|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/03 – 31/03/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/03-31/03/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/03/2022 – 31/03/2022.

Hà Nội: Đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết

Hiện tại, các hộ chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thịt lợn hơi từ cuối tháng 2 đến nay có xu hướng giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng… Để giảm thiểu các hệ lụy từ thị trường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chăn nuôi phát triển theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó

Dịch bệnh diễn biết phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, thời gian vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự và phải “bỏ chuồng”. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5-7%/năm. Hiện nay, các hộ nông dân chỉ còn chiếm 35-40% (các doanh nghiệp, trang trại là 55-60%) tổng sản lượng sản xuất thịt lợn của ngành chăn nuôi.

Theo ông Ngô Văn Mạnh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), do dịch bệnh phát sinh trong khi chi phí “đầu vào” cho chăn nuôi liên tục tăng và giá thịt lợn trên thị trường không ổn định. Với giá thịt lợn hơi như hiện nay, ước tính mỗi tạ lợn, nông dân bù lỗ 300.000-400.000 đồng, gia đình đã bỏ chuồng và chuyển sang làm nghề dịch vụ khác.

Còn ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Hiện nay gia đình đã giảm tổng đàn từ 100 con xuống 20 con lợn, do giá thịt lợn hơi từ cuối năm 2021 liên tục giảm, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đi mua con giống, giá thức ăn chăn nuôi qua nhiều đại lý nên chỉ lấy công làm lãi”.

Nhận định về những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh nhận định: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu. Ngành chăn nuôi phải gánh chịu nhiều thiệt hại do giá sản phẩm trên thị trường lên xuống thất thường, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh…

Hiện tại tổng đàn lợn của cả nước đạt 28,1 triệu con, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 18-22% so với đầu năm 2021 gây không ít khó khăn, đặc biệt với chăn nuôi nông hộ (chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất). Mặt khác do chưa có nhiều chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nên không ít hộ nông dân phải phụ thuộc vào thương lái, việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm cũng là cả vấn đề…

Thúc đẩy liên kết chuỗi

Thực tế cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm dần trong cơ cấu chăn nuôi là một tất yếu để hướng đến nền chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ trong thời gian vừa qua.

Để hỗ trợ chăn nuôi lợn phát triển ổn định, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), các ngành chức năng cần có thêm cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước cũng như xem xét giảm các loại phí, thuế tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi thuê đất, phát triển trang trại quy mô lớn, an toàn dịch bệnh.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đến năm 2025, Hà Nội sẽ giữ tổng đàn lợn khoảng 1,8 triệu con và phát triển ở các vùng chăn nuôi trọng điểm như: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì, Phúc Thọ…; đồng thời tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh… Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết thịt lợn để giảm chi phí đầu vào và tăng giá bán ra thị trường.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu thị trường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, kế hoạch đến năm 2030 sẽ nâng tổng đàn lợn cả nước lên 30 triệu con. Để hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn hồi phục và phát triển ổn định, thời gian tới các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; đồng thời kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu con giống, sản phẩm chăn nuôi trái phép.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng; xây dựng và áp dụng các phần mềm để bảo đảm cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Mặt khác là thúc đẩy các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất các loại chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.

NGỌC QUỲNH (Báo Hànộimới)


Hương Khê: Tiêm phòng cho 80% đàn vật nuôi trước tháng 6/2022

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, phấn đấu hoàn thành đợt 1 trước tháng 6/2022 với tỉ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn vật nuôi.

Theo đó, ngày 22/3, toàn bộ 21 xã, thị trấn trong toàn huyện đã đồng loạt triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Theo rà soát, huyện Hương Khê hiện có trên 36.000 con trâu, bò. Dự kiến trong đợt này, các địa phương sẽ tiêm vắc-xin cho khoảng 30.000 con trâu, bò.

Tiếp đó, vào đầu tháng 4/2022, các địa phương sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò.

Sau khi hoàn thành tiêm phòng cho đàn trâu, bò, huyện Hương Khê sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo; đồng thời tiêm các loại vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn lợn và gia cầm.

Để công tác tiêm phòng đảm bảo tiến độ và đạt kết quả cao, huyện Hương Khê đã chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm; tổ chức tập huấn tiêm phòng cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở; điều động cán bộ thú y các xã thành lập tổ tiêm phòng theo từng thôn, xóm. Các hộ chăn nuôi đưa gia súc đến điểm tiêm phòng tập trung; với những hộ gia đình khó khăn, cán bộ thú y sẽ đến tận chuồng trại để trực tiếp tiêm phòng.

Trí Quân – Dương Chiến (Báo Hà Tĩnh)


Tây Ninh: Tăng cường kiểm soát chất lượng đàn vật nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi

Nông nghiệp là ngành chủ lực và chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng, chiếm giá trị sản xuất lớn, đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 6,2%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2021 đạt 4.651 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 17,9%.

Một cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 218.480 con heo; 10.000 con trâu; 100.000 con bò, trong đó bò thịt là 85.400 con, bò sữa 14.600 con; 8.935.000 con gia cầm; 676 nhà nuôi chim yến.

Cơ cấu chăn nuôi đang được tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học sang chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 612 trang trại gia súc với tổng đàn 192.578 con, trong đó có 143 trang trại heo với 170.934 con, 43 trang trại trâu với 1.142 con, 426 trang trại bò với 20.502 con, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5.685.181 con.

Từ năm 2016 đến nay, có 58 dự án chăn nuôi heo với 743.584 con được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và an toàn dịch bệnh với số lượng là 112.550 con, chiếm 51% tổng đàn.

Năm 2021, ngành chăn nuôi trong toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, các trang trại và hộ chăn nuôi vẫn duy trì sản xuất, tăng đàn, tái đàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Sản lượng thịt heo của tỉnh năm 2021 là 42.000 tấn; bình quân hằng ngày sản xuất khoảng 115 tấn, tương đương 1.100 con. Toàn tỉnh có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 quầy, sạp thịt và khoảng 97 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng. Số lượng heo giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 con – 1.100 con/ngày.

Đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp, 2 nhà máy sản xuất thức ăn truyền thống và 1 nhà máy sản xuất thức ăn bổ sung. Tổng công suất sản xuất tối đa của các nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp khoảng 183.000 tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ thức ăn hỗn hợp trong tỉnh khoảng 378.000 tấn/năm; các trang trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi đều sử dụng nguồn thức ăn do công ty cung cấp (chiếm khoảng 61% sản lượng tiêu thụ nội tỉnh), phần lớn lượng thức ăn chăn nuôi của nông hộ và các trang trại còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh khác (khoảng 39%).

Hằng năm, các đơn vị chức năng thường xuyên thanh tra việc sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Năm 2021, thanh tra về thuốc thú y và kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lấy 98 mẫu gửi kiểm nghiệm.

Kết quả có 3 mẫu thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng, 4 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng, 3 mẫu thuốc thú y giả; xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở với tổng số tiền 45.340.000 đồng; sau đó, tiếp tục thanh tra đối với sản phẩm của các cơ sở sản xuất không đạt chất lượng, lấy 38 mẫu, trong đó có 13 mẫu thức ăn chăn nuôi, 25 mẫu thuốc thú y.

Kết quả có 1 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng, 2 mẫu thuốc thú y giả; xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 14.325.000 đồng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thanh tra đợt 1 năm 2022 đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Trại chăn nuôi gà theo mô hình bán chăn thả đạt chất lượng trên địa bàn huyện Tân Châu.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn; giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, theo thống kê từ đầu năm 2021 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng 9-10 lần với mức tăng 200-300 đồng/kg/đợt so với năm 2020 (từ 8.000-10.000 đồng/kg lên 12.000-13.000 đồng/kg tuỳ loại). Trong khi đó thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành sản xuất nên khi giá bán tăng thì giá thành sản xuất chăn nuôi cũng tăng theo.

Mặc dù giá thành sản xuất chăn nuôi liên tục tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng; hiện nay, giá heo hơi khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg, giá thành khoảng 51.000-52.000 đồng/kg do tất cả chi phí đều tăng.

Tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn, có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y nên chưa nâng cao và ổn định giá cả sản phẩm chăn nuôi.

Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng ổn định và bền vững, trong thời gian tới tỉnh tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực chăn nuôi heo tại các huyện phía Bắc của tỉnh có lợi thế về đất đai, xa khu dân cư, có các vùng chuyên canh cây công nghiệp; sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ tại các huyện phía Nam của tỉnh như Gò Dầu, Trảng Bàng.

Xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi với 6 loại sản phẩm có thế mạnh là heo, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng và yến để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Cải thiện chất lượng giống vật nuôi, kết hợp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào các quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giảm giá thành sản xuất.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi để người chăn nuôi an tâm sản xuất. Tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Nhi Trần (Tây Ninh Online)


Lâm Đồng: Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những thanh niên người Cil

Sống gắn bó với ruộng vườn, nương rẫy, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Hà đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm nâng cao thu nhập. Trong đó, tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những đoàn viên, thanh niên người Cil (dân tộc Cờ Ho) ở tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn.

Những thanh niên nông thôn ở B’Nông Rết lâu nay gắn bó với nghề nông để chăn nuôi sản xuất, tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích của tổ chức Đoàn, những thanh niên người Cil tại tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đã mạnh dạn vay vốn, mua bò và thành lập Tổ hợp tác để liên kết chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Anh Ha Thiện – Bí thư Chi đoàn tổ dân phố B’Nông Rết, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những thanh niên người Cil nơi đây cho biết, cuối năm 2019, được sự tín chấp của tổ chức Đoàn, mỗi thanh niên được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để mua bò giống về chăn nuôi. Lúc đầu, có 6 đoàn viên thanh niên vay vốn mua bò và hình thành tổ hợp tác với tổng cộng chưa đầy 10 con bò. Đến nay, tổ hợp tác đã có 10 thành viên tham gia với đàn bò gần 30 con. Các đoàn viên, thanh niên trong tổ hợp tác cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm chuồng trại, mua con giống, chia sẻ vốn, kỹ thuật kinh nghiệm, nguồn thức ăn và đầu ra để chăn nuôi bò theo hướng bền vững. Là thành viên Tổ hợp tác, các hộ được tham gia những buổi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm làm ăn để nâng cao trình độ chăn nuôi, sản xuất, hạn chế được rủi ro, giảm chi phí sản xuất; đồng thời, nâng cao năng suất và lợi nhuận từ đàn bò. Bên cạnh đó, tổ hợp tác cũng đã tạo điều kiện cho các tổ viên tham quan, học tập kinh nghiệm của các đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp tác có liên quan trên địa bàn để học hỏi kiến thức về chăn nuôi; cung cấp, hướng dẫn cho các tổ viên chấp hành các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để sản xuất theo hướng bền vững. Qua đó cũng nhằm cải thiện đời sống của người chăn nuôi bò, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Theo anh Ha Săm, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò của thanh niên tổ dân phố B’Nông Rết, trước đây, gia đình anh chủ yếu làm vườn và chăn nuôi nhỏ lẻ để tự cung, tự cấp là chính. Sau khi được tổ chức Đoàn hỗ trợ vay vốn mua bò giống và vận động thành lập tổ hợp tác, anh đã không ngần ngại tham gia ngay. Sau khi được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi, anh và các thanh niên khác trong chi đoàn đã huy động thêm kinh phí gia đình để mua bò giống về nuôi sinh sản và bò thịt. Với bò sinh sản, sau khi sinh và nuôi được 7 tháng, gia đình các thành viên tổ hợp tác bán cho thương lái khoảng trên dưới 30 triệu đồng 1 con bê đực, còn bê cái thì trên dưới 20 triệu đồng 1 con. Vừa qua, gia đình anh đã bán 5 con bê được hơn 130 triệu đồng để thêm kinh phí xây dựng nhà mới ra ở riêng và xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi. Tham gia tổ hợp tác được chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn bò gia đình anh phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài bán bò giống và bò thịt thì phân bò cũng tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên tổ hợp tác với giá bán 40 ngàn đồng 1 bao. Nếu gia đình nuôi 5 con bò thì mỗi tháng cũng thu được khoảng 60 – 70 bao phân. Một lợi thế nữa của những thành viên Tổ hợp tác nuôi bò tại địa phương đó là nguồn thức ăn dồi dào từ cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Còn nguồn bê giống được cung cấp từ các hộ chăn nuôi trong tổ hợp tác hoặc các hộ từ nuôi bò mẹ để tự cung tự cấp con giống. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, nên đàn bò của tổ viên tổ hợp tác phát triển tốt, chất lượng đảm bảo và được các thương lái ưa chuộng. Hiện nay, khi đàn bò đạt trọng lượng xuất chuồng, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, thương lái sẽ đến thu mua tận chuồng với giá cả ổn định.

Chị Trần Thị Hồng Hạnh – Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà cho biết, Tổ hợp tác chăn nuôi bò của đoàn viên thanh niên người Cil ở tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Hiện nay, Huyện Đoàn Lâm Hà đang động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nói chung và thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển chăn nuôi, sản xuất ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

DUY DANH (Báo Lâm Đồng)


Hà Nội: Toàn thành phố có 557 trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng kín

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 557 trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

Để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch khu chăn nuôi theo vùng, xã, trọng điểm, xa khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng chăn nuôi tập trung; ưu đãi về thuê đất, mặt nước để thực hiện dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu đối với cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Báo Hànộimới


Cần Thơ: Giá trứng gia cầm tăng

Giá nhiều loại trứng gia cầm như trứng gà, trứng vịt tại các địa phương vùng ÐBSCL hiện tăng ít nhất từ 2.000-5.000 đồng/chục (10 trứng) so với cách nay khoảng 2 tuần.

Thương lái thu mua trứng vịt của người dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long…, trứng vịt tươi (trứng vịt ta) và trứng gà ta được bán lẻ tại nhiều chợ và điểm kinh doanh trứng gia cầm ở mức 28.000-35.000 đồng/chục; còn trứng vịt lộn có giá 38.000-45.000 đồng/chục. Giá trứng gà công nghiệp được bán lẻ tại nhiều nơi ở mức từ 26.000-32.000 đồng/chục; còn trứng cút 7.500-8.000 đồng/chục. Trong khi đó, giá trứng vịt ta và trứng gà công nghiệp được nông dân bán buôn cho thương lái ở mức từ 20.000-24.000 đồng/chục. Giá nhiều loại trứng gia cầm tăng do gần đây được tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang tăng tại nhiều địa phương trong nước, cũng như phục vụ xuất khẩu. Thời điểm này, nguồn cung các loại trứng gà và vịt tại nhiều địa phương cũng giảm so với trước do người dân giảm nuôi, từ đó cũng góp phần tạo điều kiện cho giá nhích lên, nhất là khi gần đây giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi đã tăng mạnh.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Giảm giá thành trong chăn nuôi?

Một chủ trang trại chăn nuôi heo cho biết, cơ cấu giá thành chăn nuôi heo gồm: con giống, thức ăn, thuốc thú y, điện, nước, nhân công, khấu hao đầu tư chuồng trại, lãi suất vốn vay…, trong đó, riêng chi phí thức ăn chiếm từ 70-80%. Với giá thức ăn từ 330-360 ngàn đồng/bao 25kg như hiện nay, để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng, phải tiêu tốn gần 4 triệu đồng, cộng tiền heo giống, tiền công, vắc xin phòng bệnh, khấu hao chuồng trại…, chi phí nuôi 1 con heo hơn 5 triệu đồng. Giá bán heo hơi hiện nay từ 53-54 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi thu lãi rất thấp, thậm chí khi giá giảm thì chỉ huề vốn hoặc không có lãi.

Trên thực tế thời gian qua cho thấy, mọi chi phí đầu vào trong sản xuất chăn nuôi đều tăng. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu nên càng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao. Muốn có lợi nhuận, bắt buộc người chăn nuôi phải tính toán đến phương án giảm giá thành. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc tự trộn thức ăn bằng các nguyên liệu có sẵn như: bắp, cám gạo, khoai mì… thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường đang được nhiều chủ trang trại áp dụng đã tiết kiệm được 20-25% so với dùng thức ăn công nghiệp. Cùng với đó là áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự sản xuất con giống, thức ăn; tự tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho gia cầm, gia súc, nhờ vậy giá thành giảm được thêm khoảng 20%.

Để gỡ khó cho khâu đầu vào của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để giảm nguồn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm giá thành chăn nuôi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao được năng suất, tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trong chăn nuôi. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào như gạo, bắp, đậu… thì giải pháp tự sản xuất thức ăn chăn nuôi là không quá khó, đây cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành chăn nuôi trong nước. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là “tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu”. Muốn làm được điều này, cần thêm các chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, các chuỗi giá trị trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần tăng cường xây dựng liên kết thông qua các HTX, tổ hợp tác… để tiếp cận vào chuỗi của DN giúp chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung – cầu. Từ đó, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập đầu vào nhập khẩu như hiện nay.

NGÔ GIA (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts