|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (01/04 – 10/04/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/04-10/04/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/04/2022 – 10/04/2022.

Vĩnh Long: Thúc đẩy chăn nuôi heo bền vững

Dịch bệnh tiềm ẩn, giá con giống, thức ăn tăng cao, trong khi giá heo hơi “giậm chân tại chỗ” khiến người chăn nuôi liên tục gặp khó. Để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, đòi hỏi người chăn nuôi, ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhiều khó khăn

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững chăn nuôi heo.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015- 2021, tăng trưởng đàn heo có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất. Theo đó, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc phải nhập khẩu thịt heo, thậm chí cả heo sống về giết mổ làm thực phẩm.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 346.000 con heo sống từ Thái Lan và trên 143.000 tấn thịt heo từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức, Ba Lan. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng khiến ngành chăn nuôi gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao.

Theo ngành chăn nuôi, với giá nguyên liệu thức ăn tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18- 22% khiến lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có nhiều hộ thua lỗ nặng. Hiện, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65- 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi heo theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững, vẫn còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, mức độ an toàn sinh học rất hạn chế.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục với khoảng 7 lần lên giá, từ 2.900- 3.100 đ/kg đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, thu nhập của người chăn nuôi heo. Giá con giống trong năm qua cũng tăng 1,5- 2 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, giá heo hơi lại giảm từ 2- 3 triệu đồng/tạ so với năm 2020, chỉ từ 5,3- 5,5 triệu đồng/tạ (năm 2020 giá từ 7,5- 8,5 triệu đồng/tạ).

Mặt khác, tình hình dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp. Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành chăn nuôi heo của tỉnh, dẫn đến tốc độ tăng trưởng rất chậm trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Ngành chăn nuôi heo đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thứ nhất là, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng nhanh do chi phí vận chuyển tăng cao và nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn rất hạn chế.

Thứ hai là, giá thành sản xuất tăng trong khi giá sản phẩm chăn nuôi không tăng, sức tiêu thụ sản phẩm sụt giảm mạnh do tình hình dịch bệnh làm giảm lượng tiêu thụ.

Thứ ba là, dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn đang là mối đe dọa đến rất lớn, đây cũng là nguyên nhân chính làm cho người chăn nuôi không dám đầu tư tái đàn hay mở rộng.

Chủ động đón cơ hội mới

Theo Cục Chăn nuôi, bên cạnh những khó khăn thì thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng có nhiều thuận lợi, cơ hội mới. Cụ thể như, chăn nuôi heo nói riêng, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đã có khung thể chế tương đối hoàn thiện với Luật Chăn nuôi có phạm vi điều chỉnh bao trùm hầu hết các hoạt động ngành chăn nuôi.

Đồng thời, ngành chăn nuôi có thị trường tiêu thụ rộng lớn và đang tăng trưởng. Đây chính là cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi heo phát triển hiệu quả.

Song song đó, sản phẩm chăn nuôi heo ngoài đáp ứng thị trường nội địa thì đã có xuất khẩu, như: thịt heo choai, heo sữa…

Sự phát triển của khoa học công nghệ trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Dù vậy, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng lẫn người chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm: Bên cạnh việc khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào chăn nuôi, tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, thì đề xuất đối với Bộ Nông nghiệp- PTNT cần đưa nhóm hàng thức ăn chăn nuôi vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá để giảm bớt áp lực cho người chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào giúp người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn.

Đồng thời, sớm đưa ra thị trường vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất phát triển chăn nuôi, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Phùng Đức Tiến, cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc cần tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn; khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học- công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Vĩnh Long hiện có trên 238.000 con heo, tăng 0,44% so cùng kỳ năm trước và tăng 2,37% (tăng trên 5.500 con) so với năm 2020. Trong đó quy mô trang trại có 314 cơ sở với trên 30.100 con, tăng 93 trang trại so với năm 2021. Từ năm 2021 đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xử lý 20 ổ dịch với trên 1.000 con phải tiêu hủy (từ đầu năm đến nay tỉnh đã xảy ra 7 ổ dịch 234 con/11 hộ nuôi heo).

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)


Hưng Yên: Giải pháp khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Từ năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người chăn nuôi. Để chủ động khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp và hộ chăn nuôi đã triển khai nhiều giải pháp giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Ông Văn Đức Dũng, xã Liên Khê (Khoái Châu) học cách tự phối trộn thức ăn cho đàn lợn của gia đình 3 năm nay. Nhờ cám trộn mà gia đình ông đã vượt qua được giai đoạn “bão giá” thức ăn chăn nuôi. Ông Dũng chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 1 nghìn con lợn các loại. Do giá đầu vào của con giống, thức ăn, thuốc thú y thường xuyên biến động nên tôi đã lựa chọn giải pháp tự phối trộn thức ăn để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Học hỏi công thức, kỹ thuật từ các nhà sản xuất premix, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sau đó gia đình đầu tư một máy nghiền, một máy trộn, tìm mua các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương như: Ngô, cám gạo, đậu tương, cá khô, các loại vitamin và khoáng chất rồi học hỏi cách phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Với cách làm này, gia đình tôi tận dụng được nhân công dôi dư, cắt giảm được các khâu trung gian, giá cám giảm khoảng 2 nghìn đồng/1kg so với việc mua cám viên của các công ty.

Bà Nguyễn Thị Phái, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để kết hợp với thức ăn công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Phái cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 13 con bò BBB, 30 con lợn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên tôi xác định “lấy công làm lãi”, tận dụng cám gạo từ quá trình xay xát, tôi phối trộn thêm với thân cây chuối, cỏ voi, cám công nghiệp để làm thức ăn cho bò. Cùng với đó, tôi tận dụng bã rượu của các hộ nấu rượu ở cùng địa phương để làm thức ăn cho lợn. Kết hợp các phụ phẩm nông nghiệp với thức ăn công nghiệp, mặc dù vật nuôi lớn chậm hơn so với cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn nhưng tôi không phải lo lắng về chi phí thức ăn và tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, do thời gian nuôi dài hơn, thức ăn phần lớn là hữu cơ, gần gũi với thiên nhiên nên sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với thị trường.

Từ năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá trên 10 lần, mỗi đợt tăng từ 200 – 350 đồng/kg. Mặc dù Chính phủ đã có quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 đợt. Nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi trong nước tăng giá là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nước trên thế giới gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, cuộc xung đột quân sự giữa các nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới là Nga và Ukraine đã làm giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn tăng mạnh. Ngoài ra, giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Qua thực tế sản xuất của các hộ chăn nuôi, ở thời điểm giá cám công nghiệp tăng cao như hiện nay, sử dụng thức ăn phối trộn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 – 20%, người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này nhằm giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt. Ngoài ra, người chăn nuôi sẽ dễ dàng kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh. Do vậy, rất phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không kháng sinh.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng thức ăn phối trộn cũng có một số hạn chế nhất định bởi lựa chọn công thức trộn thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi và từng giai đoạn vật nuôi là điều không dễ với các trang trại. Do vậy, để việc sử dụng thức ăn phối trộn đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn tại địa phương để phối trộn, bảo đảm đầy đủ các yếu tố: Đạm, năng lượng, vitamin, khoáng chất. Nguyên liệu trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ, các nguyên liệu như: Ngô, cám, đậu tương, khô dầu, bột cá… phải bảo đảm chất lượng, không bị nấm mốc, ẩm, vón cục, biến màu. Cần dựa vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều để bảo đảm chất lượng của thức ăn. Bên cạnh đó, người dân cần phối trộn thức ăn theo công thức phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi, mục đích chăn nuôi và từng lứa tuổi của vật nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn vật nuôi để điều chỉnh công thức phối trộn phù hợp. Về lâu dài, để chăn nuôi phát triển bền vững, các hộ dân cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi để hình thành các mối liên kết trong quá trình sản xuất giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Hoa Phương (Báo Hưng Yên)


Bà Rịa – Vũng Tàu: “Chìa khóa” để chăn nuôi phát triển bền vững

Ngành nông nghiệp và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Minh Lý (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) gắn bó với nghề chăn nuôi gà hơn 8 năm. Trung bình 1 năm ông thả nuôi 2 lứa gà, khoảng 3.000 con/lứa. Sau khi trừ chi phí, ông Lý thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/lứa. Với phương pháp nuôi bằng thảo dược, cùng với việc luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch nên đàn gà của gia đình ông luôn mạnh khỏe, ít dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp.

Theo ông Lý, trong chăn nuôi quan trọng nhất là làm sao cho đàn gà khỏe mạnh, nên cứ 1 tuần ông lại phun xịt khử trùng chuồng trại hai lần, rải vôi các lối đi và luôn tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gà. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch nên lứa gà nào ông nuôi cũng thành công.

“Phương pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm rất là quan trọng quyết định yếu tố thành công trong chăn nuôi. Tuy gia đình tôi chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình nhưng trại nuôi luôn thực hiện đầy đủ các giải pháp chăn nuôi ATDB. Gia cầm khi nhập về giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, dùng đủ và đúng các loại vacxin, thuốc thú y, thường xuyên sát trùng chuồng trại và nâng sức đề kháng cho đàn gia cầm, nên hạn chế được rất lớn rủi ro về dịch bệnh”, ông Lý chia sẻ.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Trong ảnh: Nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức) phun khử chuồng trại nuôi gia cầm.

Hơn 10 năm chăn nuôi heo, ông Phan Văn Hiếu (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cho rằng, nếu không nuôi theo phương pháp ATDB thì nguy cơ heo nhiễm bệnh khá cao, rủi ro lớn. Do đó, từ năm 2017, ông Hiếu đã chủ động chăn nuôi theo phương pháp ATDB, với mục tiêu giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa đảm bảo yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Nhờ tuân thủ các quy định về an toàn nuôi, từ năm 2019, thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh cho đến nay, đàn heo của gia đình ông vẫn an toàn, không bị nhiễm bệnh. Hiện gia đình ông Hiếu đang duy trì đàn heo trên 100 con, trong đó gần 20 heo nái và hơn 80 heo thịt. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán 20 con heo, sau khi trừ các chi phí ông lãi gần 20 triệu đồng/tháng.

Tuân thủ việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Hiếu chủ động tiêu độc khử trùng đúng theo chu kỳ, 2-3 lần/tuần, không cho người lạ vào trại, không nhập heo không có nguồn gốc, thức ăn và xe chở cám thì phải xông sát trùng có như vậy dịch bệnh mới không vào chuồng mình được.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật và thủy sản năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước phải tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước tiến tới xây dựng và nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Theo ngành nông nghiệp, hiện tổng đàn heo toàn tỉnh trên trên 367 ngàn con, 6,43 triệu con gia cầm, hơn 52.200 con trâu, bò và hơn 92.720 con dê, cừu. Năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 102.200 tấn, tăng 3,1% so năm 2020. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt 3.775 tỷ đồng, tăng 3,41% so với năm 2020. Hiện ngành chăn nuôi đang chiếm 43,6% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 150 cơ sở chăn nuôi ATDB. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy mô trang trại vẫn chỉ chiếm khoảng 30% tổng đàn, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ.

Vì vậy, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập, tỉnh tiếp tục định hướng phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín… để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp và bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

“Trước tình hình diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, khó lường thì việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB là cần thiết. Trong quá trình xây dựng, chúng ta tiến hành song song nhiều giải pháp như: tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, kiểm soát nguồn lây từ ngoài vào, giám sát chủ động dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc gia cầm phát triển tốt và chăn nuôi bền vững”, ông Trung thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)


Bến Tre: Chăn nuôi bò sữa ở vùng ven biển

Chăn nuôi bò tại tỉnh phát triển mạnh với tổng đàn hơn 230 ngàn con, chủ yếu chăn nuôi bò cái sinh sản và nuôi lấy thịt. Những năm gần đây, nông dân các huyện ven biển tại tỉnh được hướng dẫn thêm nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho hộ dân.

Nâng cao thu nhập

Gắn liền với con bò sữa từ khi triển khai Dự án phát triển đàn bò sữa tại tỉnh vào cuối tháng 12-2016, đến nay, ông Võ Văn Lai, xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri đã nâng tổng đàn bò sữa của gia đình lên 22 con, trong đó có 6 con đang cho sữa, 7 con chuẩn bị sinh sản. Ông Lai cho biết: Trước đây gia đình có 5.000m2 đất trồng lúa, ông nuôi thêm 3 con bò vàng sinh sản. Tuy nhiên, từ trồng lúa thấp, nuôi bò vàng 1 năm cho thu nhập 1 lần. Khi nghe triển khai dự án nuôi bò sữa, ông Lai mạnh dạn đăng ký tham gia. Nhờ chăm học hỏi, chịu khó áp dụng đúng kỹ thuật hướng dẫn, đàn bò sữa của ông Lai luôn phát triển tốt, cho sữa chất lượng. Mỗi ngày 6 con bò cho hơn 90kg sữa, mỗi tháng ông Lai thu nhập hơn 20 triệu đồng (sau khi trừ chi phí vật tư, không tính công chăm sóc).

Anh Trần Văn Cường, xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú) chăm sóc đàn bò sữa.

Ông Lai so sánh, nuôi bò vàng sinh sản 1 năm mới có thu nhập, trong khi đó, nuôi bò sữa tạo nguồn thu nhập hàng ngày ổn định cho gia đình. Ông Lai cho hay, nhận thấy hiệu quả từ nuôi bò sữa, ông đã mạnh dạn chuyển đất trồng lúa của gia đình sang trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh đó, ông thuê thêm 5.000m2 đất trồng cỏ nuôi bò, đầu tư thêm chuồng trại, tăng số lượng đàn bò để tạo thu nhập tốt hơn cho gia đình. Ông Lai chia sẻ, lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con đi học. Cuối năm 2021, ông Lai xây dựng được căn nhà khang trang cho gia đình.

Từ 6 con bò sữa ban đầu khi tham gia Dự án phát triển đàn bò sữa được triển khai nhân rộng tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú vào tháng 7-2020, đến nay, anh Trần Văn Cường, xã Mỹ Hưng đã phát triển đàn bò sữa lên 27 con. Anh Cường chia sẻ, trước đây anh chăn nuôi bò vàng, nuôi dê lấy thịt cho thu nhập hiệu quả. Tuy nhiên, khi Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh mở rộng sang huyện Thạnh Phú, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Với 6 con bò sữa từ dự án hỗ trợ, cùng vốn tích lũy từ chăn nuôi bò, dê trước đây, anh Cường đầu tư chuồng trại, thức ăn… học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước đó, qua mạng, đến nay anh Cường nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Theo anh Cường, nuôi bò sữa cần nhiều công chăm sóc, đầu tư chuồng trại, kỹ thuật, nhưng đổi lại thu nhập cao hơn chăn nuôi bò vàng. Anh Cường cho biết: Mỗi ngày, anh thu từ 80 – 100 lít sữa bò. Có con bò cho sữa lúc cao điểm lên tới 27 lít/ngày. Trạm trung chuyển sữa Vinamilk tại huyện Ba Tri đang tiêu thụ sữa của đàn bò nhà anh và các thành viên tham gia dự án với giá khoảng 14 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, chỉ riêng phần sữa bò, anh thu về từ 35 – 40 triệu đồng.

Phát triển bền vững

Giám đốc Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre (HTX) Trần Thị Tuyết Anh cho biết: HTX có 110 xã viên tham gia nuôi bò sữa, với tổng đàn hơn 2.500 con, trong đó ký kết bán sữa với Công ty sữa Vinamilk 1.500 con. Năng suất bình quân 10 tấn sữa/ngày. Các hộ nuôi bò sữa có khai thác sữa không ngừng mở rộng quy mô, bình quân 12 con/hộ. Có 2 hộ nuôi trên 50 con, bán sữa trên 200kg/ngày. Hiện nay, đàn bò sữa đã được nhân rộng sang xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú), với tổng đàn khoảng 120 con, 9 hộ có bò đang cho khai thác sữa.

Bà Trần Thị Tuyết Anh chia sẻ, HTX tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn con giống chăn nuôi bò sữa, liên kết, hợp tác với Công ty sữa Vinamilk bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân để họ an tâm chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi bò sữa đã thành lập 65 nhóm để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa. Đồng thời, thành lập quỹ để giúp những hộ khó khăn mượn vốn trồng cỏ, tạo sinh kế ban đầu khi chưa có thu nhập. Ngoài ra, HTX kết nối công ty tổ chức hội thảo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Tổ chức lớp dạy nghề chuyên sâu kỹ thuật thú y chăn nuôi bò sữa cho hộ nuôi bò sữa, giúp xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Với lợi thế nông dân am hiểu chăn nuôi bò vàng từ nhiều năm qua, khi triển khai nuôi bò sữa tại tỉnh được các hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả rất cao. Đây là ngành nghề mới, giúp người dân cải thiện thu nhập, xây dựng chuỗi sản xuất kết nối bền vững từ đầu vào với thị trường tiêu thụ; là mô hình sản xuất được khuyến khích nhân rộng trong hoạt động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

“Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa để đảm bảo đàn bò sữa phát triển tốt về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt, mở rộng dự án sang các địa phương khác có đủ điều kiện nuôi bò sữa để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ tăng quy mô đàn. Xây dựng trang trại bò sữa với quy mô lớn, góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững hơn”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Bài, ảnh: Huỳnh Phúc (Báo Đồng Khởi)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts