|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (11/04 – 20/04/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 11/04-20/04/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 11/04/2022 – 20/04/2022.

Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán Thuốc Thú Y

Ngày 16/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về quản lý buôn bán thuốc thú y cũng cần được đánh giá rõ thực trạng để có giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh hệ thống thú y cơ sở có nhiều thay đổi.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các chuỗi chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm động vật. Do đó, số lượng cơ sở giết mổ tập trung tăng lên đáng kể, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã giảm, cả nước còn khoảng 23.000 cơ sở. Số sản phẩm thuốc, vaccine thú y sản xuất, lưu hành trong nước trên 16.000 sản phẩm; trong đó, có trên 180 loại vaccine của 83 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến trên 40 quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung; trong đó, hơn 99% cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 95,6% cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; hơn 22.700 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; trong đó, có 35% cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 15,5% cơ sở đủ điều kiện thú y, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Long nhìn nhận, về kiểm soát giết mổ động vật, nhìn chung giết mổ tại các địa phương thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, song còn tồn tại nhiều bất cập khiến cho việc kiểm soát giết mổ đạt hiệu quả chưa cao. Hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, các cơ sử giết mổ động vật nhỏ lẻ còn nhiều, trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về quản lý giám sát. Chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm thực hiện nên công tác kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn…

Về lĩnh vực buôn bán thuốc thú y, cả nước hiện có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý. Các cửa hàng, đại lý đều đảm bảo về yêu cầu cơ sở vật chất; trong đó, có 93,6% cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong quản lý buôn bán thuốc thú y, hiện còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, đặc biệt là vaccine thú y; cả nước chưa có trại chăn nuôi động vật sạch, trung tâm riêng về khảo nghiệm thuốc thú y nên khó khăn cho khó khăn trong nghiên cứu sản xuất các loại thuốc vaccine mới. Ngoài ra, thanh kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y còn thiếu đồng bộ không thống nhất tại các địa phương; vẫn còn tình trạng vi phạm trong buôn bán thuốc thú y, đặc biệt là vi phạm về chất lượng sản phẩm thuốc thú y, ghi nhãn sản phẩm không đúng với nội dung đã đăng ký; buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng không có trong danh mục được phép lưu hành….

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích đầu tư hạ tầng về cơ sở giết mổ tập trung; ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vốn, đất đai… Bên cạnh đó, các địa phương cần cơ chế đặc thù cho ngành thú y trong việc thực hiện hợp đồng lao động phục vụ cho kiểm soát giết mổ và chi trả tiền công, tiền lương từ nguồn thu phí, lệ phí.

Về quản lý buôn bán thuốc thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng, cơ sở thuốc thú y; lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, vaccine lưu hành trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, tổ chức giảm sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết, buôn bán thuốc thú y nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc…

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)


Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp kiểm soát xử lý dứt điểm các ổ dịch, khống chế không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn heo, áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tổng số heo bị tiêu hủy trên 2.550 con; tổng trọng lượng trên 164.720 kg. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, đã có 06 ổ dịch tả heo châu Phi phát sinh tại 03 huyện: Thới Bình, Phú Tân và Đầm Dơi. Hiện nay, có 17 xã của 05 huyện U Minh, Thới Bình, Phú Tân, Trần Văn Thời và Đầm Dơi có bệnh dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày.

Trong bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, các địa phương có dịch đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh và thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm ra bên ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách ly heo nghi ngờ mắc bệnh để theo dõi, xử lý kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Cưng, ngụ ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Nhà tôi có nuôi 1 đàn heo hơn 10 con, mấy tháng nay nghe dịch tả heo châu Phi bùng phát tại một số nơi tôi rất lo lắng. Để phòng dịch tả heo châu Phi, tôi luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rải vôi bột xung quanh chuồng, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường chăm sóc đàn heo có sức đề kháng tốt và thực hiện phun thuốc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã để phòng ngừa dịch theo khuyến cáo”.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.

Dịch tả heo châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm đối với heo, vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, lây lan nhanh. Heo khi đã nhiễm vi rút tỷ lệ tử vong là 100%. Hiện bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa trị, mặt khác, thời tiết đang bước vào thời điểm giao mùa nên nguy cơ bùng phát và tái dịch rất cao.

Để chủ động phòng, tránh dịch tả heo châu Phi, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm, vì chúng có khả năng là nguồn mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Khi phát hiện heo nhiễm hoăc nghi ngờ nhiễm bệnh, cần lập tức báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tuyệt đối không được vứt xác heo chết ra môi trường. Bên cạnh đó, không thực hiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo nhiễm bệnh, chết, heo không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng nên tìm mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng tại địa chỉ uy tín, không sử dụng thức ăn thừa đã qua sử dụng hay thức ăn chưa nấu chín.

Ông Quách Minh Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau nhận định: “Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch tại nhiều địa phương. Trước tình hình trên, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con không nên nóng vội tái đàn heo ở thời điểm này. Nếu hộ nào có heo giống mẹ đẻ ra thì nuôi; không nên mua heo giống nơi khác về để tái đàn vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến tình hình đàn heo nuôi và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo hướng dẫn của ngành chức năng để phòng dịch. Tuyệt đối không giấu dịch, thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền khi nào phát hiện heo, các sản phẩm heo nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu. Qua đó, góp phần phòng ngừa và hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn”.

Trúc Đào (Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau)


Vĩnh Long: Chăn nuôi bò phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, nhiều dự án, chương trình hỗ trợ vốn đầu tư nuôi bò cho nông dân sản xuất… đã góp phần phát triển tổng đàn bò.

Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong quý I/2022 ước đạt trên 3.500 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, đàn bò của tỉnh hiện có trên 85.700 con, tăng 0,73% (tăng 621 con) so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, chất lượng đàn bò được duy trì và phát triển theo hướng lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt.

Chăn nuôi nông hộ chiếm chủ yếu với hình thức tận dụng các bờ bao, diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cỏ kết hợp với tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô, thân cây bắp, vỏ khóm, bã đậu nành, hèm bia,… đã mang lại hiệu quả ổn định, tận dụng lao động nhàn rỗi, giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình.

TRÀ MY (Báo Vĩnh Long)


Giá thức ăn chăn nuôi nhảy vọt, người chăn nuôi lo lắng

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục nhảy vọt thì giá heo hơi, gà, vịt,… lại đứng sững, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên, nhiều người phải giảm đàn, thậm chí bỏ chuồng.

Giá thức ăn tăng: người nuôi lỗ từ heo tới gà

Nhiều người chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hay, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng, chứ không giảm, cộng thêm giá con giống tăng cao trong khi giá heo, gà đứng yên, khiến người chăn nuôi không dám tái đàn, thậm chí bỏ chuồng vì… đeo theo không nổi.

Anh Nguyễn Trường Kha- chủ cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi- gạo nếp Út Nhựt (xã Phú Quới- Long Hồ), cho biết: Khoảng 2 năm nay, giá thức ăn tăng liên tục, hầu như mỗi tháng mỗi tăng.

Từ đầu năm đến nay đã tăng 3 lần, có tháng tăng 2 lần. Hiện thức ăn chăn nuôi có giá từ 280.000- 320.000 đ/bao 25kg.

So với 2 năm trước, thức ăn đã tăng 70.000- 80.000 đ/bao 25kg. Trong năm 2021 đã tăng 40.000- 45.000 đ/bao, còn từ đầu năm đến nay, đã tăng 20.000- 25.000 đ/bao 25kg (trung bình 1 lần tăng 7.000- 8.000 đ/bao, tăng 250- 500 đ/kg thức ăn).

“Người nuôi than quá vì giá thay đổi liên tục. Giờ hầu như các mối chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nhiều mà chủ yếu là các trang trại lớn. Sức mua cũng giảm trên 30% so với trước”- anh Kha cho hay.

Còn theo chị Đặng Thị Lan- vợ anh Kha, kinh doanh thức ăn nhiều năm nay nhưng chưa khi nào giá lại biến động tăng liên tục như hiện nay.

“Đại lý phân phối giải thích lý do giá thức ăn tăng nhanh là do khan hiếm nguồn nguyên liệu cộng thêm chi phí vận chuyển cũng không ngừng đội lên. Theo dự báo của đại lý, từ nay đến cuối tháng sẽ tiếp tục có đợt “sốt giá” mới”- chị Lan cho biết thêm.

Nhiều người chăn nuôi heo bày tỏ lo lắng bởi không chỉ ảnh hưởng của giá thức ăn mà tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đầu ra tiêu thụ lại bấp bênh, không ổn định.

Đứng trước nguy cơ thua lỗ, nhiều người chăn nuôi đã phải giảm đàn, thậm chí treo chuồng. Chị Trịnh Thị Ngọc (xã Bình Phước- Mang Thít), cho hay: “Lúc trước tôi vừa nuôi heo nái, vừa nuôi heo thịt, nhưng năm rồi đàn heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi phải tiêu hủy hết.

Mới gầy đàn lại 4 con định để nái nhưng giá thức ăn tăng liên tục từ Tết đến giờ.

Nên tới lứa tôi bán luôn chứ không nuôi heo nái nữa, vì giá thức ăn tăng hoài trong khi giá heo hơi thì không lên, cầm chắc lỗ rồi. Tôi định nghỉ nuôi heo một thời gian, chuyển sang nuôi gà, vịt”.

Còn 7 con heo nái và 20 con heo con, cô Nguyễn Thị Hai (xã Thanh Đức- Long Hồ), cho hay: “Trước đây đàn heo của tôi trên 60 con, nhưng giờ giá thức ăn tăng quá nên tôi giảm đàn lại, chủ yếu nuôi heo nái, đẻ tới đâu nuôi tới đó”.

Cô Hai tính toán, heo nuôi đến xuất chuồng phải từ 3,5- 4 tháng và tốn khoảng 9- 10 bao thức ăn, với giá 352.000 đ/bao 25kg thì tới khi bán đã tốn trên 3,5 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền con giống, tiền thuốc,…

Với mức giá heo hơi hiện tại từ 5,1- 5,3 triệu đồng/tạ thì người nuôi cầm chắc lỗ. Chỉ có những hộ nuôi có heo con sẵn từ việc nuôi heo nái thì còn có thể lời chút đỉnh.

Theo cô Hai, không chỉ giá thức ăn tăng, giá cám cũng tăng từ 8.200đ lên 9.100 đ/kg, khiến người nuôi càng tăng chi phí.

Không chỉ lo lắng giá thức ăn của heo tăng, chú Trần Văn Đi- chồng cô Hà cũng lo lắng vì 170 con gà đang nuôi.

Chú Đi cho hay: “Đàn gà của tôi nuôi được 2- 3 tháng, còn khoảng 1,5 tháng nữa mới bán được mà giá thức ăn tăng hoài, ngán quá. Tôi phải mua thêm lúa lừng để cho gà ăn thêm để bớt chi phí. Hy vọng thời gian tới gà có giá hơn nếu không là lỗ nữa, lỗ vừa heo vừa gà”.

Mong giải pháp bình ổn thị trường

Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới giá một số loại ngũ cốc, bắp, lúa mì và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính có khả năng tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung. Và giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, thời gian qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh (trên 20%) đưa đến tăng giá thành chăn nuôi. Nhiều loại giá sản phẩm động vật giảm ảnh hưởng đến tái đàn và hoạt động sản xuất. Hiện tại chăn nuôi heo, gia cầm và cá tra đang trong tình trạng không lợi nhuận.

Trước tình hình giá thức ăn biến động liên tục, nhiều người chăn nuôi bày tỏ mong muốn ngành chức năng có những giải pháp cấp bách và hữu hiệu hơn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất. Từ đó, góp phần giúp ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì, đảm bảo tổng đàn gia súc, gia cầm.

Để kiềm giá thức ăn chăn nuôi, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp để ra các giải pháp phát triển các loại thức ăn thay thế; thức ăn công nghiệp. Các địa phương cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi heo, gia cầm để tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, cỏ.

Bên cạnh đó, cần tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, theo khuyến cáo, người chăn nuôi cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Bài, ảnh: TRÀ MY (Báo Vĩnh Long)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts