|

Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (01/05 – 10/05/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/05-10/05/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/05/2022 – 10/05/2022.

Giá heo hơi tăng nhưng người nuôi vẫn chưa có lời

So với cách nay 2 tuần, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng thêm khoảng 1.000-3.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 nhưng vẫn chưa đảm bảo cho người chăn nuôi heo có lời.

Giá heo hơi tăng do lượng heo hơi tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương đang giảm so với trước, người dân giảm nuôi. Giá heo hơi đang ở mức từ 56.000-58.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 7.000-8.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.

Thương lái thu mua heo hơi của người dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo, do thời gian qua giá thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo và nhiều chi phí đầu vào tăng lên ở mức cao nên để nuôi một con heo đạt 100kg, người chăn nuôi phải bỏ vốn từ 5,5-6 triệu đồng. Trong đó, chi phí tiền thức ăn khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, tiền con giống khoảng 1-1,2 triệu đồng, thuốc thú y ít nhất 100.000-200.000 đồng/con… Do vậy, người chăn nuôi heo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi gần đây giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm từ 10.000-15.000 đồng/bao (25kg). Hiện những doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi heo lớn tự sản xuất con giống và tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi mới có thể kiếm lời, còn đa phần hộ chăn nuôi nhỏ vẫn còn lỗ vốn hoặc chỉ “phá huề” khi xuất bán heo với giá hiện tại. Ngoài ra, người chăn nuôi heo còn có nguy cơ bị thua lỗ nặng, thậm chí “mất trắng” nếu đàn heo gặp phải các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả heo châu Phi.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Trứng gia cầm ĐBSCL tăng giá

Giá trứng gia cầm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 2.000-5.000 đồng/chục (10 trứng) so với cách nay khoảng 1 tháng và đang ở mức khá cao.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… trứng gà công nghiệp và vịt ta được nhiều nông dân bán buôn cho thương lái ở mức từ 21.000- 24.000 đồng/chục trở lên. Giá trứng vịt tươi (vịt ta) đang được bán lẻ tại nhiều chợ, siêu thị và điểm kinh doanh ở mức 29.000-35.000 đồng/chục; trứng vịt lộn ở mức 40.000-42.000 đồng/chục. Trong khi đó, giá trứng gà công nghiệp đang được bán lẻ tại nhiều nơi từ 30.000-36.000 đồng/chục, trứng gà ta có giá 40.000-44.000 đồng/chục. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Giá trứng gia cầm tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, cũng như do ảnh hưởng bởi các chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh trứng gia cầm, hiện nguồn cung trứng gà và vịt tại nhiều địa phương có phần giảm so với trước do thời điểm này số lượng đàn gà và vịt đang đẻ trứng không nhiều, cũng như do thời gian qua người dân giảm nuôi vì giá đầu ra sản phẩm bấp bênh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Nhìn chung, nguồn cung các loại trứng gia cầm vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Giá trứng gia cầm tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm giá tăng cao kỷ lục vào khoảng tháng 7, tháng 8-2021, khi đó giá nhiều loại trứng gà và trứng vịt có giá bán lẻ lên đến 45.000-50.000 đồng/chục.


Tây Ninh: “Treo” chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao

Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến người chăn nuôi không dám tái đàn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “treo” chuồng vì không có lãi.

Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trong nước liên tiếp gặp nhiều khó khăn, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi xảy ra, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh, hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát tốt. Nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến người chăn nuôi không dám tái đàn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “treo” chuồng vì không có lãi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục

Với hơn 25 năm làm nghề chăn nuôi heo, ông Nguyễn Tuấn Linh, ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết, trước đây nuôi heo là nghề xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, người chăn nuôi liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, nhiều giai đoạn thua lỗ do giá heo rớt thảm, rồi đến đợt dịch tả heo châu Phi càn quét khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm cảnh nợ nần. Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ông và nhiều hộ chăn nuôi mới dồn lực tái đàn chưa được bao lâu lại gặp phải cơn bão giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã từ cuối năm 2020 đến nay.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến người chăn nuôi không dám tái đàn.

Theo ông Linh, trước đây, giá thức ăn chăn nuôi chỉ từ 200.000 đồng – hơn 350.000 đồng/bao (25kg), hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 1,5 lần. Trong đó, cám cho heo con tập ăn có giá gần 500.000 đồng/bao (giá trước khi tăng chỉ 340.000 đồng/bao), cám cho heo trọng lượng từ 15-30kg/con giá có giá khoảng 370.000 đồng/bao (giá trước khi tăng chỉ 270.000 đồng/bao), cám cho heo trọng lượng từ 30-60kg có giá khoảng 350.000 đồng/bao (giá trước khi tăng chỉ 250.000 đồng/bao), cám cho heo trọng lượng từ 60kg đến xuất chuồng có giá trên 330.000 đồng/bao (giá trước khi tăng chỉ 240.000 đồng/bao).

“Tôi ghi chép đầy đủ quá trình thì từ tháng 11.2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có hơn 11 lần điều chỉnh tăng, mỗi lần tăng đều đặn từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/bao. Với mức giá như hiện tại, người chăn nuôi chỉ mong hoà vốn chứ không có lãi”- ông Linh chia sẻ.

Khốn đốn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, anh N.H.D- chủ trang trại gà tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết, giai đoạn trước năm 2019, giá cám cho gà dao động quanh mức 270.000 đồng – 290.000 đồng/bao. Với mức giá đó, người chăn nuôi lãi khoảng 20.000 – 30.000 đồng/con, thấp nhất cũng được 10.000 đồng.

Hơn 1 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, trong khi giá gà không hề tăng, thậm chí có thời điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ khó khăn, các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đứt gãy, người chăn nuôi bị thua lỗ. Với giá cám tăng như hiện nay, trừ hết mọi chi phí đầu tư, trang trại của anh phải bù lỗ cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ người chăn nuôi gặp khó khăn, mà các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn, số lượng hàng hoá bán ra giảm mạnh. Chị Hiền, hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại huyện Dương Minh Châu cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm số lượng nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng nuôi nên lượng tiêu thụ thức ăn giảm mạnh.

Cửa hàng của chị chỉ bán cầm chừng, không dám nhập hàng nhiều vì rất khó bán. Theo chị Hiền, lượng khách mua nhỏ lẻ đã giảm đến hơn 50%, chỉ còn một số hộ còn cầm cự với số lượng cám mua giảm. Chủ yếu là các trang trại lớn, nuôi gia công cho các doanh nghiệp là vẫn sống khoẻ.

Giá heo hơi xuống thấp, giá thịt tại chợ neo cao

Từ đầu năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, giá heo bật tăng, liên tục lập đỉnh giá mới, có thời điểm giá heo hơi vượt mốc 100.000 đồng/kg, kéo theo giá thịt bán tại các chợ, siêu thị tăng theo, nguyên nhân được cho là do thiếu nguồn cung.

Với nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, đến nay, tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh đã ngang bằng, thậm chí vượt số lượng so với thời điểm trước dịch, chính điều này đã giúp bình ổn giá heo. Tuy nhiên, so với mức giảm của heo hơi xuất tại chuồng của người chăn nuôi và giá thịt đến người tiêu dùng vẫn còn mức chênh lệch khá lớn.

Vừa mới xuất bán 25 con heo thịt được hơn 120 triệu đồng, ông Nam, người chăn nuôi tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, lứa heo ông vừa bán chỉ có giá 53.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, ông chỉ còn lại vỏn vẹn được hơn 15 triệu đồng.

Theo ông Nam, nhận tiền bán heo, ông mang ra đại lý trả nợ và lãi cho đại lý gần 90 triệu đồng, số tiền còn lại ông khấu trừ vào tiền vaccine, thuốc sát trùng và tiền điện nước… “Nhờ số heo trên là heo giống của gia đình tôi để lại nuôi nên mới còn lại số tiền đó, nếu mà đi mua con giống về nuôi thì lỗ vì với 15 triệu đồng, chỉ mua được hơn 10 con heo giống thôi, nên gọi là tiền lời từ nuôi heo là không đúng”- ông Nam thở dài nói.

Một thương lái tại xã An Cơ, huyện Châu Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, giá heo hơi ổn định ở quanh mức từ 52.000 đồng đến 55.000 đồng/kg. Những ngày gần đây, giá heo có tăng nhẹ lên mức 56.000 đồng nhưng do giá xăng dầu tăng nên giá heo chỉ còn 54.000 đồng/kg để bù đắp vào chi phí vận chuyển tăng.

Trong khi người chăn nuôi đối mặt nguy cơ thua lỗ vì giá heo hơi xuống thấp, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao. Bà Ngọc Yến, ngụ ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, mỗi bữa ăn, gia đình bà tiêu thụ khoảng 0,5kg thịt luân phiên giữa thịt heo, gà và bò.

Hiện nay giá thịt tại chợ vẫn còn khá cao, chênh lệch lớn so với giá heo hơi. Theo bà Yến, gia đình bà có chăn nuôi heo và gà nên bà biết rõ giá bán cho thương lái, khi bà thắc mắc giá thịt ngoài chợ cao quá thì các tiểu thương nói rằng giá xăng dầu tăng nên giá thịt cũng tăng.

Theo một tiểu thương bán thịt heo tại chợ phường 2, TP. Tây Ninh, giá thịt heo tại chợ ổn định từ đầu năm 2022 đến nay, ít có biến động. Riêng từ cuối tháng 3 đến nay, do giá xăng dầu tăng nên thương lái phải tăng thêm 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg để bù đắp chi phí vận chuyển và giết mổ tăng. Cụ thể, giá thịt heo nạc vai và thịt đùi có giá 130.000 đồng/kg; thịt ba rọi có giá 115.000 đồng/kg; sườn non có giá 154.000 đồng/kg…

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến cuối tháng 4.2022, trên địa bàn tỉnh có đàn trâu khoảng 10.000 con, bằng 95,2% cùng kỳ năm 2021, 100.000 con bò, bằng 101% cùng kỳ năm 2021; 218.487 con heo, bằng 114,5% so cùng kỳ; 8.935.000 con gia cầm, bằng 124,1% cùng kỳ.

Giá các loại gia súc, gia cầm duy trì ổn định. Giá bán thịt trâu bò hơi 80.000 đồng/kg; giá thịt heo hơi 55.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg); giá gà công nghiệp (thịt hơi) 31.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), giá thịt vịt hơi 38.000 đồng/kg (không tăng, không giảm).

Minh Dương (Tây Ninh Online)


[:vi][:en] [:]

Similar Posts