Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (Tháng 02/2023)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y tháng 02/2023.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/02/2023 – 28/02/2023.

Giá trứng gia cầm sẽ thiết lập mặt bằng mới?

Giá trứng gia cầm sẽ thiết lập mặt bằng mới, giá trứng gà 2.800 – 3.000 đồng/quả, giá trứng vịt 3.000 – 3.300 đồng/quả. Mức giá này sẽ duy trì ít nhất trong 3 tháng tới.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) kể từ đầu tháng 7, giá trứng gia cầm thu mua tại trại đã tăng liên tục và thiết lập mặt bằng giá mới cao kỷ lục so với 10 năm trở lại đây.

Tại trang trại, giá trứng gà ở mức 2.800 – 3.000 đồng/quả, giá trứng vịt 3.000 – 3.300 đồng/quả, tăng gấp đôi so với những tháng trước đó. Giá bán lẻ ở mức 5.000 – 5.500đ/quả, trứng vịt cũng tăng lên 4.000 – 4.500/quả.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết nguyên nhân khiến giá trứng tăng đột biến do trong vòng 2 năm trước giá trứng gia cầm chỉ 1.300 – 1.700 đồng/quả. Với mức giá này, người nuôi bị lỗ nhiều nên giảm đàn gà đẻ.

Bên cạnh đó, khi các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, người dân đổ xô tích trữ trứng, cầu vượt cung khiến giá tăng cao kể từ đầu tháng 7.

“Hiện nay giá trứng gia cầm đang bán ở mức 2.700 đồng/quả, mức giá khá tốt với người chăn nuôi và doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá trứng gia cầm dao động 2.400 – 2.500 đồng/quả là hợp lý, đảm bảo người chăn nuôi không bị lỗ”.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc CTCP Ba Huân cho biết ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát, trứng gia cầm tăng giá cục bộ thì doanh nghiệp vẫn bình ổn giá cho người dân.

“Sở Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp tăng 200 đồng/quả khi cung ứng ra thị trường nhưng chúng tôi từ chối nhằm chia sẻ phần nào với người dân, chỉ có người lao động nghèo mới tiêu dùng trứng nhiều”.

Mỗi ngày công ty Ba Huân cung cấp ra thị trường 1,2 – 1,4 triệu quả trứng. Đến nay giá trứng đã về mức bình thường, siêu thị tại TP HCM đầy ắp trứng và sản phẩm về chế biến từ trứng.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết: “Dự báo từ nay đến cuối năm giá trứng thu mua tại trại vẫn duy trì ở mức cao. Giá trứng gia cầm tại trang trại sẽ thiết lập mặt bằng mới, giá trứng gà 2.800 – 3.000 đồng/quả, giá trứng vịt 3.000 – 3.300 đồng/quả. Mức giá này sẽ duy trì ít nhất trong 3 tháng nữa.

Hiện nay nguồn cung vẫn thiếu hụt so với cầu. Dù giá trứng tăng gấp đôi so với trước đây nhưng việc tăng đàn gà đẻ cũng chưa kịp cho ra sản phẩm trứng thương phẩm trong quý IV để bổ sung nguồn cung”, ông Sơn nói.


Kiên Giang: Giá heo hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó

Nhiều tháng qua, giá heo hơi liên tục giảm, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng. Giá thành sản xuất đội lên cao, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lâm vào cảnh thua lỗ.

Theo nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giá heo hơi giảm mạnh từ trước Tết Nguyên đán năm 2023 đến nay chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trước tết gần 1 tháng, giá heo hơn dao động từ 51.000-52.000 đồng/kg. Những ngày cận tết, giá heo không tăng mà còn tiếp tục giảm thêm, chỉ còn 48.000 đồng/kg.

Sau tết, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn neo lại chờ giá tăng, nhưng vẫn chưa bán được do giá heo giữ mức 50.000-51.000 đồng/kg. So thời điểm giá heo tăng cao nhất hồi tháng 7-2022 với 65.000-70.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

Ông Danh Oanh Na – chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất nói: “Thời gian qua, giá nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản có chiều hướng tăng cao. Các doanh nghiệp, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giá bán nên đại lý phân phối như chúng tôi phải điều chỉnh giá để phù hợp”.

Theo ông Na, hiện giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo đang ở mức rất cao, từ 480.000-750.000 đồng/bao. Giá các loại tấm và cám gạo tăng đáng kể so các năm trước, dao động từ 400.000-420.000 đồng/bao. Bên cạnh đó, nhiều chi phí đầu vào khác phục vụ chăn nuôi cũng tăng như thuốc thú y, điện, nước…

Chị Thị Chăn Minh, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phối trộn cám gạo tấm với cặn thức ăn thừa cho heo ăn nhằm giảm chi phí.

Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng đã gây khó khăn cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, trong khi đó giá bán đầu ra sản phẩm lại có chiều hướng giảm, lợi nhuận của nông dân giảm nhiều so trước đây.

Bà Thị Lôi, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành cho biết: “Tôi còn 8 con heo thịt đã quá lứa, trọng lượng hơn 100kg/con. Tôi vừa kêu thương lái vào xem, họ chỉ trả 48.000 đồng/kg do heo lớn để lâu sẽ khó bán. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi cao quá, tôi bấm bụng bán để cắt lỗ. Ước tính bán mỗi con heo tôi lỗ hơn 1,5 triệu đồng”.

Chị Thị Chăn Minh, ngụ ấp An Phước nói: “Ðể nuôi một con heo đạt 100kg, tôi phải bỏ ra số tiền từ 5 triệu đồng, trong đó chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, chưa tính tiền heo giống khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/con, chi phí tiêm vaccine và tiền điện, nước khoảng 500.000-600.000 đồng. Ðó là chưa kể tiền công chăm sóc và các chi phí thuốc thú y phát sinh khi heo bị bệnh. Giá heo hơi phải ở mức từ 6,5-7 triệu đồng/100kg trở lên mới đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi heo”.

Chị Minh cho biết gia đình chị vừa bán 10 con heo thịt, với giá 5 triệu đồng/100kg, sau khi trừ chi phí, chị chỉ huề vốn dù sử dụng con giống nhà, tận dụng thêm các loại cám, gạo tấm về phối trộn cho heo ăn để cắt giảm lượng thức ăn công nghiệp, giảm chi phí chăn nuôi. Hiện chị còn 3 con heo nái, 20 con heo con vừa tách bầy, bán chưa ai mua.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, sau đợt dịch tả heo châu Phi hồi đầu năm 2022 và tình hình biến động giá cả thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong nước đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số hộ chăn nuôi chưa dám mở rộng quy mô sản xuất, tái đàn trở lại, dẫn đến tổng đàn heo của tỉnh sụt giảm. Ước tính tổng đàn heo của tỉnh khoảng 251.311 con, chỉ đạt 82,4% kế hoạch năm 2022.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đặt ra mục tiêu nâng tổng đàn heo của tỉnh lên 305.000 con. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại, ngành chăn nuôi của tỉnh khó đạt chỉ tiêu.

Bài và ảnh: THÙY TRANG (Báo Kiên Giang)


Long An: Tái đàn chăn nuôi cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát khá cao và diễn biến phức tạp. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Lũy (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) xuất bán hơn 15 con heo. Sau khi xuất bán, anh vệ sinh chuồng trại,sử dụng hóa chất và vôi bột để khử khuẩn. Anh Lũy cho biết, việc tái đàn thường được tập trung từ tháng 01 đến tháng 3. Đây là thời điểm giao mùa, vì vậy, ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn heo thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Năm nay, giá heo thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình anh chỉ nuôi khoảng 10 con.

Người chăn nuôi cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh khi tái đàn.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ, năm qua, đàn gà của gia đình không mắc bệnh, giá cả tương đối ổn định. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, bà xuất bán trên 2.000 con gà thịt với giá từ 65.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 60 triệu đồng. Để tái đàn, bà Nhỏ đã vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực nuôi, chuẩn bị nhập khoảng 3.000 con gà về nuôi. Theo bà Nhỏ, con giống đóng vai trò quan trọng nên bà lựa chọn cẩn thận, hầu hết được nhập từ những trang trại giống uy tín và kiểm tra chất lượng, tiêm phòng vắc-xin, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: “Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp như cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại,…

Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh”./.

Minh Tuệ (Báo Long An)


Hậu Giang: Hỗ trợ người dân làm kinh tế tuần hoàn

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi đúng nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, quan trọng là giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, đặc biệt là tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác,… Do vậy, trong năm 2023, trung tâm sẽ hỗ trợ 2 hộ trong Đề án phát triển nông nghiệp bền vững và khoảng 10 hộ làm kinh tế tuần hoàn.

Trước đó, trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật cho 16 hộ nông dân trong tỉnh thực hiện mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn chuỗi tuần hoàn khác nhau nhưng phải khép kín. Chăn nuôi có các đối tượng bò, heo, dê, lấy phân nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ và biogas, thu hoạch trùn quế làm thức ăn cho lươn, cá, gà, vịt. Phân trùn quế làm phân bón hữu cơ cho cỏ và rau, màu, trồng các loại cây ăn trái như mãng cầu xiêm, mít, cam, quýt…

Tin, ảnh: MỘNG TOÀN (Hậu Giang Online)


 

Comments are closed.