|

Hậu Giang: Lợi thế phát triển Thủy Sản

Những năm gần đây, nhờ việc quy hoạch và nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản thời vụ đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khu vực I, nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn.

Tận dụng lợi thế

Huyện Phụng Hiệp có diện tích thủy sản thâm canh hơn 220ha với các loại như: cá tra, cá rô, thát lát được huyện quy hoạch phát triển dọc theo các tuyến kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp, kênh Lái Hiếu, kênh Hậu Giang 3 để tận dụng triệt để nguồn nước trong quá trình thả nuôi, cũng như thuận lợi trong vận chuyển cá khi thu hoạch, từ đó giảm được chi phí sản xuất.

Hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá tra thương phẩm gần 10 năm nay, trại cá của Công ty Quang Minh, ở xã Hiệp Hưng, được xem là một trong những trại cá lớn nhất ở huyện Phụng Hiệp với 9 ao nuôi, diện tích gần 12ha. Năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chi phí thức ăn chăn nuôi leo thang nhưng công ty vẫn đạt lợi nhuận. Đại diện công ty cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch ban đầu nên hiện nay phương tiện vận chuyển thức ăn và chuyên chở cá thương phẩm có thể vào tận ao cá. Từ đó, giúp cho giá thành sản xuất cá của công ty thường thấp hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Cá thát lát là một trong những loài thủy sản thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, được các cơ sở chế biến và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành cả nước.

Anh Nguyễn Khắc Đông, quản lý trại cá của Công ty Quang Minh, cho biết: “Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hy vọng giá cá ổn định ở mức cao để công ty và người nuôi nhỏ lẻ có được lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ. Bởi khi giá cá ở mức cao sẽ là động lực cho người nuôi đầu tư cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng và chất lượng của con cá tra”.

Bên cạnh cá tra thì giá cá thát lát đang tăng cao, dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg, mức giá này được xem là cao nhất 2-3 năm nay. Tuy nhiên, hiện nguồn cá trong dân không còn nhiều. Trong khi đó, giá cá giống ở mức khá cao, loại 1kg hơn 200 con có giá 2.000-2.200 đồng/con, tăng gần gấp đôi so với trước.

Cùng với diện tích cá thâm canh thì cá ruộng cũng là lĩnh vực sản xuất thế mạnh của huyện Phụng Hiệp. Với diện tích thả nuôi hàng năm hơn 3.000ha được quy hoạch phát triển ở những khu vực vùng trũng như: Hiệp Hưng, Phương Phú, Phương Bình, Hòa An và một phần của thị trấn Cây Dương. Đây là khu vực thấp, nước lũ hàng năm thường đến sớm và rút trễ hơn so với các khu vực khác. Cá ruộng được nuôi chủ yếu theo hình thức quảng canh, với các loại như: cá chép, cá mè, rô phi, tai tượng. Cá ruộng không cần tốn chi phí thức ăn, cá tận dụng nguồn rơm rạ, lúa chét trên đồng để tăng trưởng. Năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc đầu tư của người dân cũng hạn chế nên sản lượng cá ruộng của huyện Phụng Hiệp chỉ đạt 3.250 tấn, đóng góp doanh thu hơn 32 tỉ đồng cho lĩnh vực thủy sản.

Ông Trần Văn Xại, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vùng đất này thấp nên làm lúa vụ 3 thường bị mưa bão gây ngập úng khó thu hoạch nên đa phần nông dân ở đây chuyển qua nuôi cá ruộng theo hình thức quảng canh. Cách làm này thuận lợi nhiều mặt như hạn chế được những rủi ro bởi thời tiết, thu nhập từ 10-15 triệu đồng/ha, ngoài ra nuôi cá ruộng còn góp phần vệ sinh và tăng lượng màu mỡ cho đồng ruộng tới vụ Đông xuân sẽ giảm được chi phí đầu tư”.

Quy hoạch vùng nuôi phù hợp

Nhờ thực hiện tốt việc quy hoạch, đến nay huyện Phụng Hiệp có diện tích nuôi thủy sản hơn 4.810ha, vượt 200ha so với kế hoạch, sản lượng hơn 32.000 tấn. Doanh thu của lĩnh vực thủy sản chiếm 24% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Với nền tảng đã có, mục tiêu của huyện Phụng Hiệp trong thời gian tới sẽ liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác, HTX trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để tạo ra sản lượng lớn đáp ứng cho doanh nghiệp tham gia đầu tư và bao tiêu. Quá trình nuôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, thực hành tốt quy trình nuôi, khuyến khích nuôi công nghiệp trên cả diện tích lớn và quy mô nhỏ để kéo giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng luân canh trong mùa lũ để thay đổi diện tích lúa Thu đông, góp phần tăng giá trị sản xuất khu vực I.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua huyện tập trung vận động các hộ nuôi thủy sản tham gia sản xuất tập thể thông qua các HTX. Bởi chỉ khi làm tập thể mới có đủ sản lượng lớn để doanh nghiệp ký kết thu mua, từ đó hạn chế được tình trạng bị ép giá. Huyện có 3 vùng là Hiệp Hưng, Phương Phú, Phương Bình tạo thành tam giác trũng sẽ được quy hoạch phát triển cá đồng, cá ruộng vào mùa nước nổi. Còn ở những nơi như xã Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng, thị trấn Cây Dương sẽ được quy hoạch phát triển nuôi cá thâm canh. Còn những địa phương khác, nơi nào có điều kiện thuận lợi thì vận động người dân nuôi cá đồng với chi phí thấp nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá.

[:vi][:en] [:]

Với tiềm năng sẵn có cùng với định hướng phát triển phù hợp, một khi lĩnh vực thủy sản được phát triển theo hình thức liên kết sẽ góp phần giảm thiểu được những rủi ro trong quá trình canh tác, cũng như nâng cao được thu nhập cho nông hộ nuôi thủy sản. Theo ngành chức năng tỉnh, bên cạnh nuôi các loài cá đồng, cá ruộng, hiện tại người dân trên địa bàn tỉnh còn mở rộng diện tích nuôi cá thát lát và lươn vì đem lại thu nhập tương đối ổn định và đây là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là nuôi lươn theo tiêu chuẩn sạch để xuất khẩu đang là hướng đi được nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có một doanh nghiệp liên kết với nông dân nuôi lươn đạt yêu cầu về chất lượng để chế biến cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu.

Theo kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022, diện tích nuôi thủy sản là 8.650ha, tổng sản lượng 83.000 tấn. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, để đạt mục tiêu đề ra, ngành sẽ phát huy lợi thế về nuôi thủy sản nước ngọt, tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển các loài thủy đặc sản của địa phương. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước, môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Tổng diện tích nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm ước thực hiện được 5.049ha, đạt 58,4% kế hoạch và tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 28.421 tấn (trong đó cá tra 12.673,6 tấn, cá thát lát 497,8 tấn, lươn 209,6 tấn…), đạt 34,2% kế hoạch và bằng 102,7% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi là 26.985 tấn, sản lượng khai thác nội địa 1.436 tấn.

T.TRÚC – D.KHÁNH (Hậu Giang Online)

 

[columns] [span4] Like FACEBOOK APA

 

[/span4] [span4] Share THÔNG TIN THỦY SẢN

 

[/span4] [span4] Subscribe BẢNG GIÁ THỦY SẢN

 

[/span4] [/columns]

Similar Posts