|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/08 – 31/08/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/08-31/08/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/08/2022 – 31/08/2022.

Lào Cai: Kiểm soát, quản lý chặt thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi

Cuối năm 2021, đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lập biên bản vi phạm tại cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi Nguyễn Thị H. (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) về lỗi buôn bán thuốc thú y chung với khu vực sinh hoạt của gia đình, chưa có ẩm kế, nhiệt kế, không có thiết bị bảo quản thuốc, buôn bán thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, phân bón hóa học.

Một trường hợp khác là hộ ông Trần Văn M. (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) đã bị xử phạt hành chính với lỗi vi phạm chất lượng trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đó là 2 trong số 4 cơ sở, hộ kinh doanh vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kiểm tra 71 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hành chính 4 cá nhân vi phạm về kinh doanh và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, tổng số tiền xử phạt hơn 22 triệu đồng.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tuy trên địa bàn chưa phát hiện việc bán hàng giả, hàng nhái, nhưng với những lỗi như trên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, nếu không bảo quản thuốc thú y đúng quy định ở nhiệt độ dưới 30°C thì thuốc có thể giảm hoặc không có tác dụng chữa bệnh cho vật nuôi. Thức ăn chăn nuôi không có giá kê hoặc khu bảo quản thoáng mát cũng có thể gây ẩm mốc, vón cục, giảm chất lượng, dinh dưỡng và làm phát sinh dịch bệnh khi vật nuôi ăn phải.

Chăn nuôi gia cầm nhiều năm, bà Nguyễn Thị Duy (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) cho biết: Bằng mắt thường tôi không thể đánh giá được chất lượng thuốc thú y. Niềm tin của tôi đặt hết vào người bán hàng. Tôi thường đặt mua thức ăn và các loại thuốc phòng, trị bệnh cho gà tại các cửa hàng có uy tín trên địa bàn huyện.

Còn ông Trần Xuân Hoan (xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng), khi đàn lợn của gia đình có dấu hiệu bị bệnh, vì chăn nuôi số lượng ít nên ông không nhờ cán bộ thú y mà tự ra cửa hàng thuốc thú y mua thuốc về chữa.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Việc nâng cao chất lượng phục vụ của các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi rất quan trọng, bởi Bảo Thắng là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của tỉnh. Hằng năm, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này; yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết không kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, nằm ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quy trình bảo quản sản phẩm.

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 36 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, tăng 3 lần so với năm 2015. Thời gian qua, công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh ngành hàng này được các ngành và lực lượng chức năng của huyện chú trọng, tiến hành thường xuyên.

Chi phí thức ăn và thuốc thú y chiếm khoảng 60 – 70% giá thành sản phẩm và là yếu tố quyết định đến thành – bại của ngành chăn nuôi. Việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y rất quan trọng. Hoạt động này cũng nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có 210 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản lớn, với hơn 170 mặt hàng. Tổng sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trên địa bàn là hơn 38.000 tấn/năm. Ngoài ra, tại địa bàn các xã, thị trấn có khoảng 100 hộ buôn bán thức ăn chăn nuôi với số lượng nhỏ lẻ. Về mặt hàng thuốc thú y, hiện có 124 người được cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán, trong đó 106 người được cấp chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, với gần 280 danh mục thuốc thú y trong nước và thuốc nhập khẩu.

Thị trường thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá thành nên người chăn nuôi có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó kiểm chứng chất lượng các mặt hàng này so với quảng cáo trên bao bì. Người chăn nuôi mua phải thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng sẽ khiến vật nuôi chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Thuốc thú y kém chất lượng sẽ không có khả năng phòng, trị bệnh, có thể gây còi cọc, chết vật nuôi…

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn liên quan cho các chủ cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tự giác chấp hành của các chủ cơ sở kinh doanh.

(Báo Lào Cai điện tử)


Giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại một số xã huyện Ba Tri và TP. Bến Tre

Ngày 24-8-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh ký ban hành Công văn 5332/UBND-KT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ba Tri và UBND TP. Bến Tre về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò tại xã Vĩnh An, Bảo Thuận, An Bình Tây (Ba Tri); xã Bình Phú (TP. Bến Tre).

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất chủ trương tạm thời không công bố dịch bệnh VDNC trên địa bàn xã Vĩnh An, Bảo Thuận, An Bình Tây (Ba Tri) và xã Bình Phú (TP. Bến Tre) và áp dụng một số giải pháp phòng, chống dịch như đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2935/TTr-SNN.

Cụ thể, không tiêu hủy gia súc mắc bệnh; giám sát chặt chẽ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị các triệu chứng cho gia súc bệnh. Chỉ thực hiện tiêu hủy trong trường hợp trâu, bò chết; trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC nhưng đã điều trị ít nhất 7 ngày mà không có dấu hiệu hồi phục theo đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương và thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tổ chức tiêm phòng vắc-xin chống dịch cho đàn trâu, bò tại các xã có dịch theo đề xuất. Cấp 6.775 liều vắc-xin Lumpyvac để tổ chức tiêm phòng chống dịch cho toàn bộ trâu, bò trong diện tiêm phòng (trâu, bò chưa được tiêm phòng và trâu, bò đã được tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch) tại các xã có dịch từ nguồn dự trữ chống dịch của tỉnh.

Phân bổ huyện Ba Tri 6.550 liều để tiêm phòng cho đàn trâu, bò của xã Vĩnh An, Bảo Thuận, An Bình Tây. Đối với TP. Bến Tre: 225 liều để tiêm phòng cho đàn bò của xã Bình Phú. Đối với vùng uy hiếp: Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vắc-xin chống dịch cho toàn bộ trâu, bò trong diện tiêm phòng tại các xã bị dịch uy hiếp (An Đức, An Hiệp, An Ngãi Trung, Mỹ Thạnh, Mỹ Nhơn, thị trấn Ba Tri, Phú Lễ, Bảo Thạnh, Phước Ngãi, Tân Thủy, Vĩnh Hoà (Ba Tri) và xã Sơn Đông (TP. Bến Tre) từ nguồn xã hội hóa.

Thời gian thực hiện tiêm phòng chậm nhất đến hết tháng 9-2022.

Đối với các xã, thị trấn còn lại, yêu cầu UBND huyện Ba Tri và UBND TP. Bến Tre tập trung chỉ đạo vận động tổ chức cho người chăn nuôi khẩn trương tiêm phòng cho đàn trâu, bò đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn.

Tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi trong xã có dịch, xã bị dịch uy hiếp sử dụng hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tiêu độc khử trùng toàn bộ ổ dịch cũ, khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh có nguy cơ cao, mỗi tuần một lần từ nguồn xã hội hóa.

Phương Khê (Báo Đồng Khởi)


Vĩnh Long: Nuôi gà tre theo hướng an toàn sinh học

Trạm Khuyến nông Tam Bình vừa kết hợp với Phòng Khuyến nông Chăn nuôi Thú y và Nuôi trồng Thủy sản (Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp- Sở Nông nghiệp- PTNT) tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi gà tre cho 15 hộ dân theo mô hình “Chăn nuôi gà tre dòng T1 theo hướng an toàn sinh học”.

Nông dân được tập huấn: lợi ích của việc nuôi gà có sử dụng đệm lót sinh học, giới thiệu một số giống gà tre phổ biến ở miền Nam, cách chọn giống tốt, kỹ thuật làm chuồng, cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị một số bệnh phổ biến trên gà, lịch tiêm vắc xin theo từng giai đoạn sinh trưởng,…

Khi tham gia mô hình người nuôi sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua gà tre dòng T1 (300 con/điểm), 50% chi phí mua thức ăn (735kg), 100% chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hội thảo đánh giá nhân rộng mô hình. Người dân đối ứng vào 50% tiền mua con giống, 50% thức ăn, trang thiết bị, chuồng trại, thuốc thú y, công chăm sóc,…

THẢO LY (Báo Vĩnh Long)


 

[columns] [span4] Like FACEBOOK APA

 

[/span4] [span4] Share THÔNG TIN THỦY SẢN

 

[/span4] [span4] Subscribe BẢNG GIÁ THỦY SẢN

 

[/span4] [/columns]

Similar Posts