hộ chăn nuôi heo, đầu năm 2022 đến nay, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo đã có thêm ít nhất khoảng 6-7 lần điều chỉnh tăng giá và đã tăng tổng cộng khoảng 100.000-150.000 đồng/bao 25kg so với trước đó. Theo đó, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo đang ở mức rất cao, với từ 375.000-570.000 đồng/bao. Giá các loại tấm và cám gạo cũng tăng đáng kể so với các năm trước, với giá cám mịn và tấm tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đang ở mức 9.000-10.000 đồng/kg, giá hạt bắp ở mức 10.000-12.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá nhiều loại chi phí đầu vào khác phục vụ chăn nuôi cũng tăng như tiền thuốc thú y, điện, nước, chi phí thuê mướn nhân công và xây dựng chuồng trại…

Anh Trần Tiến An ngụ ấp Trường Ðông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Ðể nuôi một con heo đạt 100kg, hộ dân phải bỏ ra số tiền từ 6-6,5 triệu đồng, trong đó chi phí tiền thức ăn chăn nuôi khoảng 4,2-4,5 triệu đồng nếu nuôi heo dựa hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp. Còn tiền heo giống khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/con, chi phí tiêm phòng vaccine và tiền điện, nước khoảng 500.000-600.000 đồng. Ðó là chưa kể tiền công chăm sóc và các chi phí tiền thuốc thú y phát sinh khi heo bị bệnh. Giá heo hơi phải giữ ở mức từ 6,5-7 triệu đồng/tạ trở lên mới đảm bảo thu nhập cho người nuôi heo”. Theo anh Trần Tiến An, vừa qua gia đình anh đã bán 30 con heo thịt. Với giá bán 5,4 triệu đồng/tạ, nếu tính luôn công chăm sóc, anh chỉ phá huề vốn dù tự sản xuất con giống và mua thêm các loại cám và gạo tấm về phối trộn với cám công nghiệp để nuôi heo nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Hiện tại gia đình anh còn khoảng 30 con heo và anh rất mong giá heo hơi sớm khởi sắc.

Với giá heo hơi ở mức thấp như hiện tại, nhiều hộ dân nuôi heo theo quy mô lớn cũng khó kiếm lời dù được mua con giống và thức ăn chăn nuôi với giá sỉ. Anh Nguyễn Văn Hiền ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình tôi nuôi heo gần mười năm nay, với quy mô nuôi mỗi đợt heo khoảng 300 con heo thịt, thời gian từ lúc mua con giống về đến xuất bán heo khoảng 3,5 tháng. Các năm trước, heo hơi có giá, gia đình tôi đã có thu nhập khá tốt từ con heo. Tuy nhiên, gần đây nuôi heo rất khó kiếm lời do chi phí chăn nuôi tăng mà giá heo hơi lại bị giảm thấp. Tôi đang xuất bán 100 con heo với giá chỉ 5,3 triệu đồng/tạ, tính ra bị lỗ tiền công chăm sóc. Hiện tôi còn 200 con heo gần tới lứa xuất bán và heo đã đạt trọng lượng từ 80-90 kg/con. Rất mong giá heo hơi sớm tăng trở lại và giá thức ăn chăn nuôi được kéo giảm”.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo, ngành chức năng cần kịp thời tìm giải pháp kéo giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi. Ðặc biệt, cần tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ người chăn nuôi kết nối với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ để tạo điều kiện tiêu thụ được heo hơi với mức giá tốt, nhất là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Về lâu dài, cần tổ chức lại việc chăn nuôi heo gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp theo từng thời điểm trong năm nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu và ổn định giá cả đầu ra cho người chăn nuôi đảm bảo có lời…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG (Cần Thơ Online)


Bến Tre: Nuôi gà thương phẩm hiệu quả cao

Chị Nguyễn Thị Kiều Em, sinh năm 1986, ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc chăn nuôi gà thịt (thương phẩm) được 10 năm. Tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi gà thương phẩm, chị Kiều Em có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Tốt nghiệp THPT (năm 2004), chị Nguyễn Thị Kiều Em quyết định học ngành đồ họa của Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ mới ở TP. Hồ Chí Minh, với thời gian đào tạo là 2 năm. Đầu năm 2017, chị tốt nghiệp ra trường và tham gia làm việc cho một studio áo cưới tại TP. Hồ Chí Minh, tạo nguồn thu nhập cho bản thân.

Đến năm 2010, chị Kiều Em kết duyên cùng anh Nguyễn Văn Hai (35 tuổi, nguyên quán Thôn Nam Xuân, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Trái ngọt cho tình yêu của chị Kiều Em và anh Văn Hai là 2 người con chăm ngoan, học giỏi (con trai lớn 12 tuổi, học lớp 6, con gái nhỏ 9 tuổi, học lớp 3).

Năm 2012, chị Kiều Em bắt đầu khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình với công việc chăn nuôi gà thương phẩm. Chị nuôi gà ở quê nhà được 2 năm rồi chuyển về quê chồng sinh sống.

Chị Nguyễn Thị Kiều Em chăm sóc đàn gà của gia đình.

Đến năm 2016, vợ chồng chị trở về ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc sinh sống và tiếp tục chăn nuôi gà thương phẩm. Trước hết, chị tận dụng diện tích đất của gia đình ruột (1,5 công đất, ở ấp Thanh Tây) nuôi từ 1 – 2 ngàn con gà khởi đầu cơ nghiệp. Đến nay, chị thuê thêm 7 công đất (4 triệu đồng/công/năm, ở ấp Sùng Tân, xã Tân Thanh Tây) để phát triển đàn gà.

Trên 8,5 ngàn m2 (đất nhà và mướn), chị Kiều Em thiết kế 9 chuồng để nuôi gà thương phẩm. Mỗi chuồng có chiều dài 12m và chiều rộng 5m. Ban đầu, chị Kiều Em chỉ xây dựng chuồng nuôi tạm bợ với mái lợp lá, dựng cột bằng các cây vụn do người dân xung quanh cho. Hiện tại, đàn gà của gia đình chị lên tới 9 ngàn con (trung bình 1 ngàn con/chuồng), con giống mua tại huyện Giồng Trôm. Một năm, chị xuất bán 2 lứa gà thịt (từ 4 – 5 tháng/lứa). Theo chị Kiều Em, mỗi lứa bán gà thịt được giá (từ 80 ngàn đồng/kg) thì chị lãi 10 triệu đồng/ngàn con. Thương lái đến tận chuồng nuôi thu mua gà. Đến nay, chị đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang (cột thép, lợp tole), chi phí từ 15 – 20 triệu đồng/chuồng từ lợi nhuận chăn nuôi. Nền chuồng nuôi gà được lót mảnh bao và trấu (rải khoảng 15 bao/chuồng) để thu nhận phân bán (50 – 60 bao/ngàn con). Cứ 10 ngày, chị rải độn chuồng 1 lần (1 bịch/chuồng, 70 ngàn đồng/kg) giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi cũng như phòng bệnh cho gà.

“Vợ chồng tôi cùng nhau thay phiên chăm sóc gà ở 2 nơi khác, tùy thuộc vào thời gian thích hợp của từng người. Bởi nuôi gà thương phẩm cần phải theo dõi sát sao cũng như canh từng giai đoạn sinh trưởng của gà”, chị Kiều Em chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Tây Nguyễn Thị Luyện cho biết: Chi hội Phụ nữ ấp Thanh Tây có 288 hội viên, mỗi hội viên chọn mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp điều kiện của gia đình. Chị Nguyễn Thị Kiều Em là một hội viên phụ nữ ấp tích cực trong lao động, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả với công việc chăn nuôi gà thương phẩm. Ngoài lo kinh tế, chị Kiều Em còn tích cực, hăng hái tham gia mọi hoạt động, phong trào phụ nữ giúp ích cho xã hội. Tháng 7-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã giới thiệu chị Nguyễn Thị Kiều Em đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của chị Kiều Em đã được nhân rộng cho 22 hộ trên địa bàn xã. Chị Kiều Em luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng người chăn nuôi gà thịt ở địa phương.

Bài, ảnh: Lê Đệ (Báo Đồng Khởi)


 

Comments are closed.