|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (01/03 – 10/03/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/03-10/03/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/03/2022 – 10/03/2022.

Long An: Phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh

Những năm gần đây, chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình có xu hướng giảm, nhất là sau đợt dịch tả heo châu Phi (DTHCP) năm 2019. Để chăn nuôi hiệu quả, ngành chăn nuôi tỉnh Long An khuyến khích người dân giảm dần chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn và an toàn.

Phát triển chăn nuôi tập trung

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh – Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện nay, quy mô chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính chất nhỏ, lẻ, phân tán và có nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh cao. Bên cạnh đó, năng suất và hiệu quả chăn nuôi cũng chưa cao; chăn nuôi theo quy trình VietGAP tuy đã được hình thành nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu khả năng cạnh tranh.

Ngành chăn nuôi tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại nằm trong khu vực nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Đây là nơi tập trung đông dân cư, việc xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi. Chuỗi giá trị từ khâu chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm bước đầu được hình thành nhưng chưa được mở rộng và chưa có sự liên kết bền vững, vẫn còn có khoảng cách, thiếu thông tin. Đồng thời, hệ thống thương mại, lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn yếu kém, cộng với tình hình giá thị trường không ổn định đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và hạn chế đầu tư phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh đó, một số bệnh nguy hiểm như DTHCP, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm (GC), lở mồm long móng, viêm da nổi cục,… vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn, là những nguyên nhân gây rủi ro và thiệt hại lớn cho chăn nuôi. Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết (NQ) số 12/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và NQ số 23/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang xây dựng và tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2026 – 2030 trên địa bàn tỉnh. “Định hướng chăn nuôi trong thời gian tới của tỉnh là phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, liên kết và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trong đó, quản lý chăn nuôi theo hướng tập trung là một trong những giải pháp căn cơ để quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ngành chăn nuôi tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động thực hiện việc kê khai trong chăn nuôi để địa phương nắm được số lượng đàn gia súc (GS), GC và có những khuyến cáo, chỉ dẫn chăn nuôi phù hợp với tình hình địa phương” – bà Phượng thông tin.

Kiểm soát dịch bệnh

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 con heo; hơn 120.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con GC. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm GC trên địa bàn tỉnh không xảy ra, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định. DTHCP xảy ra tại 31 hộ thuộc 14 xã của 9 địa phương: Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Châu Thành, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An, với tổng số tiêu hủy là 727 con.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh – Mai Văn On thông tin: “Từ đầu năm 2022 đến nay, DTHCP liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện. Hiện ngành Nông nghiệp huyện tích cực khoanh vùng dập dịch, không để dịch lan rộng. Đồng thời, ngành tăng cường khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi”.

Tiếp tục mở rộng chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh cho biết, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ, lẻ và phân tán nên rất khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi dần phát triển theo xu hướng trang trại, tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, giảm dần chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán. Hiện tại, có 20% GS lớn, 30% GS nhỏ, 60% GC chăn nuôi theo hình thức trang trại.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện, bằng việc chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng, chống thường xuyên nên dịch bệnh tuy có phát sinh nhưng vẫn được kiểm soát và khống chế kịp thời. Hiện tại, trên 95% GS, 90% GC giết mổ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tại cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm tương đối tốt việc cung cấp sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

“Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong thời gian tới là chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi và bảo đảm quy định mật độ trong chăn nuôi; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, công nghệ cao; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì các mô hình chăn nuôi nông hộ bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ. Chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của tỉnh, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng” – bà Khanh cho biết thêm.

Bùi Tùng (Báo Long An Online)


Bến Tre: Kết thúc dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo kết thúc dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp triển khai phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện đảm bảo đủ điều kiện hết dịch bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục được xác định lần đầu tiên vào ngày 9-8-2021, tại một hộ chăn nuôi thuộc ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Sau đó, bệnh lây lan ở 563 hộ, 148 ấp, 53 xã, 8 huyện, thành phố, với tổng số bò bệnh 833 con. Tính từ ngày con bệnh cuối cùng bị tiêu hủy (21-1-2022) đến nay không có ca bệnh mới phát sinh và thực hiện đảm bảo các giải pháp chống dịch, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Thực hiện các giải pháp khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 10 hộ, 9 ấp, 7 xã, 6 huyện, thành phố (Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre) buộc phải tiêu hủy 1.083 con. Tính từ ngày con bệnh cuối cùng bị tiêu hủy (14-1-2022) đến nay, có 6/6 huyện, thành phố (Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm và TP. Bến Tre) đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh và thực hiện đảm bảo các giải pháp chống dịch, cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.

Nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh trong thời gian tới. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh là rất cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện các giải pháp khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh tái phát gây thiệt hại kinh tế.

Tin, ảnh: C. Trúc (Báo Đồng Khởi)


Quảng Trị: Thành công từ nuôi thỏ thương phẩm

Từng thất bại với mô hình nuôi thỏ thương phẩm do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nhưng không vì thế mà anh Trần Hoàng Sa (sinh năm 1992), hiện đang sống tại thôn Hà Lộc, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng bỏ cuộc. Sau nhiều năm chịu khó học hỏi, tìm tòi, hiện tại anh Sa sở hữu 2 trại thỏ với số lượng lên đến hơn 1.000 con.

Vốn là sinh viên ngành kinh tế nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Sa đã đặc biệt quan tâm, thích thú với việc chăn nuôi. Tận dụng khoảng đất vườn còn trống của gia đình, anh mua một ít gà, vịt và thỏ về nuôi để vừa thỏa mãn đam mê, vừa tích lũy kinh nghiệm. Nhưng việc chăn nuôi đối với chàng trai trẻ khi ấy gặp rất nhiều khó khăn. “Vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên số vật nuôi tôi mua về đều chết hết. Trắng tay, tôi quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, cố gắng làm việc, tích lũy vốn cho bản thân”, anh Sa nhớ lại.

Đầu năm 2020, trở về quê với khoản tiền dành dụm được sau 2 năm lao động ở nước ngoài, anh Sa bắt đầu tìm hiểu và khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi một cách bài bản hơn. Thay vì nuôi đa con, anh chọn nuôi thỏ vì thấy đây là loài vật dễ chăm sóc, lại được thị trường nhiều tỉnh ưa chuộng. Sau khi xây dựng trại chăn nuôi đầu tiên với tổng diện tích 60 m2, anh nhập 15 con thỏ lai New Zealand từ Đà Nẵng về nuôi thử nghiệm. Anh Sa chia sẻ: “Nguồn thức ăn cho thỏ khá đơn giản như: các loại rau xanh, tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất dành riêng cho thỏ nhưng nhược điểm của loài động vật này là rất dễ bị bệnh, khi mắc bệnh, thỏ chết rất nhanh nên cần phải tiêm phòng đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng nuôi thỏ cũng phải cao ráo, mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm áp, đảm bảo đủ không khí, ánh sáng”.

Nhờ rút được kinh nghiệm sau lần nuôi đầu tiên cùng với tinh thần chịu khó tìm tòi, học hỏi từ tivi, sách báo và những người có kinh nghiệm, đàn thỏ của anh Sa phát triển rất nhanh. Đầu năm 2021, anh vay vốn ngân hàng và tiếp tục xây dựng trại thỏ thứ 2 có diện tích 100 m2 , chuyên nuôi thỏ giống. Từ một trại thỏ với 15 con ban đầu, đến nay, anh Sa sở hữu 2 trại thỏ với tổng số lượng lên đến 1.000 con, trong đó có 180 con thỏ mẹ, 220 thỏ con và 600 con thỏ thịt. Anh Sa cho biết, thỏ rất dễ sinh sản, thường sinh từ 5 – 7 lứa/năm, mỗi lứa từ 8 – 10 con. Thỏ thương phẩm khoảng 2,5 – 3 tháng đã có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2 – 2,5 kg/con. Giá bán thỏ thương phẩm dao động trong khoảng từ 80 – 100 nghìn đồng/kg tùy loại. Với mô hình này mỗi tháng anh Sa lãi khoảng 15 triệu đồng.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng thỏ bán ra ít hơn so với trước, không nản lòng anh Sa chủ động tìm kiếm thị trường ở các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh và các địa phương như Huế, Đà Nẵng. Được biết, thời gian gần đây, khi cuộc sống bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, lượng thỏ xuất chuồng từ trại thỏ của anh ngày một nhiều và đều đặn hơn. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Sa cho hay: “Tôi sẽ đầu tư nâng cấp 2 trại thỏ của mình, làm nền chuồng bằng đệm lót sinh học để xử lý triệt để phân thỏ và tận dụng bán nguồn phân này cho những nơi có nhu cầu. Cùng với đó nếu thuận lợi tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thuê thêm lao động để nhập nhiều giống thỏ về nuôi”.

Theo Bí thư Xã đoàn Hải Sơn Trương Thị Nhớ, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Sa là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế nổi bật của địa phương trong vòng 2 năm trở lại đây. Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng anh Sa luôn nỗ lực vươn lên, không những duy trì tốt mà còn mở rộng được cơ sở chăn nuôi của mình. Tinh thần dám nghĩ, dám làm ấy được đoàn cấp trên và địa phương đánh giá rất cao.

Trúc Phương (BÁO QUẢNG TRỊ ĐIỆN TỬ)


Đồng Nai: Nguồn cung giảm, giá gà thả vườn cao hơn dịp Tết

Hiện giá gà ta thả vườn bán tại trại của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao với giá 65 ngàn đồng/kg gà trống, 75 ngàn đồng/kg gà mái. Mức giá này cao hơn từ 10-12 ngàn đồng/kg so với cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2022.

Nguyên nhân giá gà ta thả vườn tăng cao do nguồn cung gà giảm mạnh vì các trại gà chủ yếu tập trung xuất hàng vào mùa Tết Nguyên đán 2022. Mặt khác, do thị trường đầu ra gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trại nuôi giảm sản lượng đàn. Lượng gà cung cấp ra thị trường hiện cung ít hơn cầu khiến từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, mặt hàng này liên tục nhích giá. Tuy đang có giá bán tốt nhưng người nuôi gà ta thả vườn vẫn chưa mạnh dạn đầu tư do giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí khác đều đội lên, rủi ro dịch bệnh và thị trường lại lớn.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai điện tử)


Trà Vinh: Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc: Phát huy vai trò cộng đồng

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) liên tiếp xảy ra trong 02 tháng đầu năm 2022, có 47 ấp của 11 xã, thuộc 05 huyện xảy ra dịch bệnh. Nâng tổng số heo bị bệnh từ khi bệnh DTHCP xuất hiện (tháng 9/2021) đến nay xảy ra tại 135 hộ nuôi; qua đó, tiêu hủy 176,34 tấn heo.

Mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chia sẻ: bệnh DTHCP đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh; các vật thể trung gian (chuột, gián; nguồn nước, thức ăn dư thừa trong sinh hoạt gia đình; quần áo bảo hộ trong chăn nuôi…) là những nguồn khó kiểm soát trong việc đưa vi-rút DTHCP xâm nhập từ bên ngoài vào nơi chăn nuôi. Ngành nông nghiệp kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh DTHCP và thực hiện “05 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo mắc bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi heo) và các hình thức chăn nuôi phải áp dụng theo hướng an toàn sinh học (chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, hộ gia đình…).

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay, ông Diêu Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè cho biết: đối với khu vực thị trấn, số hộ nuôi heo rất ít, nhưng việc tiêu thụ và trao đổi, mua bán heo trên địa bàn rất lớn. Công tác quản lý giết mổ, vận chuyển gia súc (đặc biệt là heo) được quản lý và kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ các quy định của ngành thú y. Tuy nhiên, xung quanh thị trấn, việc các hộ bày bán thịt heo nhỏ lẻ lại không được kiểm soát, không rõ nguồn gốc… nên nguy cơ tiềm ẩn về mầm bệnh DTHCP rất lớn, có khả năng làm lây lan cho các hộ chăn nuôi heo. Do đó, cần có sự đồng bộ trong phối hợp thực hiện quản lý và giám sát các hộ giết mổ, bán quầy thịt và lưu thông sản phẩm thịt tại các địa bàn giáp ranh…

Ông Trần Văn Đực, chủ trang trại nuôi heo an toàn sinh học tại ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: mầm bệnh DTHCP xuất hiện và lây truyền phần lớn ngoài cộng đồng, nhất là từ những người trong gia đình, phụ phẩm trong thức ăn dư thừa; gián, chuột… sẽ theo người từ ngoài mang vào chuồng trại chăn nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi heo trang trại hay quy mô lớn, quản lý rất chặt về mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi của mình. Nhưng các hộ nuôi heo nhỏ lẻ, khi heo bệnh hoặc chưa mắc bệnh nếu có mầm bệnh lây vào, thường vận chuyển, giết mổ hay mua bán thịt (đã mang mầm bệnh DTHCP) vào khu vực chưa xảy ra dịch bệnh là rất nguy hiểm.

Ông Trần Văn Đực kiểm tra, giám sát đàn heo nái được nuôi tách biệt với heo thịt, để đảm bảo an toàn nguồn heo giống trước tình hình bệnh DTHCP như hiện nay.

Ghi nhận tại buổi kiểm tra của Sở NN-PTNT Trà Vinh với 02 địa phương có tổng đàn heo lớn nhất của tỉnh là huyện Càng Long (tổng đàn 49.378 con, chiếm 20,38%/tổng đàn heo của tỉnh) và Cầu Kè (61.450 con, chiếm 25,37%/tổng đàn heo của tỉnh), trong đó có trên 80% là nuôi nhỏ lẻ, phân tán.

Ông Mai Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: hiện nay, khi heo bệnh cùng với đó việc khai báo chậm và lo sợ việc tiêu hủy hết đàn heo, nên người nuôi thường giấu dịch và vứt xác heo trên các kênh rạch; nhất là trên tuyến kênh Tổng Tồn (giáp ranh các xã Tân An, huyện Càng Long và xã Thông Hòa, Thành Phú… huyện Cầu Kè). Nên địa phương rất khó xác định nguồn gốc heo chết thả trôi sông, từ đó làm nguy cơ mầm bệnh lây lan rất lớn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là bệnh DTHCP, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay đòi hỏi vai trò của cộng đồng là rất quan trọng; lực lượng và đội ngũ thú y của ngành nông nghiệp sẽ khó đảm nhận đến từng ấp, khóm. Do đó, các cấp chính quyền và các đoàn thể cần tuyên truyền tích cực hơn đến với người nuôi về diễn biến tình hình bệnh DTHCP để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời; hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi khi dịch bệnh xảy ra. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trong việc phối hợp cùng ngành thú y kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc.

Đối với Chi cục Thú y phải cùng địa phương kịp thời xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để ổ dịch mới tại các huyện đang có bệnh DTHCP; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút DTHCP tại các địa bàn có nguy cơ cao để phát hiện mầm bệnh lưu hành trên đàn heo.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)


Tây Ninh công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Ngày 28.2, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 476/QĐ-UBND công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò trên địa bàn tỉnh.

Đầu tháng 7.2021, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, sau đó tiếp tục lan ra trên các địa bàn khác trong tỉnh. Tính đến nay, dịch xảy ra tại 7.429 hộ thuộc 92 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 16.316 con; số trâu, bò chết và tiêu huỷ 1.912 con; 14.405 con điều trị khỏi.

Người dân cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm vaccine cho trâu, bò để hạn chế nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Tây Ninh quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, tập trung tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh và toàn bộ các vùng có nguy cơ cao.

Hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại, diệt các loại côn trùng,… tại khu vực chăn nuôi. Từ đầu tháng 12.2021 trở đi, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch mới.

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đề phòng phát sinh ổ dịch mới, tái phát ổ dịch cũ.

Một con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục.

Các hoạt động sản xuất chăn nuôi, tái đàn, mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trên địa bàn tỉnh trở lại bình thường và thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các quy định pháp luật hiện hành.

Vũ Nguyệt (Tây Ninh Online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts