|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (01/02 – 10/02/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/02-10/02/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/02/2022 – 10/02/2022.

Nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao

Kết quả khảo sát của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với chuyên gia và DN ngành thức ăn chăn nuôi về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 cho thấy có xu hướng tăng lên trong nhu cầu đối với thủy sản, heo và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Thủy sản nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đang có sự phục hồi khá tốt sau khi giảm vào các tháng 8, 9/2021 do giãn cách xã hội.

Theo Tổng cục Hải quan, nhu cầu thủy sản tiếp tục tăng cao tại các thị trường lớn về thủy sản của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam và tạo cơ hội cho các DN chăn nuôi thủy sản cũng như sản xuất thức ăn.

Tiếp theo đó, phân khúc gia cầm tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, thủy sản phục hồi và tăng tốc. Thị trường thức ăn hỗn hợp Việt Nam được phân chia theo thành phần (ngũ cốc, hạt có dầu và các chất dẫn xuất, bột cá và dầu cá, chất bổ sung và các thành phần khác) và loại động vật (động vật nhai lại, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các loại động vật khác). Thức ăn gia cầm là thức ăn được tiêu thụ cao nhất trên cả nước do ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thịt gà, chim cút, thịt vịt và trứng.

Trong năm trước, thức ăn cho heo chiếm 8,9 triệu tấn, tương đương đạt tỷ lệ 43,8%; thức ăn cho gia cầm đã đạt mức 10,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 53,7%; thức ăn cho các loại vật nuôi khác chiếm 0,6 triệu tấn, đạt tỷ lệ 3% trong cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi.

Theo đánh giá của FAO, thịt gia cầm là yếu tố chính cho sự tăng trưởng của sản xuất thịt toàn cầu, do nhu cầu cao, chi phí sản xuất thấp và giá sản phẩm thấp hơn cả ở các nước phát triển và đang phát triển.

Theo dự báo của OECD, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

NGỌC QUỲNH (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)


Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Năm 2021, tuy chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn phát triển, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân Thủ đô.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố, đàn trâu, bò có hơn 171.000 con; trong đó, bò sữa 15.000 con, trâu bò sinh sản hơn 88.000 con, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 1.000 tấn, sản lượng sữa tươi 3.000 tấn. Đàn lợn khoảng 1,5 triệu con; trong đó, lợn sinh sản 176.000 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 19.000 tấn; đàn gia cầm hơn 33 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 13.000 tấn; đàn chó, mèo 462.000 con…

Dự báo thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Nguyên nhân do diễn biến dịch Covid -19 còn phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, đặc biệt trong hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, nơi có nguy cơ cao về lây nhiễm Covid-19; thời tiết biến đổi bất thường, nhất là dịp cuối năm, mưa phùn kéo dài, nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra đột ngột; môi trường bị ô nhiễm nặng, nhất là các khu chăn nuôi lớn, các chợ đầu mối, nơi giết mổ tập trung do điều kiện khí hậu ẩm thấp kèm mưa phùn, mức độ ô nhiễm càng cao. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng động vật và sản phẩm động vật trong giai đoạn này cũng tăng cao (thông thường tăng khoảng 20-30% so với trạng thái bình thường)…

Ngoài ra, hiện nay, một số bệnh chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm chủng mới (cúm A/H5N8, A/H5N9…); số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng phương thức chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, tận dụng còn cao (khoảng 55%); nhiều hộ chăn nuôi khu vực gần nhà ở tại các khu đông dân cư nên mức độ lây nhiễm rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, ngành chăn nuôi, Thú y Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp như: Tuyên truyền để người chăn nuôi, chủ các cơ sở kinh doanh thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tình hình mới. Cùng với đó, duy trì tốt hoạt động của chốt kiểm dịch đầu mối giao thông tại các chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín), xã Hải Bối (huyện Đông Anh), xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) để kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý số động vật và sản phẩm động vật không đủ điều kiện về thủ tục hành chính cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu hành trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh đó, cần tích cực tổ chức tổng tẩy uế môi trường toàn thành phố đợt trước và sau Tết Nguyên đán, chú trọng các vùng chăn nuôi tập trung, nơi nguy cơ cao, có ổ dịch cũ, khu vực bãi rác thải nhằm ngăn chặn và hạn chế mầm bệnh lây lan (dự kiến có trên 3 triệu mét vuông diện tích được tiêu độc). Đối với các địa phương có lễ hội truyền thống, hội làng, ngành Thú y cần phối hợp với Y tế tổ chức khử trùng trên diện rộng, nhất là các nơi tập trung đông người để làm sạch môi trường; duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh tại 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; kiểm tra hướng dẫn các cơ sở đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để vừa tăng số lượng cơ sở an toàn, vừa tạo lợi thế trong kiểm dịch vận chuyển lưu thông động vật mang đi bán tại các tỉnh, thành phố khác khi dịch bệnh xảy ra.

Chắc chắn, với các biện pháp nêu trên được triển khai đồng bộ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ đạt hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.

Nguyễn Ngọc Sơn (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội)


Cần Thơ: Thực phẩm tươi sống dồi dào, giá cả ổn định

Ðến ngày 7-2 (mùng 7 Tết), hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP Cần Thơ đã buôn bán trở lại sau những ngày nghỉ Tết. Do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ yếu nên phần lớn các mặt hàng thực phẩm tươi sống ít tăng giá trong và sau Tết Nguyên đán.

Sức mua yếu

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sức tiêu thụ nhiều loại thực phẩm tươi sống trong dịp Tết Nguyên đán 2022 đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo, thịt gia cầm, lượng thịt bán ra trong dịp Tết năm nay đã giảm ít nhất từ 30-60% so với Tết năm trước. Qua Tết, sức mua các loại thịt heo và thịt gia cầm càng giảm mạnh.

Bà Hồ Thị Nguyệt, tiểu thương kinh doanh thịt gia cầm tại Chợ nhà lồng 3, Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ Mùng 2 Tết tôi đã đi bán trở lại. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có nhiều nơi bán hàng cạnh tranh với nhau nên lượng thịt gia cầm tôi bán ra đã giảm hơn 50% so với Tết năm trước. Sau Tết, sức mua các loại thịt gà vịt rất yếu do người tiêu dùng không còn có nhu cầu mua để cúng và ăn tiệc như trong những ngày nghỉ Tết. Nhìn chung, giá các loại thịt gia cầm ít biến động trong dịp Tết vừa qua. Từ trước, trong và sau Tết, tôi vẫn bán gà ta làm sẵn với giá trên dưới 120.000 đồng/kg, còn vịt xiêm khoảng 100.000 đồng/kg, vịt ta giá 75.000-80.000 đồng/kg”.

Bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cũng cho biết: “Sức tiêu thụ thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2022 khá chậm và lượng thịt heo tôi bán ra giảm hơn 60% so với Tết năm trước. Trong đó sức tiêu thụ thịt heo tăng cao nhất là vào thời điểm 27 và 28 Tết, tôi bán được khoảng 400kg thịt/ngày. Tuy nhiên, qua Tết Nguyên đán chỉ còn bán được gần 100kg thịt heo các loại/ngày”.

Ðể đảm bảo nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, Xí nghiệp Chế biến thực phẩm 1 thuộc Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ đã chuẩn bị lượng thịt heo và gia cầm rất dồi dào. Xí nghiệp đã liên kết và kết nối với các trang trại, hộ chăn nuôi để chủ động chuẩn bị nguồn thịt heo hơn 30 tấn, chuẩn bị nguồn thịt gia cầm hơn 3 tấn và hơn 10.000 quả trứng gia cầm. Trong đó, nhiều mặt hàng được Xí nghiệp tham gia bán bình ổn giá, với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 10%. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1, Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, sức mua thịt heo, cùng nhiều loại thịt và trứng gia cầm đã giảm từ 30-40% so với Tết năm trước. Hiện nay, sức tiêu thụ thịt heo và thịt gia cầm vẫn còn đang khá chậm. Hy vọng những ngày tới đây khi các dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp mở cửa hoạt động trở lại, sức tiêu thụ các loại thịt sẽ khởi sắc hơn, nhất là thịt heo. Hiện Xí nghiệp đang giết mổ và cung ứng ra thị trường khoảng 250 con heo/ngày.

Giá ít biến động

Năm nay, nhiều tiểu thương tại các chợ ở khu vực nội ô TP Cần Thơ như chợ Nhà lồng 3 – Trung tâm Thương mại Cái Khế; các chợ: An Hòa, Tân An, Xuân Khánh, Hưng Lợi… chỉ nghỉ kinh doanh một ngày vào Mùng 1 Tết. Trong ngày Mùng 2 Tết, nhiều “siêu thị mini” và cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố cũng mở cửa, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời góp phần bình ổn thị trường. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày Mùng 7 Tết, hoạt động buôn bán tại nhiều chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích đã bình thường trở lại. Nguồn cung các loại thực phẩm tươi sống về các điểm kinh doanh mua bán trên địa bàn thành phố cũng trở nên dồi dào và đa dạng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Theo đó, giá hầu hết các loại cá thịt, rau củ quả cũng giảm về mức giá ngang bằng so với trước Tết. Ðáng chú ý, dịp Tết Nguyên đán 2022, giá các loại thực phẩm tươi sống cũng ít tăng giá, do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ yếu vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như do các điểm bán hàng bình ổn phát huy hiệu quả và xu hướng tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua nhiều hàng để dự trữ trong dịp Tết, thay vào đó chỉ mua với lượng vừa đủ dùng, hết mới mua tiếp, qua đó vừa tiết kiệm, vừa không cần bảo quản sản phẩm.

Theo bà Lý Thị Cẩm Châu, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến thực phẩm 2, Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, đơn vị đã mở cửa hoạt động trở lại từ ngày Mùng 2 Tết, các loại thủy sản được Xí nghiệp chuẩn bị phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết đều luôn dồi dào, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Trong dịp Tết vừa qua, chỉ có một số loại thủy sản như mực, tôm… có tăng giá khoảng 10.000-20.000 đồng/kg, còn lại, giá hầu hết các loại thủy sản khác như cá lóc, cá lóc bông, điêu hồng… đều tương đối bình ổn vào thời điểm trong và sau Tết hiện nay. Hiện giá cá lóc bông được xí nghiệp bán ra ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, còn cá lóc và điêu hồng ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, cá nục ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg, cá bạc má 60.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng hiện có giá 160.000-180.000 đồng/kg, mực ống 240.000-250.000 đồng/kg.

Vừa qua, giá heo hơi và thịt heo có tăng nhưng chủ yếu tăng mạnh vào các tuần cận Tết Nguyên đán 2022, với giá tăng hơn 10.000 đồng/kg so với các tháng trước. Tuy nhiên, bước vào thời điểm trong và sau Tết, do giá heo hơi ít có biến động nên giá hầu hết các loại thịt heo cũng tương đối bình ổn. Riêng một số loại thịt được người tiêu dùng tập trung mua nhiều như ba rọi và thịt heo đùi để làm món thịt kho rệu ngày Tết giá có tăng cục bộ tại một số nơi nhưng mức tăng không nhiều, chỉ khoảng 5.000-10.000 đồng/kg và chủ yếu tăng vào ngày 27 và 28 Tết khi sức mua tăng cao. Những ngày sau đó, giá đã giảm trở lại, riêng một số loại thịt ít người mua trong dịp Tết giá còn có xu hướng giảm hơn so ngày thường.

Dù vậy, nhìn chung hiện giá heo hơi và thịt heo vẫn đang ở mức cao nhất trong khoảng 4 tháng qua do giá đã liên tục phục hồi trở lại trong những tháng trước Tết. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL, giá heo hơi đang ở mức từ 54.000-57.000 đồng/kg. Giá thịt heo nạc và ba rọi hiện được bán lẻ tại nhiều chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn địa bàn TP Cần Thơ ở mức 100.000-140.000 đồng/kg, sườn non 140.000-160.000 đồng/kg. Song, với tình hình nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ yếu sau Tết, nhiều tiểu thương dự đoán giá thịt heo ít có khả năng biến động tăng mạnh thêm trong ngắn hạn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Tuần qua, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ

Tuần qua, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước có xu hướng tăng nhẹ, tại miền Bắc dao động trong khoảng 57.000-59.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước.

Cụ thể, tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên và Hà Nội có giá thu mua cao nhất, khoảng 58.000-59.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi tăng 1.000-2.000 đồng/kg, hiện được thương lái thu mua trong khoảng 56.000-58.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn hơi cũng được điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước, dao động trong khoảng 55.000-58.000 đồng/kg.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn hơi tuần qua có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng mạnh. Tuy nhiên, giá này vẫn giảm 20-30% so với Tết năm trước, điều này góp phần ổn định thị trường thịt lợn trong dịp Tết.

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn sau Tết, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục chăm sóc đàn vật nuôi theo hướng an toàn, khi tái đàn cần tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, nhập con giống ở các cơ sở có uy tín; phòng, chống dịch bệnh theo quy định…


Hậu Giang: Chọn mua con giống ở cơ sở uy tín khi tái đàn

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm qua, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có trên 4,1 triệu con, tổng đàn heo có trên 140.000 con. Đàn gia cầm có xu hướng giảm trong những tháng gần đây do người chăn nuôi vịt, gà đã chuyển sang tái đàn heo trở lại phục vụ cho nhu cầu thị trường đợt Tết Nguyên đán.

Khi tái đàn vật nuôi, người dân cần chọn mua con giống ở cơ sở uy tín, đã tiêm phòng đầy đủ.

Trong dịp tết vừa qua, một lượng gia súc, gia cầm đã được người dân xuất bán để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, khoảng cuối tháng Giêng sẽ tập trung tái đàn, nuôi mới. Cơ quan chức năng khuyến cáo để đảm bảo tái đàn có hiệu quả, sau khi xuất bán vật nuôi, hệ thống chuồng trại cần được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Chọn mua con giống khỏe mạnh ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng và được tiêm phòng đầy đủ. Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vắc-xin nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Tin, ảnh: KỲ ANH (Hậu Giang Online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts