|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/12 – 31/12/2021)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/12-31/12/2021.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/12 – 31/12/2021.

Đồng Tháp: Giá trứng gia cầm tăng

Người chăn nuôi phấn khởi do giá trứng gia cầm tăng.

Khoảng 1 tháng qua, giá trứng gà, trứng vịt tăng mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Là người có thâm niên chăn nuôi gia cầm, anh Nguyễn Minh Trí ngụ thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Hiện, trứng vịt có giá 25.000 – 28.000 đồng/chục; trứng gà 26.000 – 28.000 đồng/chục. Mức giá này tăng khoảng 5.000 – 8.000 đồng/chục so với 2 tháng trước. Giá trứng gia cầm tăng trong thời gian gần đây do nhu cầu tiêu thụ cao, trong khi tổng đàn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh bị giảm sau đợt mưa bão và ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Giá trứng gia cầm tăng giúp giảm khó khăn cho người nuôi do giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” trong suốt thời gian dài.

Nhật Nam (Báo Đồng Tháp Online)


Đồng Nai: Dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lây lan trên diện rộng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản số 15943/UBND về việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Hiện dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số heo bị tiêu hủy trên 230 ngàn con, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,8% tổng đàn. Trên địa bàn Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 72 cơ sở chăn nuôi heo bị dịch thuộc 31 xã thuộc 8 huyện gồm: Long Thành, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Tổng lượng heo bị tiêu hủy là 2.177 con, trọng lượng trên 120,3 tấn. Dịch bệnh này có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến đến ngành chăn nuôi.

Văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt những xã có dịch chưa qua 21 ngày cần tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý heo mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo không phép; sử dụng sản phẩm heo bị bệnh để chế biến, kinh doanh; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát heo có biểu hiện bệnh, nghi bệnh để kịp thời phát hiện và báo cáo với chính quyền địa phương; triển khai thực hiện tốt công tác kê khai, báo cáo chăn nuôi gắn với điều kiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn của cơ sở chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học…

Văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT cần tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch; chủ động giám sát cảnh báo dịch; lấy mẫu chuẩn đoán xét nghiệm bệnh; khi phát hiện bệnh, chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan. Sở NN-PTNT cần kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc…

Các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai điện tử)


Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2021 chăn nuôi của thành phố Hà Nội có mức tăng trưởng mạnh, trong đó tổng đàn trâu toàn thành phố là 27.500 con, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 130.048 con, tăng 0,08%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 9,07%; đàn gia cầm 39,8 triệu con, tương đương năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại đạt 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, có thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống 35.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng xuống dưới giá thành, trong khi giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các hộ chăn nuôi, hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn nỗ lực tăng tổng đàn, cung cấp lượng lớn thịt các loại cho thị trường.

Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng 20-30% nhưng Hà Nội cơ bản chủ động được nguồn cung, trong đó, sản lượng gia cầm, thủy sản của Hà Nội đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 70-90%; còn lại Hà Nội sẽ nhập từ các tỉnh, thành phố.

QUỲNH NGỌC (Báo Hànộimới)


Hòa Bình: Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh là 298.013 ha, chiếm 64,66% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đó là tiềm năng và cơ hội để tỉnh phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, gồm: giá trị cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường, dịch vụ lưu trữ, hấp thụ các bon và du lịch sinh thái.

Những năm qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; ý thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng, trồng mới rừng ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới và trồng rừng sau khai thác bình quân đạt từ 6.000 – 7.000 ha. Nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng (KTDTR) mang lại hiệu quả cao như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.

Lạc Thủy là một trong những địa phương tiên phong phát triển chăn nuôi gia cầm dưới tán rừng. Toàn huyện có 31/61 trang trại, 135/235 gia trại chăn nuôi gà dưới tán rừng. Quy mô chăn nuôi của mỗi trang trại khoảng 3.000 – 5.000 con gà; thu nhập từ 600 – 800 triệu đồng/năm/trang trại. Là một trong những hộ dân tiêu biểu phát triển KTDTR của huyện, anh Phạm Văn Dân, thôn 7, xã Phú Nghĩa chia sẻ: Với 2 ha rừng trồng, gia đình tôi nuôi 3.000 con gà đẻ trứng và 4.000 con gà thương phẩm. Nuôi gà dưới tán rừng phòng được nhiều dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường vì ở xa khu dân cư. Trung bình gia đình thu nhập từ nuôi gà dưới tán rừng đạt 700 triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh có khoảng 225.468,4 ha rừng (gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) có thể phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Người dân tập trung trồng một số cây như: Sa nhân, ba kích, hà thủ ô, đinh lăng, nghệ đen, sâm cát, hương nhu, lá dong. Một số HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các hộ dân thu mua dược liệu, đầu tư máy móc, chuẩn hóa quy trình sản xuất, liên kết quảng bá để xây dựng phát triển các thương hiệu từ thảo dược.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về hệ sinh thái rừng cùng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông…, một số địa phương đã khai thác tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử và văn hóa tâm linh. Một số địa điểm du lịch cộng đồng tại xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu); Đá Bia, Hiền Lương, xóm Sưng (Đà Bắc) tổ chức cho du khách trải nghiệm, khám phá những khu rừng nguyên sinh hùng vĩ.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện tỉnh tập trung phát triển rừng sản xuất gỗ lớn. Nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển rừng sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của rừng sản xuất, tạo tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn cần phải đầu tư thâm canh, kéo dài chu kỳ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất bằng việc sử dụng cây giống chất lượng cao; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng… Tháng 7/2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với diện tích quy hoạch rừng sản xuất lớn sẽ có nhiều dư địa để phát triển KTDTR. Khi kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn trên 10 năm người dân sẽ có điều kiện để phát triển KTDTR như trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, cây nông nghiệp, chăn nuôi… Tận dụng tán rừng để phát triển kinh tế giúp bà con có nguồn sinh kế thay thế, có thu nhập khi rừng chưa được khai thác, đồng thời giảm công sức, chi phí đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả KTDTR cần phải lựa chọn các loài cây, con nuôi trồng dưới tán rừng phù hợp đặc tính sinh thái của loài. Thí điểm xây dựng các mô hình phát triển KTDTR đem lại hiệu quả cao để nhân rộng. Tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể, khoa học về thực trạng phân bố các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu giá trị cao dưới tán rừng để đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ. Quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị cao dưới tán rừng. Hỗ trợ thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát triển KTDTR…

Thu Thủy (Báo Hòa Bình Điện Tử)


Giá lợn hơi trong dịp Tết duy trì mức thấp

Ngày 27-12, đầu tuần, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước giảm nhẹ. Tại thị trường miền Bắc không có điều chỉnh mới so với hôm qua, dao động trong khoảng 46.000-49.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh: Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và thành phố Hà Nội, lợn hơi được mua với giá cao nhất 49.000 đồng/kg. Tại các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, có giá 46.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc, dao động trong khoảng 47.000 – 48.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 47.000-49.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 26-12. Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng 47.000-50.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua.

[:vi]

CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI ⇒ CÁC LOẠI THUỐC THÚ Y VÀ CÔNG DỤNG

[:]

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 28,1 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước).

Thông thường, giá lợn hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên năm nay, giá lợn hơi những ngày qua biến động không đáng kể. Hiện, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, phần lớn cơ sở chăn nuôi đang chịu lỗ.

Trước lo ngại về bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi có thể phải dừng nuôi. Theo nhận định của các chuyên gia ngành chăn nuôi, nhiều khả năng giá lợn hơi còn giảm hoặc duy trì mức thấp trong dịp Tết Nguyên đán và quý I-2022 bởi sự lo ngại về biến thể mới của Covid-19 khiến biện pháp chống dịch được siết chặt, các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa trở lại hoạt động bình thường…

Báo Hànộimới


Hòa Bình: Khẩn trương ứng phó với rét đậm, rét hại

Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, từ ngày 26 – 28/12, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10 – 13oC. Loại hình thiên tai này rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Là hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại với gần 1.000 con gà và hàng trăm con lợn, nên việc bảo vệ đàn vật nuôi được gia đình ông Lê Văn Luyến, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đặc biệt chú trọng. Ông Luyến cho biết: Nắm bắt được thông tin mùa đông năm nay nhiệt độ có xu hướng thấp hơn so với năm trước nên ngay khi bước vào mùa, gia đình đã gia cố lại toàn bộ chuồng trại, quan tâm tiêm phòng,vệ sinh, khử khuẩn khu vực chăn nuôi để phòng chống rét, dịch bệnh. Trong đợt rét đậm, rét hại, gia đình thường xuyên kiểm tra chuồng trại, căng bạt xung quanhchuồng đảm bảo kín gió, bật đèn sưởi, cho ăn đầy đủ chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Từ kinh nghiệm của gia đình cho thấy, việc giữ ấm cho vật nuôi là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để bảo vệ sản xuất.

Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nên vào mùa đông, trên địa bàn tỉnh thường chịu rủi ro thiên tai do rét đậm, rét hại, sương muối. Những năm gần đây, người chăn nuôi cơ bản đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Song, do thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến bất thường, không theo quy luật, làm gia tăng những đợt không khí lạnh và các đợt rét đậm, rét hại. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng cao giữ thói quen chăn thả và có tâm lý chủ quan nên hàng năm vẫn xảy ra thiệt hại cho nhiều hộ.

Do vậy, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn, chất đốt đảm bảo phòng chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, bổ sung thức ăn tinh, muối, khoáng, vitamin, men tiêu hóa cho gia súc, gia cầm…

Đối với cây trồng, cần chủ động che chắn bằng ni lông, bạt; không gieo hạt, cấy lúa vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 130C. Tăng cường biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ, phân NPK… Chủ động chuẩn bị hạt giống, cây con để dặm lại diện tích cây chết và hạt thối không nảy mầm được…

Đối với bảo vệ sức khỏe người dân, BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh;căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, phối hợp với Sở GD&ĐT có phương án cho học sinh nghỉ học. Chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra trơn trượt, nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, người dân không nên đi tập thể dục quá sớm, đặc biệt với người cao tuổi, người bị mắc bệnh lý về hô hấp, tim mạch; không nên uống rượu, bia khi ở ngoài trời lạnh; không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín bởi dễ gây thiếu oxy, có thể nguy hiểm tới tính mạng…

BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức đoàn công tác xuống các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh rét đậm, rét hại.

Thu Hiền (Báo Hòa Bình Điện Tử)


Đồng Tháp: Tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò của địa phương đến năm 2025, nhằm chủ động ứng phó, phát hiện sớm, khống chế thành công dịch bệnh VDNC trên trâu, bò, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của tỉnh.

Theo đó hàng năm, các huyện, thành phố tổ chức tiêm vắc-xin VDNC đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Khi có dịch bệnh xảy ra, UBND huyện, thành phố tổ chức rà soát tiêm phòng bổ sung vắc-xin VDNC cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vắc-xin hoặc đã được tiêm vắc-xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100km tính từ ổ dịch VDNC hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh VDNC và huyện, thành phố liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh VDNC.

Việc tiêm vắc-xin nhằm phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc.

Hàng năm, tổ chức 1 đợt tiêm phòng vắc-xin chính trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương (khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm), trước mùa phát triển của véc-tơ truyền bệnh VDNC (như ruồi, muỗi, ve, mòng…) và thời điểm 1 đến 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc-xin VDNC. Ngoài đợt tiêm chính, UBND huyện, thành phố có kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC bổ sung cho đàn trâu, bò phát sinh trước, trong và sau đợt tiêm chính, bảo đảm tiêm vắc-xin cho tối thiểu 80% tổng đàn.

Dũng Chinh (Báo Đồng Tháp Online)


Tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi trong nước

Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ được cho là giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đồng Nai cũng rất quan tâm hỗ trợ nhằm nâng “chất” cho các chuỗi liên kết chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ, cục bộ địa phương dần lớn mạnh, có thể tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Cần giải pháp đồng bộ

Trước những khó khăn của người chăn nuôi do giá sản phẩm chăn nuôi giảm dưới giá thành sản xuất trong nhiều tháng liền vì không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn một số giải pháp nhằm phục hồi ngành chăn nuôi, trong đó có việc kiểm soát chặt nhập khẩu thịt.

Cụ thể, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính như: thịt heo, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm; nhất là với những sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng đột biến trong thời gian gần đây. Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn. Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới.

Xây dựng chuỗi liên kết

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 29 chuỗi chăn nuôi với các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà… Toàn tỉnh cũng có 277 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP với sản lượng được chứng nhận gần 102 ngàn tấn thịt heo/năm, trên 38 ngàn tấn thịt gà/năm và 325 triệu quả trứng gà/năm. Trong đó, không chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi mới xây dựng được những chuỗi liên kết hiệu quả mà nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã tham gia vào chuỗi để tăng lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Lê Quang Hạnh, chủ trại gà công nghiệp tại xã Long Đức (H.Long Thành) cho biết, trong chuỗi liên kết, chủ trại chăn nuôi được hỗ trợ từ vay vốn đầu tư đến “gối đầu” con giống, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y với giá tốt, hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi… Người chăn nuôi đặc biệt an tâm vì tham gia vào chuỗi liên kết đảm bảo đầu ra luôn ổn định ở mức giá người chăn nuôi có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá gà công nghiệp ngoài thị trường rớt chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành), HTX đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản. Tham gia HTX không chỉ có người chăn nuôi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám… đảm bảo cho người chăn nuôi mua vật tư đầu vào với giá tốt nhất. Sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn xuất khẩu được bao tiêu với giá tốt.

Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong tốp các tỉnh, thành đi tiên phong của cả nước thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cũng như truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăn nuôi để có lợi thế cạnh tranh trong hội nhập.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai cho biết, chương trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm heo, gà trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% tổng đàn heo và 37,5% tổng đàn gà thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc chăn nuôi sẽ giúp việc quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, đồng thời nâng giá trị cho thịt heo, gà Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đang triển khai đề án phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; nhất là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Nếu Việt Nam không đưa ra những giải pháp hàng đầu để bảo vệ sản xuất trong nước thì sẽ không thúc đẩy được sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đúng với mục tiêu đề ra. Khi hội nhập sâu, sự kiểm soát hàng nhập khẩu còn hạn chế trong khi xuất khẩu lại hết sức khó khăn, vất vả vì hàng rào kỹ thuật của các nước ngày càng cao, chặt chẽ sẽ bóp chết nền sản xuất trong nước.

Lê Quyên (www.baodongnai.com.vn)


Sản phẩm chăn nuôi tăng giá

Sau thời gian dài các sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá heo, gà, vịt… hiện đã theo đà tăng, đang ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận.

Người chăn nuôi kỳ vọng thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022, các sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá tốt hơn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi không “hạ nhiệt” mà có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thị trường dần khôi phục

Khi hoạt động kinh tế – xã hội dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, giá nhiều mặt hàng chăn nuôi dần tăng trở lại, người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại đạt mức từ 30-32 ngàn đồng/kg, tăng nhiều so với thời điểm giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg vài tháng trước. Giá gà ta thả vườn nuôi nhốt dao động từ 55-60 ngàn đồng/kg. Giá vịt siêu thịt vài tuần trở lại đây có xu hướng dần tăng giá, hiện đang đứng ở mức 36-38 ngàn đồng/kg. Giá heo hơi bán tại trại tùy trại và địa phương, có giá từ 47-50 ngàn đồng/kg.

Đây chưa phải là mức giá người chăn nuôi kỳ vọng vì thấp hơn so với mặt bằng giá chung cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giá này đã tăng hơn rất nhiều so với những tháng khó khăn trước đó, người chăn nuôi cũng đã có lợi nhuận. Trong đó, giá gà công nghiệp có mức tăng khá tốt.

Ông Lê Quang Huy, chủ trại gà công nghiệp ở xã Long Đức (H.Long Thành) cho biết, hiện giá gà công nghiệp đứng ở mức giá tốt và người chăn nuôi đã có lợi nhuận. Ngoài ra, thời tiết những tháng cuối năm khá thuận lợi cho con gà tăng trưởng, dịch bệnh cũng được kiểm soát. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nhiều chi phí đầu vào khác cũng đội lên, trang trại giảm bớt lứa nuôi nên đồng lời cũng bị thu hẹp hơn.

Nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang dần khôi phục góp phần làm cho giá các sản phẩm chăn nuôi tăng trở lại với mức cao hơn nhiều so với thời điểm giá chạm đáy vài tháng trước. Cùng với đó còn có nguyên nhân nguồn cung giảm hơn do người nuôi giảm đàn vì khó khăn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt 25,3 triệu con, giảm 7,54% so với cùng kỳ. Tổng đàn heo của tỉnh đạt gần 2,4 triệu con, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Lại lo thức ăn chăn nuôi “sốt giá”

Giá sản phẩm chăn nuôi tăng nhưng khó khăn, thách thức vẫn bủa vây ngành chăn nuôi khi chi phí đầu vào vẫn tăng quá cao. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trại heo tại xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) chia sẻ: “Mọi năm, với mức giá như hiện nay, người nuôi heo đã có lợi nhuận tốt. Nhưng hiện người nuôi heo hầu như không có lời, thậm chí lỗ, vì giá thức ăn tăng quá cao. Người chăn nuôi chúng tôi không chỉ mong đầu ra ổn định, có giá tốt mà chi phí đầu vào cũng ở mức hợp lý thì người chăn nuôi mới yên tâm đầu tư vào sản xuất”.

Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chịu sự tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào sự biến động của thị trường thế giới. Theo các doanh nghiệp, chuyên gia dự báo, giá thức ăn chăn nuôi khó “hạ nhiệt” mà có khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Olmix (Pháp) dự báo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ khó phục hồi sớm, có thể phải đến giữa năm 2022 mới ổn định trở lại. Ngoài ra, yếu tố ảnh hưởng khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh là do chi phí vận chuyển tăng cao. Việt Nam nên từng bước tìm kiếm những nguồn nguyên liệu khác luôn có sẵn tại chỗ để thay thế các nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên rất nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi khó có khả năng giảm, thậm chí có thể tăng lên do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới sụt giảm, bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các tác động của đại dịch Covid-19 cũng khiến chi phí vận chuyển chỉ tăng mà không giảm.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai điện tử)


Bà Rịa – Vũng Tàu: Giá dê giảm sâu, người nuôi gặp khó

2 tháng trở lại đây, giá dê thịt trên địa bàn tỉnh liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 60 ngàn đồng/kg – mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Không chỉ giá giảm, việc tiêu thụ thịt dê cũng gặp khó khăn.

Lỗ 1 triệu đồng/con

Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Phan Thanh Giã, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức vẫn chưa bán được con dê nào. Ông Giã cho hay, dịch bệnh COVID-19 kéo dài thời gian qua khiến việc tiêu thụ dê bị ngừng trệ. Khi hết giãn cách xã hội, giá dê và sức mua vẫn không tăng. Đàn dê 45 con của gia đình ông đã tới kỳ xuất chuồng nhưng khi gọi, thương lái cũng từ chối mua. Chưa kể, giá dê đang giảm sâu còn khoảng 60-65 ngàn đồng/kg, thấp hơn phân nửa so với cùng thời điểm năm ngoái.

Người nuôi dê lo lắng vì giá dê giảm sâu. Trong ảnh: Ông Bùi Văn Hảo, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc đàn dê của gia đình.

Theo ông Giã, dê ở mức trọng lượng 40kg là phù hợp để xuất chuồng, nếu để nuôi càng lâu càng khó bán. Ngoài ra, chi phí nuôi cũng tốn kém hơn. “Tôi đang lo lắng khi đàn dê đã tới kỳ xuất chuồng, nếu khoảng 10 – 15 ngày nữa mà không bán được, lúc đó dê tăng trọng lượng lại càng khó bán, dễ bị thương lái ép giá”, ông Giã than thở.

Tương tự, gia đình ông Lê Tuấn, ở ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cũng đang nuôi hơn 70 con dê, trong đó có 35 con dê sinh sản, gần 40 con dê thịt đã quá lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được. Với giá dê hơi tại thời điểm này chỉ từ 60-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống và tiền mua cám, chưa tính công nuôi thì người chăn nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng/con.

“Người nuôi dê chịu thiệt đơn thiệt kép. Ngoài giá bán giảm sâu, cách tính kg khi thu mua của thương lái cũng khiến người chăn nuôi thiệt thòi. Cụ thể, dù con dê có trọng lượng hơn 50kg nhưng người mua chỉ trả tiền 40kg mà không tính số kg vượt hơn. Theo cách tính này, mỗi con dê bán dưới giá thành sản xuất, người nuôi còn mất trắng từ một vài kg đến cả chục kg dê hơi”, ông Tuấn cho hay.

Tìm cách giảm chi phí

Hiện nay, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, song người nuôi dê vẫn như “ngồi trên lửa” vì thương lái chỉ thu mua nhỏ giọt. Hộ nuôi ít cũng cả chục con, hộ nhiều khoảng 70-80 con nên việc không tiêu thụ được dê khiến các hộ chăn nuôi vô cùng lo lắng.

Ông Bùi Văn Hảo, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba cho biết, nuôi dê khá dễ, nguồn thức ăn cũng dồi dào nhưng với giá thành như hiện tại, lợi nhuận từ nuôi dê của gia đình ông giảm hơn 50%. Những người nuôi lần đầu, phải mua dê nái thì đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, bởi chi phí dê giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá dê giảm còn phân nửa so với năm ngoái. Để giảm bớt chi phí nuôi, gần 1 tháng qua, gia đình ông Hảo đã ngừng cho dê ăn cám, thay bằng các loại thức ăn có sẵn như lá cây, bắp, mít non.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Mùi, thôn Phước Chí, xã Cù Bị đang nuôi 10 con dê thịt và 5 con dê nái. Giá dê xuống quá thấp nên gia đình bà cũng chưa muốn bán. Để giảm bớt chi phí chăn nuôi, bà tận dụng các nguồn thức ăn cỏ, cây lá trong vườn trong khi chờ đợi giá dê tăng.

Nuôi dê từng là mô hình đem lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi vì dê dễ nuôi, người nuôi lấy công làm lời khi nguồn thức ăn chính của vật nuôi này là các loại lá, cỏ có sẵn tại địa phương. Khi thị trường tiêu thụ tốt, 1kg dê hơi có thể bán được với giá 130-140 ngàn đồng thì người nuôi dê có lãi từ 700 – 900 ngàn đồng/con.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi dê. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt mà cần chú ý tới việc nâng cao kỹ thuật và chất lượng trong quá trình nuôi; điều chỉnh thời vụ và số lượng nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, người chăn nuôi nên tận dụng các loại thức ăn lá cây có sẵn trong vườn như mít, bắp… để thay thế cho các loại thức ăn công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh là 90 ngàn con, tăng khoảng 2,8% so với năm 2020. Ðây là mô hình phù hợp với nông dân do dễ nuôi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không cần nhiều vốn, đất canh tác và tận dụng được nhiều nguồn thức ăn. Do vậy, những năm gần đây, mô hình được nhiều người dân lựa chọn để phát triển kinh tế, khiến đàn dê tăng nhanh.

Bài ảnh: PHONG HIẾU – ĐÌNH HÙNG (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)


Bắc Kạn: Chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò, lợn nói riêng của tỉnh Bắc Kạn đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Tại Bắc Kạn, chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn.

Hiện nay, Bắc Kạn có khoảng 10 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn (chủ yếu là chăn nuôi lợn), có 02 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lợn, có trên 30 hợp tác xã chăn nuôi. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư kinh phí xây dựng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi, đầu tư thiết bị ăn, uống tự động, bán tự động, chăn nuôi theo quy chuẩn quy định (hiện có 01 trang trại chăn nuôi theo tiểu chuẩn VietGAP).

Chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ chiếm 81% tổng đàn; đang từng bước dịch chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, Về cơ cấu giống lợn được nuôi tại Bắc Kạn chủ yếu là các giống lợn lai, lợn ngoại chiếm khoảng 80% so với tổng đàn, hằng năm phải nhập từ 30-40% giống lợn thịt từ tỉnh ngoài vào phục vụ nhu cầu của các hộ chăn nuôi; giống lợn địa phương chiếm khoảng gần 20% so với tổng đàn.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn có quy trình chăn nuôi khép kín gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, có kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, môi trường và bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

Những năm gần đây, chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi gia trại, trang trại, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, các hộ chăn nuôi thực hiện theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà an toàn sinh học, thông qua đó giúp chăn nuôi an toàn sinh học giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch, an toàn. Mô hình đang được duy trì và đã nhân rộng ra được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, phải kể đến loại hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC đang được nhân rộng như trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá, nuôi bò hoặc dê, lợn, gia cầm có xử lý chất thải theo hình thức ủ vi sinh, lấy phân trồng cây, nuôi cá theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Trong những năm gần đây, phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng tới phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường, chăn nuôi bền vững./

T. Phương (backan.gov.vn)


Bình Dương: Ngành nông nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất

Trong năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động trong công tác quản lý điều hành, sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Ổn định sản xuất

Với tỷ trọng trong GDP của ngành nông nghiệp chỉ 3%, nhưng Bình Dương rất quan tâm, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,4 – 2,6% so với năm 2020. Lĩnh vực trồng trọt đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp nhờ các địa phương chú trọng mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng các mô hình có hiệu quả. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 20.620 ha; diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt 142.438 ha. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên 5.700 ha với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu, như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.

Mô hình chăn nuôi gà của hộ gia đình Lưu Thị Ân (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) làm ăn đạt hiệu quả cao.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng phát triển tốt, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, ổn định thị trường và tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong năm 2021, ngành cung cấp cho thị trường khoảng 18.280 con trâu, bò thịt, tương đương 1.465,5 tấn (đạt 80,3% so với năm 2020); 2.291.882 con heo thịt, tương đương 144.388,6 tấn (tăng 91,8% so với năm 2020); 26.019.669 con gia cầm lông, tương đương 41.631,5 tấn (đạt 40,53% so với năm 2020); 2.790 con dê, tương đương 55,6 tấn (tăng 47% so với năm 2020)…

Đạt được kết quả đó là nhờ chăn nuôi phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng. Đặc biệt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 146 trang trại gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,4 triệu con, chiếm 65% tổng đàn. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 229 trang trại với tổng đàn gần 605.000 con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 30 trang trại với tổng đàn 394.000 con; chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 1.050 con. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tiêm phòng bao vây tại các địa phương xảy ra dịch tả heo châu Phi đạt 80,1% diện tiêm; cúm gia cầm đạt 28,2% diện tiêm. Đồng thời, ngành thực hiện kiểm tra, phúc kiểm và vệ sinh tiêu độc 22.486 lượt phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh với 122.966 con heo; 6,7 triệu con gia cầm; 6.440 tấn sản phẩm động vật và 4.602 tấn sản phẩm chế biến. Ngành chăn nuôi tiếp tục khuyến cáo các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện tái đàn để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Phục hồi sản xuất

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết đạt được kết quả nêu trên bên cạnh sự thuận lợi về thời tiết, nguồn nước, nguyên nhân chính là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xây dựng kịch bản phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế. Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ công tác của Bộ NN&PTNT trong sản xuất, lưu thông vận chuyển, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, Sở NN&PTNT chủ động kết nối các kênh tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công thương và Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel tổ chức 4 lớp tập huấn về trang bị kiến thức kỹ năng để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất nông nghiệp ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Trong đó, ngành tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”; chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh xã Bạch Đằng. Cùng với đó, ngành NN&PTNT thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp; theo dõi tình hình thời tiết, cập nhật thông tin về tình hình khí tượng thủy văn… tham mưu báo cáo lãnh đạo và thông báo kịp thời đến các địa phương có kế hoạch ứng phó.

Năm 2022, ngành NN&PTNT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

THOẠI PHƯƠNG (Báo Bình Dương Online)


Nông sản Việt Nam vẫn phải chinh phục thị trường nội địa

Song song với các mục tiêu xuất khẩu, nông sản Việt Nam không nên và không thể bỏ quên thị trường trong nước với gần 100 triệu dân. Khi người Việt có thói quen dùng hàng Việt, uy tín hàng hóa trong nước được nâng cao, việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế sẽ dần giảm bớt.

Từ quả trứng gà

Cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt và thành lập doanh nghiệp được 20 năm, bà Phạm Thị Huân (còn gọi là Ba Huân) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, vẫn tự nhận mình là nông dân điển hình. Bởi vậy, dù sản phẩm trứng Ba Huân đã xuất khẩu sang thị trường Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, doanh nghiệp của bà Ba Huân vẫn xác định nội địa là thị trường chủ lực. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, khi xảy ra đại dịch COVID-19, Công ty Ba Huân đã tạm ngưng xuất khẩu trứng vịt muối, tập trung cho thị trường nội địa.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, Công ty Ba Huân đã mở một chiến dịch sâu rộng với khẩu hiệu “Ba Huân đi đến mọi nhà” nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Một loạt biện pháp được công ty đưa ra áp dụng như thành lập đội bán hàng và trang bị xe gắn máy cho nhân viên bán hàng; hỗ trợ cơ sở vật chất và giấy phép thú y cho các hộ bán lẻ; có chế độ chiết khấu hoa hồng linh hoạt cho đại lý…

“Tôi làm ngành nông nghiệp đã trên 50 năm. Ai ở trong ngành này mới thấy làm nông nghiệp rất vất vả, nhưng nó nối dòng chảy giữa người sản xuất, chăn nuôi với người tiêu dùng, đưa hai bên đến gần với nhau. Chúng tôi làm chương trình “Ba Huân đi đến mọi nhà” từ kênh thương mại đến truyền thống, đến các khu dân cư, khu lao động, lại tổ chức xe lưu động bán hàng trong dịp lễ, Tết… “Ba Huân đi đến mọi nhà” chính là vì tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng”, bà Ba Huân nói.

Nhiều năm nay, năm nào Công ty Ba Huân cũng tham gia chương trình bình ổn giá và như lời bà Ba Huân chia sẻ, hàng “bán rất tốt”. Trong hai năm dịch COVID-19 hoành hành, công ty vẫn luôn nằm trong top các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá.

Đặc biệt là thời điểm giữa tháng 7 khi làn sóng COVID-19 khiến TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí thức ăn, vận chuyển tăng đột biến khiến nhiều công ty tăng giá bán trứng.

Khác với các doanh nghiệp trong ngành, bà Ba Huân hai lần từ chối đề nghị tăng giá trứng bởi “chính vì dịch mà người lao động mới cần xài nhiều trứng hơn”, nếu các doanh nghiệp đóng vai trò giải cứu thị trường mà lại tăng giá thì sẽ khiến giá trứng bị đẩy lên cao.

“Nhiều doanh nghiệp ủng hộ tiền mua khẩu trang, đồ bảo hộ, còn Ba Huân kiên trì không tăng giá trứng để người tiêu dùng trong khu cách ly, khu lao động được hưởng một mức giá tốt nhất.

Bình ổn giá đương nhiên là có ảnh hưởng phần nào tới lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng công ty đã cân đối cung – cầu, hơn nữa giờ là lúc cần chung sức để vượt qua dịch bệnh, sau khi thị trường trở lại bình thường thì Ba Huân mới tính tới vấn đề lợi nhuận”, bà nói.

Cá tra “bơi” về mâm cơm người Việt

Không phải doanh nghiệp nào cũng xác định chiến lược rõ ràng với thị trường trong nước, thế nhưng, những sự thay đổi tích cực đã được ghi nhận.

Cho đến nay, con cá tra đã “bơi” qua gần 140 quốc gia, mang về cho Việt Nam giá trị xuất khẩu hàng tỷ đôla. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra, song tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp chủ yếu chú trọng thị trường xuất khẩu mà “bỏ quên” thị trường nội địa.

PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) kể lại, trước đây, trong ngành thủy sản, cá da trơn nói chung và cá tra nói riêng được đem đi xuất khẩu ồ ạt. Xu hướng xuất khẩu mạnh đến nỗi các siêu thị trong nước không có hàng để bán.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, thực tế này đã thay đổi. Tại các siêu thị, nhà hàng, cá tra được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, đồng thời, doanh nghiệp cũng quảng bá cho người tiêu dùng Việt Nam về cách chế biến, sử dụng sản phẩm. Vào đầu năm 2020, tại khu du lịch Văn Thánh TP. Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp còn tổ chức buffet cá tra với 40 món khiến thực khách trầm trồ.

“Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy sau một thời gian chỉ mải mê xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã quay về chinh phục thị trường nội địa”, PGS.TS Dương Văn Chín nhận xét.

Nhìn một cách tổng thế, PGS.TS Dương Văn Chín nhận định, mỗi doanh nghiệp xác định một thị trường chủ lực riêng cho mình, có khi là thị trường nội địa, có khi là xuất khẩu, mục đích cuối cùng vẫn là lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp tính toán kỹ, biết được nhu cầu của thị trường, thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài thì có thể tối ưu và tối đa hoá lợi nhuận.

“Trong lĩnh vực kinh doanh lương thực cũng vậy. Trước đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng mua gạo nhiều rồi xuất đi nước ngoài. Mải mê với con đường này, họ quên đi rằng, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng phải sử dụng các sản phẩm nông nghiệp.

Cho nên, sau này, nhiều doanh nghiệp “đi bằng hai chân”, vừa xuất khẩu vừa bán ở thị trường trong nước. Cách đi ấy mới được chứng tỏ là bền vững hơn và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp”, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận xét.

Chăm chút cho “thượng đế” trong nước

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, nếu doanh nghiệp bỏ thị trường nội địa tức là đã tạo cơ hội cho hàng nước ngoài. Chẳng hạn, nếu không chăm chút phát triển thị trường nội địa cho trái cây Việt Nam, trái cây Thái Lan sẽ tràn vào, với những lợi thế về giá cả và mẫu mã sẽ chiếm ưu thế trên chính thị trường nội địa.

“Nếu nguy cơ mất ưu thế trên thị trường nội địa là hiện hữu, người nông dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam chính là những đối tượng bị thiệt hại. Bởi lẽ, khi sản phẩm nước ngoài vào chiếm lĩnh, sản xuất trong nước sẽ bị teo tóp lại. Đó là hậu quả của chuyện không chịu cải tiến để cạnh tranh thắng lợi trên sân nhà”, PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.

Vị chuyên gia lưu ý thêm, người nông dân và doanh nghiệp phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Thị trường trong nước cũng phải phân cấp ngay từ nơi sản xuất, chế biến, đóng gói bao bì nhãn mác đẹp. Cần lưu ý rằng, người tiêu dùng trong nước không phải là người tiêu dùng dễ tính, doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng trong nước cũng là thượng đế của mình để chăm chút cho sản phẩm”, ông nói.

Sau cùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khẳng định, để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không khó. Các bộ, ngành liên quan cần có chính sách khích lệ tổ chức sản xuất vừa năng suất vừa chất lượng, có khối lượng lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, đóng gói đẹp không thua kém hàng nước khác nhập khẩu vào Việt Nam.

Song song với đó, các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, tiếp thị cả kênh truyền thống lẫn kênh hiện đại, cả siêu thị lẫn chợ truyền thống các mặt hàng của Việt Nam.

“Thị trường Việt Nam là thị trường đáng để quan tâm, đầu tư và sinh lời. Gần 100 triệu dân Việt Nam ủng hộ nông sản Việt là ủng hộ cho nền nông nghiệp nước nhà, tạo công ăn việc làm cho nông dân. Khi sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ thì người nông dân sẽ có vốn để đầu tư tiếp và cuộc sống khấm khá hơn”, PGS.TS Dương Văn Chín nói.

Theo Thành Luân/Chinhphu.vn


Hậu Giang: Hiệu quả bước đầu mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Theo kế hoạch của Đề án Nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, đơn vị đã chọn được 2 mô hình có nền tảng cơ bản để tiến hành hỗ trợ vốn lẫn kỹ thuật, góp phần đưa mô hình nâng cấp và thực hiện bài bản hơn, với quy mô lớn hơn.

Làm phân bón hữu cơ, khí đốt từ chất thải chăn nuôi; tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón định hướng thương mại để gia tăng giá trị nông sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đây là mục tiêu và cách làm mà các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang hướng đến.

Mô hình chăn nuôi heo của ông Phong được khép kín, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.

Chất thải không còn là nỗi lo

Nhiều năm trước, ông Lê Văn Phong, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, luôn đau đầu vì mùi hôi lẫn cách xử lý chất thải từ mô hình nuôi heo của mình. Nguồn thu nhập chính của gia đình đều dựa vào đây nên ông đã suy nghĩ làm thế nào để phát triển bền vững với mô hình này. Thế là ông đi học tập, tham quan nhiều nơi và bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thích ứng, hiệu quả, giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Từ 1,7ha đất lúa của gia đình, ông chỉ sản xuất 2 vụ/năm, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng để tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa. Ông trồng thêm dừa để tạo độ che phủ cho mảnh vườn rau của gia đình. Bên cạnh khu vực nuôi heo, ông Phong đã cải tạo hệ thống ao lắng, kết hợp nuôi cá trê lai. Ông Phong chia sẻ: “Chất thải từ nuôi heo rất lớn và ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng nếu không biết cách xử lý. Vì gia đình tôi nuôi số lượng heo khá lớn nên sức tải của hệ thống 4 bồn biogas khó giải quyết hết. Vì vậy, để cải thiện môi trường từ chất thải, tôi đã xây dựng 5 ao lắng, thả khoảng 200 con cá trê lai vào nuôi. Cá nuôi sẽ tận dụng lại nguồn nước thải để sinh trưởng và phát triển, vừa tăng thu nhập mà làm giảm mùi hôi, chất ô nhiễm cũng không bị thải ra trực tiếp bên ngoài mà được lắng lại, chỉ xả thải ra khu vực diện tích sản xuất của trang trại, tận dụng lại để trồng lúa, tưới rau, tưới dừa…”.

Trong mô hình của ông, đáng kể nhất là quy mô trang trại heo với 80 con nái và 400 con thịt mỗi năm đều được thực hiện khép kín. Ông Phong đã đầu tư hẳn hệ thống quy trình ứng dụng quạt hút cảm biến tự động, kiểm soát được nhiệt độ và ẩm độ trong suốt quá trình nuôi. Heo nái được nhốt riêng, nghe nhạc để dễ ngủ, tĩnh lặng, giúp tỷ lệ thụ tinh lúc nào cũng đạt trên 95%. Ở đây, dù thời tiết có biến động theo mùa nắng nóng hay mưa nhiều thì trại heo vẫn được ổn định với quy trình này. Bên cạnh trại heo, kho chứa thức ăn được ông Phong gắn thiết bị chiếu lazer hồng ngoại để khử khuẩn gây bệnh, đảm bảo an toàn trước khi được đưa vào trại heo. Ngoài ra, 2 nhân công được ông thuê túc trực chăm sóc, thụ tinh heo… trong khu vực trại, không hề tiếp xúc với người ngoài đã góp phần đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Vì thế mà mô hình của ông luôn bền vững, phát triển từ nhiều năm nay, dù bên ngoài dịch bệnh heo tai xanh hay dịch tả heo châu Phi có hoành hành dữ dội.

Ông Phong bày tỏ: “Từ khi chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại theo hình thức tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng quy trình khép kín và đảm bảo kiểm soát dịch bệnh mà tôi thấy bền vững, hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi đã hướng đến mở rộng quy mô trang trại và mong muốn được áp dụng nhiều công nghệ khoa học tiên tiến để tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn và dồi dào, ổn định cho thị trường”.

Vì thế, thuận theo nhu cầu chính đáng, mô hình của ông Phong đã được địa phương lựa chọn để hỗ trợ, nâng nguồn vốn đầu tư lên 2,8ha và hoàn chỉnh mô hình khép kín. Theo phương án tham gia mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà Đề án tỉnh hỗ trợ, ông Phong đã đề nghị được hạ trạm biến áp để đảm bảo nguồn điện áp phục vụ nhu cầu chăn nuôi với quy mô đàn heo thịt nâng lên thêm 500 con/năm. Ngoài ra, để giải quyết lượng sinh khối phân thải khá lớn của gần 1.000 con heo, ông Phong đã định hướng sẽ đầu tư 1 máy ép phân thành viên, làm phân bón, đóng gói để phục vụ cho nhu cầu bổ sung dinh dưỡng hữu cơ cho các vườn cây ăn trái trong địa phương. Đặc biệt hơn, máy ép phân được sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời đảm bảo luôn vận hành xuyên suốt để xử lý lượng chất thải ra mỗi ngày, hạn chế tiêu tốn điện năng từ nguồn điện tổng. Ước tính, mô hình sẽ mang về thu nhập mỗi năm lên đến 2 tỉ đồng.

Biến phế phẩm, phụ phẩm thành tiền

Đó là cách mà bà Lữ Thị Nhật Hằng, ở ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, thực hiện bên trong trang trại của mình. Quy trình tuần hoàn của mô hình này là lấy rơm trồng nấm, sau đó nuôi trùn quế, ủ thành phân và bón lại cho rau, lấy chất thải, phụ phẩm rau cho cá ăn. Hiện tại, trại đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà nấm với tổng diện tích 300m2, được chia làm 9 phòng nhỏ, mỗi phòng có diện tích 33m2. Bên trong các phòng nhỏ, các kệ nấm được chất thẳng tắp và gọn gàng, được xử lý đảm bảo cách khuẩn với bên ngoài. Với năng suất 20kg/ngày/300m2, giá bán 50.000 đồng/kg, doanh thu mô hình nấm rơm đã mang về cho trại 360 triệu đồng/năm, lãi gần 150 triệu đồng sau khi trừ khấu hao, chi phí đầu tư, nhân công.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp bà Nhật Hằng tận dụng tối đa chất thải của các mô hình khác.

Sau nấm rơm, phụ phẩm của nấm là rơm sẽ được tái sử dụng để ủ làm thức ăn vi sinh cho trùn quế trong trại trùn 1.000m2. “Tôi đã phải sử dụng rơm cùng phối trộn với các nguyên liệu khác để ủ thức ăn cho trùn. Trung bình 100m2 nhà trùn tiêu thụ 3 tấn thức ăn/tháng. Vì vậy, nguồn phân bò trong khu vực không đủ đáp ứng, tôi phải nhập thêm từ tỉnh khác để bổ sung. Sản phẩm trùn quế được bán tươi hoặc ủ lạnh để người tiêu dùng mua làm thức ăn cho cá hay bón bổ sung cho vườn cây ăn trái, vì sử dụng được nguồn dinh dưỡng rất quý”, bà Nhật Hằng thông tin.

Cùng với nguồn rơm, mô hình trang trại còn được tổ chức nuôi gà với quy mô hơn 200m2, nhằm tận dụng nguồn phân gà làm thức ăn, tăng độ đạm, giúp tăng trưởng tốt cho trùn quế. Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt, trứng gà, vịt cũng đem về nguồn thức ăn và thu nhập khá cho mô hình, ước tính đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Cuối cùng, phụ phẩm thải ra từ phân trùn quế được trại tiếp tục tận dụng để trồng thêm mảng rau xanh, rau sạch, cỏ voi cho bò ăn. Sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà ủ hoại mục, mô rơm thải ra từ trồng nấm đã qua xử lý nên rau được sản xuất ra rất an toàn cho người sử dụng.

Bà Nhật Hằng thông tin: Năm qua, trang trại đã được đầu tư với tổng vốn là 2,5 tỉ đồng. Mô hình sản xuất tại trại theo chu trình khép kín thông qua các ứng dụng công nghệ – kỹ thuật, xử lý các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông sản; tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lãng phí, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường. Nhằm gia tăng thêm thu nhập cũng như đảm bảo đủ lượng phân bò để nuôi trùn quế, trại đã lên kế hoạch nuôi bò thịt 3B trong giai đoạn tiếp theo. Bò sẽ ăn thức ăn từ cỏ được trồng bằng phân rơm, sản phẩm của bò sẽ ủ lại nuôi trùn, rồi trùn làm thức ăn cho cá. Cứ như thế, mô hình sẽ liên tiếp thực hiện những vòng tuần hoàn, đem lại thu nhập ổn định cho trang trại mà không cần nhập thêm nguồn nguyên liệu phụ phẩm nào từ bên ngoài.

Và định hướng tới mục tiêu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm nên bà Hằng cần số vốn để đầu tư thêm cho mô hình nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn của trại là hơn 1,75 tỉ đồng như việc hoàn thiện chuồng trại, xây dựng chuồng bò, nhà nuôi trùn quế, khu xử lý nước thải; bổ sung con giống, thức ăn cho gia cầm trong khoảng thời gian dài và đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, máy cắt cỏ, băm nhuyễn thức ăn, ép cám viên để đảm bảo nguồn thức ăn tươi sạch từ thiên nhiên cho bò. Và nếu mô hình được đầu tư bài bản, dự kiến doanh số trong vòng 10 năm tại trại sẽ hơn 28,1 tỉ đồng, tổng lợi nhuận gần 13,4 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Chiến, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, đơn vị đã đến làm việc với 2 chủ trại để xem xét các điều kiện cần và đủ thiết lập hồ sơ, hỗ trợ xây dựng dự án mở rộng quy mô trang trại, hoàn chỉnh mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hiện các phương án, hồ sơ đang được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp hoàn chỉnh dự thảo đề xuất với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để hoàn chỉnh và trình lên tỉnh. Nếu các mô hình được chọn sẽ góp phần bổ sung nguồn cung ứng nông sản hữu cơ cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Đây là công trình nông nghiệp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong quá trình sản xuất phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam và xu thế phát triển bền vững. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước về nguồn lương thực sạch, có nguồn gốc tự nhiên, giá trị kinh tế các sản phẩm của cơ sở sẽ ngày càng tăng trong tương lai.

Bài, ảnh: TRÚC LINH (Hậu Giang Online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts