|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/01 – 31/01/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/01-31/01/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/01/2022 – 31/01/2022.

Đồng Nai: Lượng heo cung cấp cho thị trường TP.HCM tăng nhanh

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ngày 30-1, lượng heo của Đồng Nai về chợ đầu mối Tân Xuân (TP.HCM) đạt gần 8.797 con, tăng 467 con so với ngày trước đó.

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng heo của Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP.HCM tăng nhanh, có ngày tăng cả 2 ngàn con so với ngày trước và tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu tháng. Theo đó, giá heo mảnh hiện bán tại chợ cũng trên đà tăng giá. Hiện giá heo mảnh bán tại chợ vào đầu giờ có mức từ 89-90 ngàn đồng/kg, mức bình quân từ 70-74 ngàn đồng/kg, tăng gần 10 ngàn đồng/kg so với ngày trước đó. Tuy nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường TP.HCM trong những ngày giáp Tết tăng nhanh nhưng vẫn giảm hàng ngàn con/ngày so cùng kỳ mọi năm.

Nguồn cung dồi dào là nguyên nhân khiến giá heo hơi có dấu hiện hạ nhiệt chứ không xảy ra tình trạng sốt giá như mọi năm.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai điện tử)


Hậu Giang: Chú ý bảo quản vắc-xin, liều lượng và kỹ thuật tiêm phòng cúm gia cầm

Để đánh giá tỷ lệ bảo hộ của vắc-xin sau tiêm phòng cúm gia cầm, trong năm 2021, Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh đã tổ chức lấy mẫu 23 đàn gia cầm của 23 hộ chăn nuôi thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 690 mẫu huyết thanh (đạt 76,67% kế hoạch). Kết quả trong 23 đàn gia cầm được lấy mẫu có 8 đàn đạt bảo hộ, chiếm tỷ lệ 34,78% và trong 690 mẫu được lấy có 408 mẫu đạt bảo hộ, chiếm tỷ lệ 59,13%.

Trong 690 mẫu huyết thanh gia cầm được lấy thì có 408 mẫu đạt bảo hộ, chiếm tỷ lệ 59,13%.

Từ tỷ lệ trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh đã yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng của thú y các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt chú ý khâu bảo quản, liều lượng, kỹ thuật tiêm phòng. Đồng thời, chỉ đạo thú y các xã, phường, thị trấn rà soát và tiêm phòng cho đàn gia cầm không đạt hiệu quả kháng thể bảo hộ, mới phát sinh và đã hết thời hạn miễn dịch. Đây là biện pháp quan trọng để duy trì thường xuyên mức kháng thể bảo hộ đối với bệnh cúm gia cầm trên các đàn gia cầm nuôi, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Tin, ảnh: KỲ ANH (Hậu Giang Online)


Bến Tre: Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò

UBND tỉnh vừa có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò giai đoạn 2022 – 2030.

Theo đó, năm 2021, tình hình bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, bệnh đã xảy ra tại 562 hộ, 148 ấp, 53 xã, 8 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng số bò bệnh 830 con, tổng số chết và tiêu hủy là 224 con. Hiện nay, còn nhiều xã thuộc 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam có dịch chưa qua 21 ngày. Nguy cơ bệnh VDNC tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, do đặc điểm của vi-rút VDNC rất nguy hiểm đối với trâu, bò và có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; việc buôn bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò nhiễm bệnh, thời tiết thay đổi gây bất lợi cho đàn trâu, bò, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện những nội dung sau: Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò. Khi có dịch bệnh VDNC: Trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò chỉ được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch VDNC sau khi trâu, bò đã được tiêm vắc-xin VDNC tối thiểu 21 ngày, còn thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin) và có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016.

Xử lý ổ dịch, khi có dịch VDNC xảy ra, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y và các thông tư hướng dẫn. Tổ chức tiêu hủy trâu, bò chết; trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC nhưng đã điều trị ít nhất 7 ngày mà không có dấu hiệu hồi phục theo đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục 3 ngày một lần trong vòng 3 tuần tại các hộ, cơ sở chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh VDNC; đồng thời, tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng 1 lần/tuần trong 3 tuần đối với toàn bộ khu vực nguy cơ cao thuộc địa bàn cấp xã có trâu, bò bị bệnh VDNC.

Thời điểm xác định hết dịch là 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy hoặc lành triệu chứng mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh VDNC; đồng thời, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo quy định. UBND tỉnh đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, các sản phẩm trâu, bò nhập lậu ra vào địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò, giai đoạn 2022 – 2030. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò; có kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức tiêm mới, tiêm nhắc lại cho đàn gia súc đã được tiêm vắc-xin sau thời gian quy định, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn ngay từ đầu năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thạch Thảo (Báo Đồng Khởi)


Hà Nội: Tập trung phát triển bò thịt, bò sữa

Từ điều kiện địa lý, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa giống bò mới vào sản xuất, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để chăn nuôi bò phát triển bền vững, các địa phương, đơn vị còn nhiều việc phải làm.

Bà Trương Thị Kiểm ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình bà đang nuôi 6 con bò sữa, bán được sữa với giá bình quân 11.000-14.000 đồng/lít. Chăn nuôi bò sữa vất vả nhưng ổn định, không biến động như chăn nuôi lợn, gà… Còn hộ ông Đặng Đình Hậu ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) đang nuôi tổng đàn khoảng 100 con bò thịt giống BBB. Đây là giống bò cho năng suất, chất lượng cao, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lãi 350 triệu đồng/năm. “Nếu như trước đây, bò thịt truyền thống cho lãi 5-6 triệu đồng/năm thì các giống bò lai cho lãi 8-10 triệu đồng/con”, ông Hậu chia sẻ.

Nói về chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tổng đàn bò của toàn thành phố có hơn 130.000 con, trong đó, đàn bò sữa gần 15.000 con, còn lại là bò thịt. Vài năm trở lại đây, khi mà chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì một số địa phương như: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa… nông dân chuyển sang chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò, sữa bò của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất thịt và sữa các giống bò tại Hà Nội còn hạn chế. Với bò thịt 36 tháng tuổi, khối lượng trung bình tại các nước phát triển đạt 700-800kg/con, tại Hà Nội đạt 450-600kg/con. Sản lượng sữa bò bình quân tại các nước phát triển đạt 6.000kg/chu kỳ/con; tại Hà Nội, bình quân đạt 4.900kg/chu kỳ/con. Vì vậy, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng tại Hà Nội là cần nâng cao năng suất để tiệm cận với các nước có ngành chăn nuôi phát triển. Hiện nay, chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu tiêu dùng; phần lớn sản phẩm thịt và sữa phải nhập từ nước ngoài.

Để chăn nuôi bò thịt, bò sữa tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Bá Anh – một trong những hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) đề nghị, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng chuồng nuôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kiến thức nuôi bò giống mới, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, thời gian tới, huyện cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò về giống, kỹ thuật. Bên cạh đó, các hộ chăn nuôi cần đầu tư trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y… để chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hiện nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, xử lý môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ trong chăn nuôi nói chung và bò thịt, bò sữa nói riêng; đồng thời thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra đối với bò sữa, bò thịt (lở mồm long móng, viêm da nổi cục…) nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

NGỌC QUỲNH (Báo Hànộimới)


Long An: Triển vọng từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung

Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Huỳnh Văn Dân (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) tìm tòi, nghiên cứu và thành công với mô hình nuôi hươu sao, mở ra triển vọng mới cho ngành Nông nghiệp địa phương.

Trước đây, hươu sao thường được nuôi nhiều ở miền Bắc, miền Trung và những năm gần đây phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các vật nuôi khác như trâu, bò, dê,… Nắm bắt xu hướng này cùng với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Huỳnh Văn Dân bắt đầu tìm hiểu và tham quan, học hỏi mô hình nuôi hươu sao.

Thức ăn cho hươu sao chủ yếu là cỏ, còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, bắp, chuối cây.

Năm 2018, anh nhập 11 con hươu sao giống tại tỉnh Hà Tĩnh với giá 25 triệu đồng/con để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, đàn hươu phát triển không như mong muốn. Không nản lòng, anh tiếp tục ra Đà Lạt tìm con giống mới. Tại đây, anh được một công ty giới thiệu về giống hươu sao và cam kết bao tiêu nhung, từ đó anh quyết định nhập thêm 10 con giống với giá 30 triệu đồng/con. Sau 2 năm chăm sóc, hiện đàn hươu sao của anh phát triển tốt và mang về giá trị kinh tế cao từ việc lấy nhung. Bình quân một con hươu sao sẽ cho khoảng 1kg nhung/năm với giá bán từ 18-22 triệu đồng/kg. Cách chăm sóc hươu sao cũng rất đơn giản, cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn chỉ là cỏ, còn trong giai đoạn lấy nhung thì bổ sung thêm cám, bắp, chuối cây. Bình quân, chi phí chăm sóc hươu sao khoảng 3 triệu đồng/con/năm.

Diện tích chuồng được thiết kế thoáng mát, bình quân 4m2/chuồng. Khâu khó nhất trong nuôi hươu sao chính là việc lấy nhung. Theo đó, để lấy được nhung có chất lượng, bán được giá, người nuôi phải canh thời gian cho phù hợp, không được lấy quá sớm cũng không quá trễ. Cụ thể, hươu sao thường cho nhung vào khoảng tháng 8, thời gian lấy nhung từ 45-50 ngày sau khi nhung mọc.

Anh Dân trải lòng: “Nhung hươu là loại dược liệu quý hiếm dùng để chế biến dược phẩm, nhất là trong sản xuất các loại thuốc Đông y và Tây y. Ngày nay, nhung hươu được sử dụng phổ biến trong gia đình như món ăn dùng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi,… Do đó, đầu ra của nhung hươu rất ổn định. Dự kiến, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng trang trại nuôi hươu sao lên 100 con”. Nhằm chủ động về con giống và giảm chi phí đầu vào, anh Dân không chỉ nuôi hươu sao lấy nhung mà còn chú ý đến việc nuôi hươu sao sinh sản. Được biết, hiện nay, anh phát triển được 4 con hươu sao sinh sản, hơn 7 tháng hươu sao đẻ 1 lần. Thời gian nuôi hươu giống từ 18-20 tháng là có thể lấy nhung.

Ngoài mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, anh Dân còn phát triển mô hình nuôi heo rừng kết hợp nuôi vịt trời. Tất cả mô hình của anh Dân được chăn nuôi khép kín. Anh Dân cho biết: “Với mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là không muốn đi theo lối mòn nên tôi quyết định nuôi hươu sao, heo rừng và vịt trời. Các sản phẩm đều chăn nuôi theo hướng sạch, được khách hàng ưa chuộng. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng trang trại và đem nông sản xuất khẩu chứ không dừng lại ở việc tiêu thụ nội địa. Nông dân muốn học hỏi mô hình nuôi hươu sao, heo rừng và vịt trời, tôi sẵn sàng tạo điều kiện tham quan mô hình và hướng dẫn kỹ thuật”.

Được biết, anh Dân tốt nghiệp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, đang làm việc cho một ngân hàng tại TP.HCM. Thế nhưng với niềm đam mê làm nông nghiệp, anh không ngại đầu tư công sức, thời gian để thực hiện các mô hình chăn nuôi sạch. Qua thời gian thực hiện, anh Dân không chỉ theo đuổi được niềm đam mê của mình mà còn mở ra triển vọng mới cho ngành Nông nghiệp địa phương.

Kim Ngọc (Báo Long An online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts