Điểm tin Chăn Nuôi - Thú Y (01/08 - 10/08/2022)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 01/08-10/08/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 01/08/2022 — 10/08/2022.

Bến Tre: Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri

Ngày 1-8-2022, UBND tỉnh có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Ba Tri về việc thống nhất chủ trương tạm thời không công bố dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên địa bàn xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri và áp dụng một số giải pháp phòng, chống dịch theo như đề xuất của Sở NN&PTNTtại Tờ trình số 2630/TTr-SNN ngày 28-7-2022.

Cụ thể, không tiêu hủy gia súc mắc bệnh; giám sát chặt chẽ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị các triệu chứng cho gia súc bệnh. Chỉ thực hiện tiêu hủy trong trường hợp trâu, bò chết; trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC nhưng đã điều trị ít nhất 7 ngày mà không có dấu hiệu hồi phục theo đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương và thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Khẩn trương tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn.

Tổ chức tiêm phòng vắc-xin chống dịch cho đàn trâu, bò tại các xã có dịch theo đề xuất. Cấp 2.300 liều vắc-xin Lumpyvac để tổ chức tiêm phòng chống dịch cho toàn bộ trâu, bò trong diện tiêm phòng (trâu, bò chưa được tiêm phòng và trâu, bò đã được tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch) tại xã có dịch (Mỹ Nhơn) từ nguồn dự trữ chống dịch của tỉnh. Thời gian triển khai thực hiện tiêm phòng chậm nhất đến hết tháng 8-2022. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vắc-xin chống dịch cho toàn bộ trâu, bò trong diện tiêm phòng tại các xã bị dịch uy hiếp (Phú Lễ, Phước Ngãi, Tân Xuân, Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh, An Bình Tây) từ nguồn xã hội hóa.

Đối với các xã, thị trấn còn lại, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ba Tri tập trung chỉ đạo, thành lập, kiện toàn các tổ tiêm phòng, tuyên truyền để vận động và tổ chức cho người chăn nuôi khẩn trương tiêm phòng cho đàn trâu, bò đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn; thành lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo UBND huyện Ba Tri làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác tiêm phòng tại các địa phương; kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị làm tốt, cũng như phê bình, nhắc nhở các đơn vị làm chưa tốt.

Giao Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc UBND huyện Ba Tri và các địa phương khác đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND huyện Ba Tri đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi trong xã có dịch, xã bị dịch uy hiếp sử dụng hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tiêu độc khử trùng toàn bộ ổ dịch cũ, khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh có nguy cơ cao, mỗi tuần một lần từ nguồn xã hội hóa.

Tin, ảnh: Phương Khê (Báo Đồng Khởi)

[:vi][:en] [:]

Bắc Ninh: Tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc

Để đảm bảo chất lượng thuốc, vắc xin lưu hành đúng quy định và hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tại văn bản số 2231/UBND-NN, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra về buôn bán thuốc thú y, sử dụng thuốc thú y. Trong đó, rà soát lại các tổ chức, cá nhân hiện đang hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp, thuốc thú y; tăng cường nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cho lực lượng thanh tra chuyên ngành; bố trí lực lượng chuyên môn, bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc thú y.

Sở Công thương, Ban Chỉ đạo 389, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép thuốc, vắc xin, sản xuất, buôn bán thuốc thú y giả, hàng nhái. Đồng thời, chủ động phối hợp cơ quan thú y trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định của pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc thú y; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra và triển khai kế hoạch kiểm tra về hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc thú y; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra các hoạt động buôn bán, tiếp thị, quảng cáo, chương trình hội thảo… tại các khu dân cư, trang trại chăn nuôi, đại lý thuốc thú y về nội dung hội thảo, quảng cáo các sản phẩm tiếp thị, thử nghiệm thuốc, vắc xin thú y chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trường hợp vượt quá thẩm quyền đề nghị chuyển hồ sơ cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

H.T (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)


Nông nghiệp tuần hoàn: Xu hướng phát triển bền vững

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi theo chu trình khép kín. Phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn này đã giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Thực tế cho thấy, việc tận dụng các phế phẩm trong quá trình trồng trọt để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và sử dụng phân gia súc, gia cầm cũng như các nguồn chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón ngược lại cho cây trồng đã được nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc áp dụng này chưa theo một quy trình cụ thể nào và hiệu quả mang lại cũng chưa cao. Xuất phát từ nhu cầu đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp để hướng dẫn, khuyến khích, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả.

Người dân tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để làm thức ăn cho gia súc.

Ông Lê Văn Đáng (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Tôi có 1,5ha vườn trồng mít, sầu riêng. Thời gian qua, tôi tận dụng các loại cỏ, lá mít, trái mít non và nhiều loại cây lá, rau lang, rau muống trồng trong vườn để chăn nuôi dê và đang có đàn dê hơn 20 con. Nhờ nuôi dê mà tôi thu được lượng phân dê rất lớn, với hơn 20 bao/tháng (40kg/bao) để bón lại cho vườn cây ăn trái”. Hiện ông Đáng còn tận dụng các mương vườn thả nuôi cá, sử dụng các loại rau muống, rau lang và trái cây chín bị hư, dạt có giá rẻ hoặc không bán được để làm thức ăn cho cá. Theo ông Đáng, việc phát triển sản xuất theo hướng kết hợp như vậy đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng cao, anh Trần Minh Sang (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để phát triển mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá. Cùng với những ưu điểm về năng suất, mô hình này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên thân thiện với môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Sang cho biết: “Đây là mô hình mô phỏng hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng chất thải từ cá để làm chất dinh dưỡng cho rau mà không sử dụng đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ vậy, mô hình còn tiết kiệm nước, sức lao động và chi phí do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới”.

Anh Trần Minh Sang nuôi cá vừa để bán, vừa lấy chất thải cho rau.

Với tổng diện tích 3.500m2, anh chỉ cần từ 1 — 2 nhân công để đo các chỉ số về chất lượng rau, cho cá ăn và bắt sâu cho rau, việc chăm sóc chủ yếu áp dụng giải pháp về công nghệ. Trong quá trình triển khai, từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch, từng giàn rau sẽ được ghi chép, theo dõi các yếu tố như nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng để bảo đảm năng suất, chất lượng. Sản phẩm rau trồng theo phương pháp này không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Hiện nay, các sản phẩm anh trồng chủ yếu là cải ngọt, xà lách, dưa leo, cà chua,… Nhờ trồng trong mô hình khép kín, quy trình được kiểm soát kỹ lưỡng nên các sản phẩm rau thủy canh đạt năng suất, chất lượng và an toàn so với phương pháp trồng thông thường. Bên cạnh đó, anh còn có được nguồn thu nhập khá từ việc bán cá.

Khuyến khích, hỗ trợ nông dân

Toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 2,7 triệu tấn; tổng sản lượng các loại trái cây đạt gần 500.000 tấn; khoảng 200.000 tấn rau màu các loại; nuôi thủy sản đạt sản lượng trên 72.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 9,2 triệu con gia cầm và 120.000 con gia súc. Ðể phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực khuyến khích; đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xây dựng mô hình,… để nông dân áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật và thiết bị, máy móc, công nghệ mới nhằm khai thác hiệu quả các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Ðặc biệt, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm; tập huấn cho nông dân về cách xử lý rơm rạ và các chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm và phục vụ chăn nuôi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn — Nguyễn Chí Thiện cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh là những trụ cột cơ bản để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, xanh, bền vững trong thời gian tới. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn được xem là giải pháp giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tuần hoàn, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tập trung hướng dẫn người dân phát triển các chuỗi sản xuất trong mối quan hệ nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, ngành tăng cường công tác khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để tạo điều kiện lan tỏa, phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân./.

Bùi Tùng (Báo Long An online)


 

Обсуждение закрыто.