|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (21/05 – 31/05/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/05-31/05/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/05/2022 – 31/05/2022.

Không để bùng phát dịch Cúm gia cầm

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Y tế tổ chức xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; hạn chế nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh CGC trên người và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ ngày 10/3 – 16/4/2022 có hàng trăm vụ bùng phát CGC mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở Châu Âu.

Ngoài ra còn ghi nhận rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.

Mặc dù trên thế giới và tại Việt nam một vài năm gần đây không ghi nhận ca bệnh CGC trên người, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh CGC trên thế giới và tại Việt Nam thì nguy cơ CGC lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể.

Vì tại Việt Nam, dịch CGC vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch CGC/H5N1 tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kon Tum chưa qua 21 ngày…

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu Báo cáo của Bộ Y tế; chủ động phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh CGC; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh CGC xâm nhập, không để bùng phát dịch bệnh CGC ở Việt Nam.

Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh CGC; tổ chức xây dựng phương án, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hạn chế nguy cơ dịch bệnh CGC lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Theo Vũ Phương Nhi/Báo điện tử Chính phủ


Nghệ An: Giá bò hơi ‘chạm đáy’, giá thịt bò vẫn cao

Trong khi giá bò hơi tại chuồng giảm mạnh từ 45 -50% khiến người chăn nuôi thua lỗ thì giá thịt trâu, bò ở các chợ không hề giảm. Hiện giá thịt bò thương phẩm vẫn “neo” ở mức 180.000 – 250.000 đồng/kg như khi bò hơi có giá 110.000 đồng/kg.

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá trâu, bò hơi liên tục giảm mạnh, hiện đã ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hiện giá trâu, bò thịt tại chuồng đang ở mức 55.000 – 70.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với trước Tết Nguyên đán 2022. Giá bò hơi giảm sâu, trong khi thức ăn công nghiệp, thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và thuốc thú y đều tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nhiều trang trại chăn nuôi trâu, bò thịt phải bán “tháo” để giữ vốn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, muốn xuất chuồng cũng khó vì không có thương lái thu mua.

Giá bò thịt tại chuồng đang “chạm đáy” thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Ảnh: Thanh Phúc

Vậy nhưng, tại các chợ dân sinh, giá thịt trâu, bò thương phẩm vẫn cao ngất ngưởng. Theo đó, ở các chợ dân sinh khu vực thành phố và phụ cận, giá thịt bò dao động từ 180.000 – 250.000 đồng/kg; giá thịt trâu 170.000 – 230.000 đồng/kg; giá thịt bê từ 160.000 – 230.000 đồng/kg.

Còn ở khu vực nông thôn, giá các loại thịt bò, bê, trâu thấp hơn 10.000 – 20.000 đồng/kg so với ở thành phố. Riêng ở siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt bò, bê ở mức 220.000 – 280.000 đồng/kg. Giá thịt này vẫn giữ nguyên như khi giá trâu, bò hơi ở mức 110.000 đồng/kg. Các thực phẩm chế biến từ thịt bò, bê như: giò bò, giò bê, xúc xích, thịt bò khô… vẫn giữ nguyên mức giá như trước, 280.000 – 300.000 đồng/kg giò, xúc xích bò; 1.000.000 đồng/kg bò khô…

Chị Nguyễn Thị Hòa – một người kinh doanh thực phẩm tự làm ở thành phố Vinh chia sẻ: “Báo, đài đưa tin giá trâu, bò giảm mạnh, xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua nhưng thường ngày, tôi đi chợ mua thịt trâu, bò, bê về làm giò, xúc xích và chế biến các món ăn cho khách thì thấy vẫn không giảm. Trước Tết giá thịt bò 250.000 – 270.000 đồng loại ngon thì nay cũng đang xấp xỉ mức giá đó”.

Lý giải nguyên nhân vì sao giá trâu, bò hơi tại chuồng giảm sâu so với trước song giá thịt vẫn neo mức cao, các tiểu thương cho rằng vì họ mua thịt mảnh ở các lò mổ về bán lại, giá mua cao thì giá bán phải cao thì mới có lãi.

Chị Nguyễn Thị Toan – một thương lái kinh doanh thịt bò ở xã Nghi Phú (thành phố Vinh) cho biết: “Chúng tôi mua bò ở các trại về giết mổ tập trung rồi bỏ mối cho các tiểu thương kinh doanh thịt gia súc tại các chợ. Hiện giá trâu, bò, bê giảm song các chi phí khác từ tiền vận chuyển, nhân công, chi phí giết mổ đều tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các chi phí này khi tính vào giá thịt thương phẩm sẽ đẩy giá thịt lên cao, để thịt đến tay người tiêu dùng thì qua thêm một khâu là tiểu thương bán lẻ ở chợ nữa nên giá thịt trâu, bò, bê hầu như không giảm”.

Trước nghịch lý, giá trâu, bò tại chuồng rẻ mạt nhưng giá thịt thành phẩm vẫn cao chót vót, nhiều hộ chăn nuôi đã tính đến phương án làm đơn xin được giết mổ gia súc để bán lẻ thịt tại chợ; nhiều người dân hùn nhau mua trâu, bò để “đụng”. Ông Vương Văn Hoàn, chủ một trang trại nuôi trâu vỗ béo ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) cho biết: “Hiện trâu thịt ế, giá rẻ, do đó, tôi đang làm đơn xin được giết mổ để bán lẻ thị ra thị trường để vớt vát chi phí đã bỏ ra. Ngoài ra, bán trâu thịt, nghé thịt cho các hộ có nhu cầu “đụng” thịt hoặc tổ chức tiệc tùng, cưới hỏi. Hôm trước mổ thử 1 con nghé bán thịt ở chợ, sau khi trừ các chi phí vẫn còn lãi được gần 3 triệu đồng so với bán nghé hơi”.

Thanh Phúc (Báo Nghệ An)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts