|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (11/02 – 20/02/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 11/02-20/02/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 11/02/2022 – 20/02/2022.

Giá thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi tăng cao

Ðầu tháng 2-2022 đến nay, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo và gia cầm đã tăng thêm từ 240-400 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 6.000-10.000 đồng/bao 25kg.

Tính chung, từ tháng 11-2020 đến nay, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã có khoảng 10 lần điều chỉnh tăng giá, với mức tăng tổng cộng khoảng 70.000-100.000 đồng/bao, tùy loại. Theo đó, hiện giá bán lẻ nhiều loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường đang ở mức rất cao. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL, nhiều loại thức ăn gia súc của các thương hiệu như: Hi-Gro, An Co, Green Feed, Dabaco… có giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 270.000-290.000 đồng/bao đối với thức ăn dành cho heo nái, còn thức ăn dành cho heo thịt ở mức 330.000-360.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá nhiều loại thức ăn dành cho heo con từ lúc tập ăn đến lúc đạt 15 kg/con hiện đã ở mức 450.000-470.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc dành cho heo (thức ăn cho hàm lượng chất dinh dưỡng cao) có giá lên đến 600.000-700.000 đồng/bao. Ðể nuôi một con heo đạt 100kg, người chăn nuôi phải tốn khoảng 10 bao thức ăn các loại, tương đương với khoảng tiền từ 3,4-3,6 triệu đồng. Theo chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở TP Cần Thơ, gần đây nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo và gia cầm đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm nên cửa hàng bán lẻ phải tăng giá theo. Lý do tăng giá được các doanh nghiệp nêu ra là bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi heo, nhất là khi gần đây giá bán heo hơi vẫn còn ở mức thấp, chưa đảm bảo cho người nuôi heo có lời. Hiện giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL chỉ ở mức từ 54.000-57.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Cát Tiên (Lâm Đồng): Khai thác tiềm năng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò

Với những tiềm năng sẵn có, cùng với những định hướng phát triển ngành Nông nghiệp, huyện Cát Tiên đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao trên địa bàn.

NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Cát Tiên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 13.107 ha (gồm: diện tích cây lâu năm 6,760 ha, cây hàng năm khác 6.347 ha), diện tích đất lâm nghiệp 27.254 ha.

Đến nay, toàn huyện Cát Tiên đã phát triển diện tích cây ăn trái lên đến 1.047 ha. Trong đó, một số loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, như: Cây sầu riêng 300 ha với diện tích kinh doanh trên 100 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; cây chôm chôm 230 ha với diện tích kinh doanh 210 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, sản lượng 5.250 tấn/năm; cây măng cụt 55 ha với diện tích kinh doanh 55 ha, năng suất 4,5 tấn/năm, sản lượng khoảng 247,5 tấn/năm và còn lại là một số cây ăn trái khác.

Về tổ chức sản xuất, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực cây ăn trái gồm: HTX cây ăn trái Quảng Ngãi – xã Quảng Ngãi, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đức Phổ – xã Đức Phổ, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm – xã Đồng Nai Thượng. Thông qua các hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nhiều hộ dân đã áp dụng có hiệu quả kỹ thuật canh tác từ các khâu như: giống, chăm sóc, tưới, bón phân… cho năng suất, chất lượng khá, sản lượng ổn định.

Qua đánh giá, hiện nay, trên địa bàn huyện có tiềm năng lớn để phát triển vùng nguyên liệu của một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cụ thể như: Cây chôm chôm, măng cụt ở xã Đức Phổ; cây sầu riêng, cây bơ xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Nam Ninh, Đức Phổ; cây bưởi da xanh tại xã Quảng Ngãi… Đây là những địa bàn được đánh giá có điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, quỹ đất để thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Dự kiến, đến năm 2025, trên địa bàn huyện Cát Tiên sẽ có khoảng trên 1.500 ha cây ăn trái các loại.

Trong khi đó, qua thống kê, tổng đàn bò quý I/2022, trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 9,802 con/2.703 hộ chăn nuôi. Trong đó, số lượng bò lai là 9,622 con/2,622 hộ chăn nuôi (chiếm 98,16% tổng đàn); nhiều hộ gia đình thường xuyên duy trì tổng đàn từ 10 đến 30 con bò sinh sản, bò vỗ béo, đạt trọng lượng trung bình trên 400 kg, đặc biệt đàn bò thịt giống BBB cho thu nhập ổn định.

Qua khảo sát, hiện nay, một số địa phương như: xã Quảng Ngãi, xã Đức Phổ, xã Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát là địa bàn có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để có thể phát triển thêm diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, tại các xã Tiên Hoàng, Nam Ninh đều có thể thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây lúa kém hiệu quả, hay một số diện tích trồng cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ với tổng diện tích lên đến 650 ha. Bên cạnh đó, địa bàn huyện Cát Tiên có lợi thế nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ của trên 9.000 ha lúa, cây ngô trên 400 ha để làm nguồn cung cấp thức ăn thô phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa của huyện.

NỖ LỰC KÊU GỌI ĐẦU TƯ

Với việc xác định tập trung phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao là bước đột phá chiến lược phát triển kinh tế, huyện Cát Tiên đang kêu gọi thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào địa phương. Qua đó, giúp huyện Cát Tiên khai khai thác tối đa tiềm năng, vừa trở thành động lực lớn, tiếp thêm luồng sinh khí mới vào ngành Nông nghiệp, góp phần hướng tới phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến huyện Cát Tiên, bày tỏ mong muốn được đầu tư nhằm tìm hướng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Ông Phạm Tuấn Hiệp – Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt chia sẻ: Hiện nay, dư địa để phát triển ngành Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rất lớn. Trong đó, huyện Cát Tiên là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong thời gian đến, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ thực hiện xúc tiến hỗ trợ nông dân trong chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi bò sữa và khai thác bảo quản sữa, tiến đến xây dựng các trạm thu mua sữa trên địa bàn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực xây dựng phương án sản xuất, liên kết với các hợp tác xã, người nông dân trong sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Đối với vấn đề phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông Đinh Hùng Dũng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Ylang Holding chia sẻ: Để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, UBND huyện Cát Tiên cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản, an toàn, giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, phải đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện để tiến đến xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái đặc sản của địa phương

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Để hiện thực hóa việc phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, trong thời gian đến, huyện Cát Tiên sẽ tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; có các cơ chế thu hút người dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, an toàn cho người tiêu dùng; thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với những vùng có đủ các điều kiện để nâng cao sản phẩm, đáp ứng nhu cầu các thị trường thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, ổn định…

HOÀNG SA (Báo Lâm Đồng)


Bình Thuận: Hướng phát triển chăn nuôi có giá trị kinh tế, thị trường ổn định

Trong thời gian tới, một trong những mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế. Đồng thời, có thị trường ổn định như bò thịt, gia cầm để nâng cao thu nhập cho người trực tiếp chăn nuôi…

Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Bình Thuận hướng đến năm 2025, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 80.000 tấn. Phấn đấu đàn heo ở quy mô từ 315.000 con đến 340.000 con.

Chăn nuôi heo hướng trang trại.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với giết mổ, chế biến tập trung, sử dụng chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt để nâng giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Trong đó, đối với chăn nuôi heo, tỉnh sẽ phát triển các giống cao sản theo hướng vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và gắn với giết mổ tại địa phương. Mặt khác, khuyến khích phát triển đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Xây dựng và triển khai đề án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Song song, xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh. Xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kể cả cơ sở dự kiến phát triển mới. Riêng bò thịt, phát triển theo hình thức trang trại, gia trại gắn với phát triển trồng cỏ tập trung. Cùng với đó, đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống bò thịt cao sản. Song song việc đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo, xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò. Trong đó, tập trung phát triển đàn bò tại các địa phương trọng điểm ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Phấn đấu đàn bò đạt 172.000 con, bảo đảm chất lượng cao.

Cùng với bò và heo, tỉnh cũng xác định chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp, cải tạo và phát triển các giống có hiệu quả kinh tế cao. Đặt mục tiêu tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 11.500 tấn, khoảng 91 triệu quả trứng. Ngoài ra, phát triển nuôi chim yến gắn với chế biến theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với vùng nuôi chim yến, bảo đảm môi trường. Phát triển một số vật nuôi khác như heo đen, dông… phù hợp lợi thế của địa phương và có thị trường tiêu thụ.

Đề xuất các giải pháp

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị kinh tế, một trong các giải pháp là hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi. Trong đó, xác định rõ vùng phát triển chăn nuôi, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đối với các con nuôi chủ lực như heo, bò thịt, gia cầm, chim yến…

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị các địa phương rà soát, phát triển các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người trực tiếp chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Cùng với đó, nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Chọn các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với địa phương, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường. Trong đó, cần chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa như heo đen, dông khu Lê. Song song, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất chăn nuôi và công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm động vật. Nhất là đẩy mạnh hình thức nuôi với quy mô công nghiệp, trang trại. Từng bước nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ. Đổi mới tổ chức sản xuất, nhất là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn đủ năng lực, khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín…

KIỀU HẰNG (Báo Bình Thuận)


Tây Ninh: Không để các loại dịch bệnh trên động vật xảy ra diện rộng 

Sáng 11.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2022. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các cơ quan chuyên môn.

Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn nhiều phức tạp

Theo Cục Thú y, năm 2021, tổng đàn gia cầm trên cả nước khoảng 515 triệu con (tăng 5,8% so với năm 2020), 28 triệu con heo (tăng 7,1%), 6,5 triệu con bò (bò sữa đạt 375,2 ngàn con, tăng 13,2%), đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả.

Luỹ kế, cả nước hiện có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều loại dịch bệnh bùng phát và lây lan tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 125 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ hơn 457 ngàn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 4 ổ dịch CGC A/H5N1 tại Quảng Nam, Quảng Bình và Thành phố Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu huỷ là 13.600 con. Các ổ dịch này đều chưa qua 21 ngày.

Trên đàn heo, cả nước đã có 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố có xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi, buộc tiêu huỷ 388.668 con, cao hơn 3,2 lần so với năm 2020. Riêng từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi tiếp tục bùng phát và lây lan rộng tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ 19.628 con heo. Đến nay, cả nước có 168 ổ dịch tả heo châu Phi tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong năm qua, cả nước có 89 xã của 18 tỉnh, thành phố xảy ra ổ dịch lở mồm long móng; số gia súc mắc bệnh là 3.407 con, trong đó, 349 con bị chết và buộc phải tiêu huỷ (số ổ dịch giảm 2,3 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần so với năm 2020).

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh phát sinh 1 ổ dịch lở mồm long móng đã được địa phương khống chế, không để lây lan thêm. Hiện nay, cả nước không có dịch lở mồm long móng.

Cũng trong năm 2021, dịch viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra và bùng phát mạnh tại 4.349 xã của 55 tỉnh, thành phố trên cả nước; số gia súc mắc bệnh là 207.687 con, làm chết và tiêu huỷ 29.182 con trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, dịch VDNC xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ 15 con trâu, bò. Tính đến nay, cả nước còn 8 ổ dịch tại 2 huyện của 2 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Về tình hình bệnh dại trên người, trong năm 2021, cả nước có 53 người tại 28 tỉnh, thành phố tử vong vì bệnh dại, giảm 25 trường hợp so với năm 2020. Tổng số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 531.204 người. Công tác giám sát trên chó nghi mắc bệnh dại được thực hiện tại 11 tỉnh, thành với 222 mẫu, trong đó có 78 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 35,13%.

Theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao, do tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, hình thức chăn nuôi hộ gia đình còn phổ biến với quy mô nhỏ lẻ, mật độ cao, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng gia súc giống không rõ nguồn gốc; các loại virus gây bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ; đường lây truyền bệnh phức tạp và khó kiểm soát, trong đó, dịch tả heo châu Phi đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ heo mắc bệnh và chết cao nhưng chưa có vaccine và thuốc chữa trị.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi gia tăng mạnh vào các tháng đầu năm; tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

Kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Thuỷ sản và các địa phương chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống có hiệu quả dịch Covid-19, vừa bảo vệ, phát triển sản xuất. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương bố trí nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm.

Các cơ quan chuyên môn ngành chăn nuôi, thú y hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập.

Đồng thời, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Các địa phương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại thuốc thú y, vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 con trâu, 100.000 con bò, 218.487 con heo; 8.935.000 con gia cầm; 585 ha nuôi trồng thuỷ sản; có 612 trang trại gia súc với tổng đàn 192.578 con, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5.685.181 con.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 188.530 tấn, tăng 3,7%; sản lượng trứng gia cầm đạt 600 triệu quả, tăng 7,5%; sản lượng sữa bò tươi đạt 58.600 tấn, tăng 5,9%; sản lượng thuỷ sản 13.638 tấn, bằng 96,5% so với năm 2020.

Tây Ninh hiện có một huyện (Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 62 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch viêm da nổi cục trâu, bò tại 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 16.316 con; làm chết và huỷ 1.913 con, đến nay, toàn tỉnh không xảy ra ổ dịch mới.

Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi tái bùng phát tại 41 xã của 6 huyện, thị xã, thành phố, làm chết và huỷ là 5.091 con heo. Đến nay, đã có 35 xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh mới; 3 huyện, thị xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh mới (Hoà Thành, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh).

Bệnh cúm gia cầm xảy ra 1 ổ dịch; ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý, không lây lan ra diện rộng. Bệnh dại trên chó xảy ra 3 ổ dịch bệnh tại huyện Tân Biên, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Minh Dương (Tây Ninh Online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts