|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/02 – 28/02/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/02-28/02/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/02/2022 – 28/02/2022.

Bến Tre: Phát triển chăn nuôi tập trung, kiểm soát dịch bệnh

Tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 đạt trên 3%, kéo theo tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt dương. Trong đó, có đóng góp rất lớn của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp. Do đó, cần tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển ổn định ngành chăn nuôi địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết, tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có 237.922 con (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước), tập trung nhiều ở 3 huyện: Ba Tri, Thạnh Phú và Giồng Trôm. Tổng đàn dê là 185.560 con (tăng 3.100 con), đàn heo là 449.410 con (tăng 27,15% con).

Tổng đàn gia cầm có 9,3 triệu con. Trong đó, gà 6,654 triệu con (tăng 172 ngàn con), vịt 1,535 triệu con (tăng 229 ngàn con). Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh không xảy ra, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định. Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 8 hộ, ở 7 ấp, 6 xã, 5 huyện, thành phố, với 1.007 con chết, tiêu hủy.

Chủ động tiêm vắc-xin phòng ngừa các dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra tại 562 hộ, ở 148 ấp, 53 xã, 8 huyện, thành phố, với tổng số bò bệnh 830 con/tổng số bò nuôi trong hộ 2.920 con, số bò chết 224 con. Từ đầu năm 2022 cho đến ngày 13-2-2022, bệnh VDNC đã phát sinh tại 2 hộ (1 hộ mới) ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, với 3 con bò bệnh, 2 con chết, tiêu hủy. Đến nay, các ổ bệnh trên địa bàn tỉnh đã qua 21 ngày, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Trong năm 2021, có 9 người tử vong vì bệnh dại tại 4 huyện (Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Ba Tri), tăng 6 trường hợp so với năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dại trên người đã làm 4 trường hợp tử vong tại 3 huyện (xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri; xã Tân Phú, Phú Túc, huyện Châu Thành và xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc).

Theo ngành y tế, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2021, có hơn 11 ngàn người đến tiêm ngừa bệnh dại do chó cắn. Có 4 người bị bệnh dại do chó vô chủ và chó nhà cắn nhưng chủ quan không tiêm ngừa nên đã tử vong. Nguyên nhân do việc chủ động tiêm phòng của người dân chưa cao, tâm lý chủ quan… Giải pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng ngừa bệnh dại trong cộng đồng là chủ động tiêm phòng cho chó, mèo.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, so với các tỉnh, tỷ lệ bệnh dại của Bến Tre là rất cao. Trong 1 tháng, có 4 người chết do bệnh dại là vấn đề đáng báo động. Sở NN&PTNN tham mưu kế hoạch cao điểm phòng chống bệnh dại, nhằm khống chế không để diễn biến phức tạp gây chết người.

Quản lý chăn nuôi tập trung

Định hướng chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, liên kết và đảm bảo an toàn dịch bệnh; quản lý chăn nuôi theo hướng tập trung là một trong những giải pháp căn cơ để quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh ngày 9-12-2020 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết quy định cụ thể khu vực không được phép chăn nuôi tại TP. Bến Tre, thị trấn thuộc các huyện, các xã thuộc huyện, thành phố. Theo đó, mỗi cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị quyết này chỉ được nhận chính sách hỗ trợ 1 lần. Các cơ sở chăn nuôi khi di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 50% giá trị tài sản theo quy định đơn giá chuồng trại của bảng giá nhà, vật kiến trúc xây dựng mới do UBND tỉnh ban hành. Tổng kinh phí hỗ trợ chuồng trại không quá 200 triệu đồng/cơ sở.

Theo Sở NN&PTNN, nghị quyết đã ban hành nhưng đến nay các cơ sở chưa triển khai. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Quang Thái cho biết, dự báo sắp tới, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có thể dịch chồng dịch. Liên quan công tác chăn nuôi, cần thực hiện lại việc kê khai trong công tác chăn nuôi vì hiện nay hầu hết các địa phương chưa thực hiện.

Về thực hiện Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh, Sở NN&PTNT đã nhắc nhở, đôn đốc thực hiện bằng nhiều văn bản. Đến nay, sở đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho 9 huyện nhưng địa phương còn chậm thực hiện. Khi thực hiện chính sách thì quan trọng là tiêu chí xác định. Hàng năm, Sở Tài chính có dự toán kinh phí để phân bổ vốn. Hướng tới, trong quá trình quản lý chăn nuôi cần áp dụng quy định và có xử phạt nếu có trường hợp không chấp hành.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Quang Thái cho biết, từ năm 2022, Nhà nước không tiêm phòng vắc-xin miễn phí mà hoàn toàn từ xã hội hóa. Do đó, người dân cần chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi.

“UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh năm 2022, các địa phương cần cụ thể hóa để triển khai. Với vai trò chủ lực trong công tác chăn nuôi, ngành NN&PTNT tăng cường theo dõi, hỗ trợ các địa phương trong việc cụ thể hóa và triển khai tổ chức, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Các địa phương hoàn chỉnh hệ thống thú y, sắp xếp lại hệ thống thú y cấp huyện theo đúng quy định. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tập huấn cho địa phương các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Sở NN&PTNT cần xây dựng mô hình điểm để nhân rộng”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc (Báo Đồng Khởi)


Chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học: Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh heo châu Phi

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 406 xã của 37/63 tỉnh, thành phố; trong đó, đã tiêu hủy 12.762 con heo bị nhiễm bệnh. Riêng địa bàn tỉnh, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 61 ấp/khóm của 26 xã, thị trấn thuộc 05/09 huyện: Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Kè, Càng Long và Cầu Ngang. Trong đó, số heo nghi, mắc bệnh 2.919/3.106 con của 129 hộ chăn nuôi; tiêu hủy 2.992 con (trọng lượng 166,5 tấn heo).

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện nay, tình hình bệnh DTHCP đang diễn biến phức tạp; cùng với đó, đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến đàn vật nuôi chưa kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh có thể phát sinh và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Bệnh DTHCP hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp như tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống chất lượng tốt. Thường xuyên bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo. Nhất là thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi, đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Công nhân theo dõi, chăm sóc heo sinh trong mô hình chăn nuôi heo khép kín an toàn sinh học tại hộ ông Trần Văn Đực.

Có thể nói mô hình nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học đang trở thành xu thế tích cực trong chăn nuôi, với các đặc điểm của mô hình như: quản lý, kiểm soát được nguồn đầu vào có nguy cơ mang mầm bệnh (con người, động vật, con giống, vận chuyển…); cùng với đó, xung quanh khuôn viên nuôi được bảo vệ bằng hàng rào và khử khuẩn (buồng Ozon) với các vật dụng khi đưa vào khu vực nuôi. Trong khu chăn nuôi thực hiện riêng lẻ, khép kín tại từng tiểu khu nuôi với từng giai đoạn sinh trưởng của con heo. Đặc biệt, các chất thải, nguồn nước trong quá trình cấp và thoát đều được xử lý trước khi đưa ra ngoài hoặc vận chuyển vào… Điển hình như mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học tại trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Đực ngụ ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang với quy mô 465 con heo nái và 2.500 heo thịt.

Theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với con giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải đúng nơi quy định (có thể chôn hoặc đốt, làm biogas).

Định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; phương tiện vận chuyển heo, thức ăn phải được sát trùng kỹ mỗi lần ra vào trại, khu vực chăn nuôi; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại, cơ sở chăn nuôi.

Trước khi vào khu chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh thú y, bảo hộ lao động (quần áo, ủng…) và tiêu độc, khử trùng trước khi vào trại. Ở đầu mỗi trại phải có hố sát trùng. Hạn chế tối đa khách tham quan và người lạ ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

Thường xuyên kiểm tra thể trạng heo nhằm phát hiện sớm những bất thường (uể oải, ủ rũ, kém ăn) để có biện pháp xử lý kịp thời; khi mua con giống mới, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10-15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ.

Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn heo theo đúng lịch trình phòng bệnh để tạo miễn dịch chủ động, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần phải tiêm phòng bắt buộc bằng vắc-xin,…

Ông Trần Văn Đực cho biết: từ lúc có bệnh DTHCP xảy ra (năm 2019), trên địa bàn huyện Cầu Ngang cũng như các hộ nuôi xung quanh đều chịu ảnh hưởng; tuy nhiên, với mô hình nuôi khép kín an toàn sinh học của gia đình đến nay đã ngăn chặn tốt dịch bệnh. Trước tiên, người nuôi phải quản lý được con người ra vào khu chăn nuôi, ngay cả nhân viên và các vật dụng mang theo phải được diệt khuẩn (thông qua tủ Ozone, tia cực tím) được lắp đặt ngay từ phía cổng vào; vận chuyển heo khi xuất bán phải đưa ra xa khu chăn nuôi. Các khu nuôi được thiết kế kín và lắp máy quạt hút mùi, chất thải được thu hồi qua hệ thống bơm hút và đưa vào máy vắt phân, còn nước thải sẽ chuyển vào hầm biogas…

Cũng theo ông Trần Văn Đực, về nguồn gốc giống phải có bước chuẩn bị ngay từ giai đoạn đầu sau khi nhập về sẽ tiêm phòng đầy đủ các loại và thực hiện phối giống tại trại để tạo nguồn heo giống bố mẹ. Với quy trình nguồn giống khép kín, sẽ giúp cho người nuôi theo dõi, kiểm soát được tình hình sức khỏe của heo cũng như các yếu tố về dịch tễ… Hiện trang trại heo của gia đình gồm có 01 trại chuyên heo nọc giống, 02 trại nuôi heo mang thai, 02 trại nuôi heo trong giai đoạn chuẩn bị trước khi đẻ, 01 trại nuôi heo hậu bị (khoảng 450 con nái), 02 trại nuôi heo cai sữa (khoảng 1.000-1.200 con) và 03 trại heo thịt (300-500 con/trại). Tại từng khu trại đều lắp đặt hệ thống nuôi lạnh khép kín.

Theo ông Lê Văn Đông trong thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, nhất là bệnh DTHCP, các địa phương cần tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTHCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng bệnh đến với hộ chăn nuôi. Huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Hiện nay, đối với các địa phương xảy ra dịch bệnh DTHCP, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh và lây lan diện rộng; xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; triển khai thực hiện và hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,…) nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; đồng thời, thực hiện thủ tục công bố hết dịch khi đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần thực hiện theo nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo mắc bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi heo.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)


Sóc Trăng: Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trên bò sữa, chó và mèo năm 2022

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng (THT) cho đàn bò sữa năm 2022, bắt đầu từ ngày 1-3-2022.

Theo đó, thời gian tiêm phòng vắc xin bệnh LMLM tổ chức tiêm đợt 1 năm 2022, từ ngày 1-3-2022 đến ngày 15-4-2022; đợt 2 năm 2022, từ ngày 1-9-2022 đến ngày 17-10-2022. Đồng thời, các địa phương vùng dự án cũng triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh THT trên đàn bò sữa từ ngày 1-3-2022 đến ngày 15-4-2022 và thường xuyên tiêm phòng bệnh bổ sung hàng tháng cho đến khi có kế hoạch tiêm phòng bệnh năm 2023, đàn gia súc thuộc diện tiêm vắc xin phòng bệnh đều được tổ chức tiêm theo quy định.

Để bảo vệ đàn bò sữa tại các địa phương, việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh LMLM, THT góp phần quan trọng trong việc phát triển đàn cũng như cung cấp lượng sữa bò tươi ổn định trên thị trường. Ảnh minh họa: TL

Về kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên chó, mèo năm 2022 được Sở NN-PTNT triển khai thực hiện tại các địa phương từ ngày 21-2-2022 và kết thúc tiêm vắc xin phòng bệnh dại là ngày 3-10-2022. Các hộ gia đình, cá nhân nuôi chó, mèo phải tự chi trả tiền vắc xin và công tiêm vắc xin phòng bệnh cho chó, mèo. Mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong năm 2022 sẽ tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo đạt 100% diện tiêm, cùng với đó nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và phòng, chống bệnh dại ở động vật và nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh dại ở động vật của ngành thú y và chính quyền địa phương các cấp.

Theo đồng chí Trương Văn Đúng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn bò sữa đạt hiệu quả tốt nhất, Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh cần chuẩn bị vắc xin đầy đủ cung cấp cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kịp thời để phục vụ công tác tiêm phòng. Phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh của địa phương trên cơ sở kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh của tỉnh và tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng chiến dịch tiêm phòng, thông báo lịch đăng ký, địa điểm đăng ký, lịch tiêm vắc xin phòng bệnh.

Về công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên chó, mèo năm 2022, lãnh đạo Sở NN-PTNT Sóc Trăng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn các địa phương việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại tại các huyện, thị xã, thành phố, nhằm đảm bảo theo đúng mục tiêu đã đề ra và cung ứng vật tư, dụng cụ, sổ sách phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý các ổ dịch bệnh dại (nếu có) tại các hộ chăn nuôi.

THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng điện tử)


Nam Định: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững

Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh đang được ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, phục vụ chế biến xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2021 sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định. Đàn lợn có hơn 641 nghìn con, tăng 0,1%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 150 nghìn 470 tấn, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 0,2% so với năm 2020. Đàn trâu có 7.726 con, tăng 0,6%; đàn bò có 28.011 con; sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.909 tấn, tăng 2,8% so với năm 2020. Đàn gia cầm có 9 triệu 467 nghìn con, tăng 6,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt 32.361 tấn, tăng 9,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 422 triệu quả, tăng 11,3% so với năm 2020. Kinh tế thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực. Sản lượng thủy sản đạt 178.570 tấn, tăng 4,7% so với năm 2020. Diện tích nuôi 16.500ha; trong đó nuôi nước ngọt là 9.800ha, nuôi mặn lợ là 6.700ha; sản lượng nuôi đạt 121.130 tấn, tăng 4,8% so với năm 2020. Tỉnh có 115 cơ sở sản xuất giống thủy sản (10 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 105 cơ sở sản xuất giống mặn lợ), sản lượng giống thuỷ sản toàn tỉnh đạt 14 tỷ 800 triệu con, tăng 11,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đứng trước nhiều rủi ro, thách thức do dịch bệnh, thời tiết biến đổi khó lường, giá bán các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá thịt lợn hơi ở mức thấp, không ổn định. Hình thức chăn nuôi chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; quy mô, hình thức chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương… Vì vậy, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Xác định chăn nuôi có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung, thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi của Bộ NN và PTNT ngày 14-6-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng gắn với truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh việc ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đồng thời nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025 là tăng trưởng trung bình ngành từ 3-3,5%/năm; sản lượng thịt các loại từ 215-220 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 511 triệu quả. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong trang trại đạt trên 60%. Tổng đàn trâu, bò 37 nghìn con; đàn lợn (không kể lợn sữa) 800 nghìn con; đàn gia cầm 9,5 triệu con; đàn dê 15 nghìn con. Tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp hoặc giết mổ tại cơ sở được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết an toàn thực phẩm đạt tương ứng khoảng 60% và 40%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt đạt từ 25% đến 30%. Phấn đấu xây dựng 3-5 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Xử lý chất thải chăn nuôi của 100% cơ sở chăn nuôi trang trại và 50% cơ sở chăn nuôi nông hộ đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Xây dựng được ít nhất 70-100 cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 1-2 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các sở, ngành hữu quan, các huyện, thành phố cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đất đai, tài chính và tín dụng, thương mại, khuyến nông; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ; năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thức ăn chăn nuôi; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi, thú y. Sở NN và PTNT đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất cơ chế, chính sách, huy động nguồn vốn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y; kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan đến Kế hoạch, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực quản lý. Tổng hợp, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, 5 năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN và PTNT; đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga cho biết thêm: Với vai trò, trách nhiệm của ngành, Sở tập trung triển khai các giải pháp phát triển, hình thành các trung tâm, trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống lợn, gia cầm có chất lượng; quản lý chặt chẽ chất lượng con giống; cải tạo đàn lợn giống để nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi trên cơ sở lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là tôm, ngao. Đầu tư xây dựng hạ tầng và kỹ thuật phục vụ sản xuất giống thủy sản, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ cả khu vực mặn lợ và nước ngọt, từng bước chuyển diện tích nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung; áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, đồng thời chia sẻ rủi ro, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Thực hiện tốt các giải pháp phát triển chăn nuôi có điều kiện gắn với xây dựng hệ thống trang trại quy mô công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Duy trì, phát huy hiệu quả đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo phương thức công nghiệp, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ tỉnh đến địa phương.

Bài và ảnh: Văn Đại (Báo Nam Định)


Hà Nội: Gà thả vườn – mô hình an toàn sinh học

Mô hình nuôi gà thả vườn do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chuyển giao đến nông dân đang là hướng chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây… là những địa phương phát triển chăn nuôi mạnh, trong đó có mô hình gà thả vườn.

Để giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa mô hình sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học thử nghiệm tại một số địa phương. Tại thị xã Sơn Tây, mô hình được triển khai năm 2021 ở xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh, quy mô 10.000 con với 10 hộ tham gia. Là một trong những người tham gia mô hình, ông Phan Thanh Phương ở xã Đường Lâm chia sẻ, mô hình nuôi gà thả vườn bổ sung thảo dược có tác dụng giải độc gan, nâng cao sức đề kháng, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sản phẩm an toàn, chất lượng cao, gà Mía của gia đình vốn là đặc sản của địa phương, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi tốt không chỉ góp phần bảo tồn, nhân rộng thương hiệu gà Mía Sơn Tây mà còn giúp nông dân làm giàu bền vững từ nuôi con đặc sản.

Tương tự, tại huyện Quốc Oai, mô hình được triển khai tại 2 xã Đông Yên và Phú Cát, các hộ tham gia mô hình cũng đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% kinh phí về con giống và thức ăn; 50% kinh phí còn lại do hộ dân tự đối ứng. Trước khi cấp giống cho các hộ tham gia mô hình, Trạm Khuyến nông Quốc Oai đã tập huấn kỹ thuật sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ kỹ thuật úm, chăm sóc, phòng bệnh bằng thảo dược cho gà. Khi tổng kết mô hình cho thấy những hiệu quả rõ nét, 100% hộ dân tiếp tục áp dụng phương pháp này vào chăn nuôi lứa tiếp theo.

Theo Phó Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Trần Thị Tình, năm 2021, mô hình sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học được triển khai với quy mô 50.000 con, thực hiện tại 11 điểm thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai và thị xã Sơn Tây. Mới đây, qua tổng kết mô hình cho thấy: Đàn gà sinh trưởng nhanh, đồng đều, mã đẹp, sau 5 tháng nuôi xuất bán đạt tỷ lệ gà sống trung bình cao (96,5%), cao hơn dự toán 3,5%, trọng lượng bình quân đạt trên 2,2kg/con, lợi nhuận đạt 55-60 triệu đồng/1.000 con, cao hơn 15-20% so với phương pháp nuôi thông thường. Khi sử dụng sản phẩm thảo dược trộn vào thức ăn làm giảm đáng kể tỷ lệ gà mắc bệnh, giúp gà phát triển khỏe mạnh, giảm sử dụng thuốc thú y. Mô hình đạt mục tiêu, yêu cầu, mang lại hiệu quả tốt về kinh tế – xã hội…

Đánh giá về mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, kỹ thuật chăn nuôi mới được áp dụng trong mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học do Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành. Phương pháp này giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nên bảo đảm không tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt, giảm nguy cơ gây kháng kháng sinh. So với nuôi gà thông thường, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hiệu quả tăng rõ rệt nhờ tỷ lệ hao hụt giảm, tăng khả năng tăng trọng. Sau thành công của mô hình, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho nông dân tham quan, tham khảo nhằm lan tỏa cách làm hiệu quả cho người chăn nuôi gà trên địa bàn.

SƠN TÙNG (Báo Hànộimới)


Hòa Bình: Vùng cao Đà Bắc căng mình chống rét cho vật nuôi

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh, từ ngày 19 – 21/2, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, trên địa bàn tỉnh có nhiều trâu, bò bị chết rét. Trong đó, huyện Đà Bắc bị thiệt hại nặng nhất. Trước những diễn biến tiếp tục bất lợi, người dân huyện vùng cao Đà Bắc đang căng mình để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, nhất là trâu, bò.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc: Báo cáo nhanh đến chiều ngày 21/2, trên địa bàn huyện Đà Bắc thiệt hại 93 con trâu, bò các loại. Qua xác minh, số lượng trâu, bò chết tại chuồng là 52 con, còn lại 41 con bị cước chân, đổ ngã nên người dân giết thịt và bán cho lái buôn. Lũy kế đến chiều ngày 22/2, toàn huyện thiệt hại 61 con trâu, bò, tăng 9 con so với một ngày trước đó. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Qua kiểm tra thực tế, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về trâu, bò những ngày vừa qua là do một số hộ dân nuôi trâu, bò ở trong các trang trại của hộ gia đình trong rừng nên việc che chắn chuồng trại không được kịp thời. Số trâu, bò bịt thiệt hại rơi vào những con già yếu, bê non.

Tân Pheo là xã có khí hậu khá khắc nghiệt, những ngày giá rét vừa qua, trên địa bàn xã chìm trong mây mù. Đợt rét đậm, rét hại diễn ra từ ngày 18/2 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của bà con, nhất là công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Đến nay, xã có 5 con trâu, bò bị chết vì đói, rét và 15 con bị cước chân, đổ ngã nên người dân hoảng sợ đã giết thịt hoặc bán cho lái buôn. Đồng chí Đinh Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo cho biết: Đối với xã Tân Pheo, chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Do đó, trước mùa đông, công tác tuyên truyền về phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi được xã thực hiện thường xuyên. Những ngày vừa qua, xã cử cán bộ đến tận các hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế, việc chấp hành chưa tốt. Đó chính là nguyên nhân khiến trâu, bò bị chết. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi trồng cỏ, xây dựng chuồng trại đảm bảo và thực hiện tốt việc che chắn chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, đảm bảo đủ thuốc thú ý để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã.

Cao Sơn cũng là một xã phát triển mạnh về chăn nuôi của huyện Đà Bắc. Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn xã cũng khá khắc nghiệt. Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, bà con nơi đây đã thực hiện nuôi nhốt gia súc, che chắn chuồng trại đảm bảo nên đến nay, chưa có vật nuôi bị thiệt hại vì đói, rét. Gia đình ông Bàn Văn Quý, xóm Tằm nhiều năm qua duy trì chăn nuôi trâu theo hình thức chăn dắt. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, ông Quý chăn dắt trâu trên khu đất sản xuất của gia đình. Tuy nhiên, những ngày rét đậm, rét hại vừa, ông Quý nuôi nhốt trâu hoàn toàn tại chuồng, che chăn chuống nuôi kín gió và cung cấp đủ thức ăn cho trâu. Ông Quý chia sẻ: Theo dự báo thì mấy ngày tới, thời tiết vẫn rét đậm, rét hại nên gia đình không chủ quan, lơ là mà vẫn phải nuôi nhốt trâu tại chuồng, che chắn kín gió và đi cắt cỏ cho trâu ăn.

Đó cũng là những khuyến cáo mà Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc khuyến cáo đến người chăn nuôi trên địa bàn huyện, khi thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất lợi. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết thêm: Người chăn nuôi cần thực hiện tốt việc che chắn, củng cố chuồng trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh, di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao về chỗ nhốt khi nhiệt độ xuống dưới 120C. Bổ sung đầy đủ thức ăn, vitamin, khoáng và cho uống nước ấm để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tăng cường công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Khi xảy ra trâu, bò chết thì kịp thời báo cáo chính quyền địa phương.

Viết Đào (Báo Hòa Bình Điện Tử)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts