Điểm tin Chăn Nuôi - Thú Y (11/08 - 20/08/2022)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 11/08-20/08/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 11/08/2022 — 20/08/2022.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên động vật

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến năm 2021, bệnh dại đã làm chết 1.026 người (trung bình mỗi năm có 85 người chết), trên 5,2 triệu người phơi nhiễm và buộc phải điều trị dự phòng. Năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh dại và 531.204 lượt người đến tiêm vaccine sau phơi nhiễm phòng bệnh dại.

Những điều cần biết

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh viêm não tủy cấp tính do virus lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, cào cấu, liếm lên trên da bị trầy xước hoặc vùng niêm mạc. Virus dại từ nước bọt của động vật mắc bệnh dại xâm nhập vào mô qua vết thương theo hệ thần kinh ngoại biên đến thần kinh trung ương tấn công vào bộ não theo thần kinh ly tâm phát tán khắp cơ thể.

BS CKI Lê Phúc Hiển, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm — Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), cho biết: Thời kỳ ủ bệnh dại hiếm khi dưới 9 ngày, trung bình từ 1 đến 3 tháng hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn, khoảng cách vết cắn đến não và số lượng virus xâm nhập.

Nuôi chó phải xích, nhốt, không để chó chạy rông bên ngoài.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng); hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vaccine. Từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 8-2022 có 14.968 lượt người được đưa đến tiêm vaccine ngừa bệnh dại (những người này đều bị chó, mèo, dơi… cào, cắn) tại CDC Cần Thơ. Trong đó có người già và trẻ em bị chó, mèo cắn và cào.

Bà T.N.K (65 tuổi, quận Ninh Kiều), đến tiêm ngừa bệnh dại sau khi bị chó nuôi ở nhà người quen cắn. Bà K cho biết vì đến chơi không chú ý, nên chó thấy người lạ giật mình chạy lại cắn vào chân, bà được người nhà đưa đến trung tâm tiêm vaccine sau bị cắn 2 ngày. Hay trường hợp của em L.Đ.Q (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), vì vuốt ve chó nuôi tại nhà và bị cắn sướt đầu ngón tay. Em L.C.K. (phường Ba Láng, quận Cái Răng) do phụ nhà hàng xóm đẩy đồ, bị chó cắn vào chân, bé rất hoảng sợ và được người thân đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh dại ngay sau đó.

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ em hay tiếp xúc gần gũi với chó, mèo. Vì vậy, cha mẹ cần nhận thức được nguy cơ của bệnh dại cũng như cách xử lý ban đầu khi trẻ bị chó, mèo cắn. Phòng bệnh bằng vaccine dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu, do đàn chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không để chó chạy rông bên ngoài và không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Tại các đô thị, nơi đông dân cư, nuôi chó phải đăng ký với địa phương.

BS CKI Lê Phúc Hiển khuyến cáo, người dân không may bị chó, mèo cắn phải thực hiện các bước như sau: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục từ 10 đến 15 phút. Sau đó sát khuẩn (bằng cồn sát khuẩn thông thường, Povidine…). Không nặn bóp làm dập vết thương, sau đó đưa người bị cắn đến cơ sở tiêm ngừa để được tư vấn và tiêm vaccine. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam để điều trị hoặc nhờ thầy lang khám chữa, lấy nọc. Cần theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 10 ngày (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo. Khi tiêm vaccine phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phòng ngừa bệnh dại, tháng 7-2022 vừa qua Chi Cục chăn nuôi và thú y phối hợp với CDC Cần Thơ tổ chức tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh dại và quản lý đàn chó, mèo nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cán bộ Trạm chăn nuôi, Trạm Y tế, cộng tác viên y tế mạng lưới trên địa bàn thành phố. Các buổi tập huấn được các báo cáo viên triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý, bắt và xử lý chó, mèo thả rông nơi công cộng; phòng, chống bệnh dại trên động vật: Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại trên động vật và hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh dại trên người. Tiêm ngừa vaccine dại là biện pháp duy nhất phòng tránh được tử vong do bệnh dại. Người nuôi chó, mèo phải tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; nhốt cẩn thận, tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Bài, ảnh: DUY LÊ (Báo điện tử Cần Thơ)


Quảng Ngãi: Dịch bệnh gia súc, gia cầm: Diễn biến phức tạp

Mặc dù giá bán gia súc, gia cầm (GSGC) tăng, nhưng các loại dịch bệnh như viêm da nổi cục, dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát khiến người chăn nuôi lo lắng.

Tập trung phòng dịch

Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình bà Trần Thị Trọn, ở xã Bình Long (Bình Sơn), phải tiêu hủy 4 con heo do bị mắc dịch tả heo Châu Phi. Bà Trọn cho biết, khi mới mắc dịch, heo nổi những nốt đỏ, ho và bỏ ăn, nằm một chỗ, sau 5 ngày thì lăn ra chết, ước tính thiệt hại gần 20 triệu đồng. Hiện chưa có vắc xin phòng dịch tả heo Châu Phi, nên biện pháp phòng dịch lúc này chỉ là phun khử khuẩn, rắc vôi quanh chuồng trại để tránh nguy cơ lây nhiễm cho đàn heo còn lại.

Bà Trần Thị Trọn, ở xã Bình Long (Bình Sơn), phun khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi heo.

Lo lắng vì nguy cơ dịch bệnh sẽ tái bùng phát, hằng ngày, ông Nguyễn Văn Linh, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thường xuyên khử trùng chuồng trại với hy vọng dịch bệnh không tấn công đàn gia súc của gia đình. “Tôi vừa mua 4 con heo giống để tái đàn, nhưng thời tiết diễn biến phức tạp, các loại dịch bệnh trên gia súc dễ phát sinh nên phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, ông Linh cho biết.

Trong khi đó, 2 trong 7 con bò của ông Võ Văn Thành, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Ban đầu, bò xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ chăm sóc của cán bộ thú y nên bò đã được chữa khỏi. Để phòng dịch bệnh tái phát, ông đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng cho cả đàn bò.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2022, với 426 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm, trên 26,67 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng. Đồng thời, các địa phương đã chủ động nguồn ngân sách và khuyến khích người dân mua trên 40 nghìn liều vắc xin phòng viêm da nổi cục để tiêm cho đàn trâu, bò.

Diễn biến phức tạp

Nguyên nhân dịch bệnh gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát là do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương còn cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Tại một số địa phương, người dân còn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch. Không những thế, khi có vật nuôi ốm chết, người dân không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy, mà mổ thịt mang đi tiêu thụ, còn chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 cơ sở chăn nuôi ở 2 thôn, thuộc 2 xã của TP.Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng, với số gia cầm tiêu hủy bắt buộc là 4.625 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 222 thôn, thuộc 73 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố, với 1.086 con trâu, bò nhiễm bệnh; chết và tiêu hủy 249 con. Bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở 19 thôn, thuộc 15 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, với 459 con heo mắc bệnh chết và tiêu hủy.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tình hình dịch bệnh GSGC hiện vẫn diễn biến phức tạp. Nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh bằng vắc xin, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp… Để phòng, chống dịch bệnh GSGC hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan, không giấu dịch. Nếu thấy vật nuôi có triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Chú trọng việc tiêm vắc xin để phòng ngừa dịch tả heo Châu Phi. Cán bộ thú y cơ sở và người dân cần theo dõi dịch bệnh, để phát hiện kịp thời, ngăn chặn ổ dịch, tránh lây lan.

Bài, ảnh: NHẬT VY (Báo Quảng Ngãi)


Giá heo hơi: Khó giảm giá như thức ăn chăn nuôi

Sau hơn 1 tuần giảm giá, đến ngày 11/8, giá heo hơi đã đồng loạt tăng trở lại với mức tăng bình quân 1.000 — 2.000 đồng/kg, lên 6 — 7 triệu đồng/tạ (tùy theo vùng). Điều này cho thấy, giá heo hơi vẫn còn biến động khó lường, nhưng còn giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm 2022 đến nay chỉ có tăng chứ chưa hề giảm và theo dự đoán sẽ rất khó giảm từ nay đến cuối năm.

Nếu như giá heo hơi tăng trở lại mức 6 — 7 triệu đồng/tạ (100kg) mang đến cho người nuôi heo niềm vui và sự tự tin để chuẩn bị cho đợt tái đàn phục vụ lễ, Tết cuối năm thì những dự báo về giá thức ăn chăn nuôi khiến người nuôi heo thêm phân vân, lo lắng. Họ lo lắng là có cơ sở, bởi với mức giá con giống và thức ăn chăn nuôi hiện tại, nếu giá heo hơi đạt mức 6 triệu đồng/tạ thì người nuôi mới đạt điểm hòa vốn, còn để có mức lãi như kỳ vọng, giá heo hơi phải đạt từ 7 triệu đồng/tạ trở lên. Gặp lại người viết mới đây, một chủ trang trại nuôi heo ở Phường 8, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) than: “Nuôi heo bây giờ không biết khi nào lời, khi nào lỗ nữa. Tôi gắn bó với nghề này đã hơn 30 năm mà vẫn không sao đoán được khi nào giá lên, khi nào giá xuống dù chỉ trong ngắn hạn, chứ nói chi đến cả một chu kỳ chăn nuôi”.

Giá thức ăn chăn nuôi khó giảm khiến người chăn nuôi phân vân trước thời điểm tái đàn chuẩn bị thị trường cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Cũng theo vị chủ trang trại trên, giá heo hơi đầu năm đến nay còn có lên, có xuống, nhưng còn giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không hề xuống, nên chỉ cần giá heo hơi đi xuống một chút là người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ ngay. Nếu tính tới đợt tăng giá gần nhất thì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 6 lần từ đầu năm đến nay. Còn nếu so với mức giá vào cuối năm 2021 thì giá hiện tại đã tăng gấp đôi, nhưng giá heo hơi thì tăng không tương xứng. Vừa rồi cũng có đợt giá heo hơi tăng lên được đến 7,5 triệu đồng/tạ nhưng sau đó giảm lại và hiện mới nhích lên mức 6,5 triệu đồng/tạ. Mức giá này, nếu đi từ heo nái đến heo thịt thì cũng có lời ở mức khá nhưng nếu mua con giống thì mức lời cũng không còn bao nhiêu. “Giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có tăng, còn giá heo hơi thì biến động lên xuống bất thường khiến tôi đau đầu mấy ngày nay vì chưa biết có nên tái đàn mạnh để “đón gió” dịp cuối năm hay không nữa” — vị chủ trang trại trên chia sẻ.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, việc giảm giá xăng dầu trong nước không tác động nhiều đến giá thức ăn chăn nuôi vì giá xăng dầu chỉ làm tăng chi phí trong khâu lưu thông, phân phối từ nhà sản xuất đến trại chăn nuôi, còn gốc rễ vấn đề là ở giá nguyên liệu ngoại nhập để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có dịp tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao phụ trách lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, người viết được biết, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải tăng giá bán vì hầu hết giá nguyên liệu nhập khẩu đều tăng mạnh, do cước vận chuyển đường biển tăng, thời tiết không thuận lợi và cuộc chiến Nga — Ukraine… Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao không sử dụng một số nguyên liệu trong nước như: đậu nành, bắp để thay thế hàng ngoại nhập nhằm giảm giá thành, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất muốn và cũng đã triển khai liên kết tại một số nơi để thu mua bắp, đậu nành nhưng cuối cùng phải nhập khẩu gần như đến 90% vì các nguồn hàng liên kết này không đạt tiêu chuẩn theo quy định chất lượng thức ăn chăn nuôi”.

[:vi]

CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI THÁNG 03/2023 ⇒ DANH SÁCH THUỐC THÚ Y VÀ CÔNG DỤNG

[:en][:]

Có thể thấy, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao ngoài việc cước vận chuyển tăng cao, 2 nguồn cung lớn bị gián đoạn là Nga và Ukraine thì tình trạng hạn hán ở châu Âu hay điều kiện thời tiết bất lợi khác ở các nước Nam Mỹ cũng làm cho nguồn cung bị gián đoạn, sụt giảm, đẩy giá bán nguyên liệu tăng cao. Với diễn biến trên, theo dự báo của các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi trong nước, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi không biến động mạnh như từ đầu năm đến nay đã là tin tốt, còn việc kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi sẽ là rất khó. Điều này có thể nhận thấy, khi Tổ chức Lương nông thế giới FAO vừa công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm 2 con số trong tháng 7 thì ngay sau đó, bước sang phiên giao dịch tháng 8, giá đậu nành và bắp đã ngay lập tức tăng trở lại.

Người chăn nuôi cũng rất muốn giảm chi phí sản xuất để giảm giá heo hơi về mức chấp nhận được, nhằm kích thích tiêu dùng mạnh hơn, nhưng xem ra điều này là rất khó vì chỉ riêng chi phí thức ăn đã chiếm khoảng 75% tổng giá thành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc 80 — 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu và như đã phân tích ở trên, giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó lòng giảm mạnh từ nay đến cuối năm, nếu không muốn nói là sẽ còn không ít yếu tố bất ngờ, khó đoán.

TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng điện tử)


Bình Phước ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi

Trước diễn biến phức tạp khi hàng loạt loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật đang lây lan nhanh ở nhiều địa phương, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các phương án chủ động ứng phó.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn vật nuôi, ở phạm vi rộng; trong đó, dịch cúm gia cầm xảy ra ở 14 tỉnh, thành phố; dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 47 tỉnh, thành phố; bệnh lở mồm long móng xảy ra ở 4 tỉnh, thành phố; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố.

Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lợ mồm long móng không xảy ra, tuy nhiên bệnh dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát và lây lan tại 202 hộ, 93 thôn ấp, 44 xã và 10 huyện, thị xã, thành phố với số lợn chết và buộc phải tiêu hủy 5.510 con.

UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dịch xảy ra trên địa bàn là do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến phòng bệnh bằng vaccine, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi đạt rất thấp, trong khi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.

UBND tỉnh Bình Phước nhận định, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và phát sinh lây lan dịch trong thời gian tới là rất lớn.

Trước những nguy cơ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; tiếp tục tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương đang có dịch bệnh phát sinh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Các đơn vị chức năng và địa phương, tăng cường giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, hướng dẫn rà soát, thống kê đàn vật nuôi; xây dựng dự toán kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đợt 2 năm 2022; tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, dại…) để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định; tổ chức các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra — vào trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép…

Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn Bình Phước đạt 1,68 triệu con, tăng 44,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số lợn xuất chuồng tại Bình Phước đạt 1,16 triệu con, tăng 47,8%; sản lượng xuất chuồng đạt hơn 114.000 tấn, tăng 47,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Bình Phước có đàn trâu bò đạt khoảng 53.000 con; đàn gia cầm 12,3 triệu con.

Bình Phước hiện đang là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi với quy mô lớn.

Sỹ Tuyên (TTXVN)

[:vi][:en] [:]

Đắk Nông: Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra về buôn bán, sử dụng thuốc thú y

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có Công văn số 4518/UBND-NNTNMT gửi các sở, ngành và UBND các huyện, TP về việc tăng cường công tác kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y.

UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra về buôn bán, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, vắc xin tả lợn Châu Phi không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, TP Gia Nghĩa tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, vắc xin không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP Gia Nghĩa nghiêm túc triển khai, thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, xử lý trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc; phối hợp với lực lượng chức năng xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trần Thọ (thanhtra.com.vn)


Vĩnh Phúc: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở. Trong đó, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.

Theo thông tin từ Sở Công thương, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm vào dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần — lễ hội Xuân 2022 và trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 29 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, đơn vị có bếp ăn tập thể trên địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong hoạt động, tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở do thiếu hiểu biết hoặc chưa chú trọng bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm nên vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vi phạm chủ yếu lầ: Hàng hóa còn để trực tiếp xuống sàn, không để trên giá, kệ; chưa thực hiện việc niêm yết giá đầy đủ; không khám sức khỏe định kỳ theo quy định, một số cơ sở nhỏ lẻ chưa thực hiện việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, chưa ký cam kết an toàn thực phẩm với địa phương theo quy định… Đối với các đơn vị có bếp ăn tập thể gồm 5 trường mầm non và 4 trường tiểu học, hầu hết các trường đều thuê đơn vị cung cấp suất ăn hằng ngày cho học sinh. Riêng Trường mầm non Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường thuê nhân công và tự tổ chức nấu ăn cho các cháu; nhà trường đã chủ động trồng rau xanh các loại nên giảm được chi phí, suất ăn phong phú, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 1 đơn vị tại thời điểm kiểm tra còn một số hàng hóa đã hết hạn sử dụng in trên nhãn mác. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, niêm phong số hàng hóa trên, giao đơn vị thuộc thẩm quyền xác minh, xử lý theo quy định.

Hằng năm, Sở Công thương đã ban hành các kế hoạch, quyết định thành lập đoàn thẩm định thực tế, đoàn kiểm tra hậu kiểm tại các cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để đánh giá về môi trường, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và tiến hành kiểm tra, xem xét việc chấp hành và duy trì các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các sản phẩm, thực phẩm, đồ uống, đồ ăn tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra do Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh thành lập. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng từng bước được nâng lên; tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán rộng và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công; việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thiếu, nhất là cấp huyện, cấp xã, không có người chuyên trách thực hiện nhiệm vụ về an toàn thực phẩm mà đều là kiêm nhiệm; trình độ chuyên môn đa số không phù hợp, chỉ qua các lợp đào tạo ngắn hạn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được triển khai nhưng chưa thực sự sâu rộng nên nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh và người dân về việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nghiêm túc dẫn đến còn có những sai phạm. Do đặc thù sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, phân tán khó kiểm soát, nên vẫn còn tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, quá hạn sử dụng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Một số đơn vị cung cấp suất ăn cho trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quản lý về lĩnh vực này cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đến cấp huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP, ISO, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng, nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Song song với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, nông sản chủ lực của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, chợ đầu mối nông sản; siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Bên cạnh việc phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Hồng Yến (Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc)


 

Обсуждение закрыто.