Điểm tin Chăn Nuôi - Thú Y (21/07 - 31/07/2022)

Chuyên mục: News, Industry news 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/07-31/07/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 21/07/2022 – 31/07/2022.

Giá dê hơi tăng mạnh

Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá dê hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã tăng khoảng 50.000-55.000 đồng/kg so với hồi cuối năm 2021 và hiện ở mức khá cao và dễ tiêu thụ, người nuôi dê rất phấn khởi.

Dê được nuôi tại một hộ dân ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Giá dê hơi loại 1 (dê đực, khoảng 35-40 kg/con) được nhiều hộ dân bán cho thương lái ở mức 120.000-130.000 đồng/kg; còn dê hơi loại 2 và loại 3 ở mức mức từ 80.000-105.000 đồng/kg. Hiện thịt dê không chỉ được tiêu thụ mạnh tại nhiều nhà hàng, quán ăn mà còn được bày bán ngày càng phổ biến tại nhiều chợ và siêu thị, tạo điều kiện cho người dân mua và sử dụng. Tại TP Cần Thơ, các loại thịt đùi dê và sườn dê được bán với giá 290.000-300.000 đồng/kg. Giá dê tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh sau dịch COVID-19 và nguồn cung giảm vì thời gian trước giá thấp, người dân tại nhiều địa phương giảm nuôi.

Báo điện tử Cần Thơ


Bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường

Hơn 2 tuần nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng mạnh, do thiếu hụt nguồn cung cục bộ…, ảnh hưởng tới Chỉ số giá tiêu dùng, tạo áp lực cho Chỉ số lạm phát… Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, giảm giá thịt lợn hơi, các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tái đàn, kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở giá mức hợp lý.

Tổng đàn lợn đã lên tới 28 triệu con

Thời điểm hiện tại, giá thịt lợn trên địa bàn cả nước được thương lái thu mua là 65.000-73.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tháng 6-2022 và giá này bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian gần đây là do thiếu nguồn cung cục bộ vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên người chăn nuôi thua lỗ, phải “treo chuồng”, ảnh hưởng tới việc tái đàn. Khi thị trường phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ví dụ, những năm trước, giá lợn hơi ở Thái Lan thấp hơn Việt Nam, nhưng giờ đã cao hơn.

Ông Dương Tất Thắng cũng cho biết, nguồn cung thịt lợn hiện vẫn bảo đảm. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; gần bằng với thời điểm trước khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi (vào tháng 2-2019). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn đã phục hồi mạnh trong giai đoạn 2020-2021 sau thời gian bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh…

Cũng về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Quốc Lân, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022 cho thấy, mức tiêu thụ thịt lợn của người dân ít hơn so với 5, 6 năm trước. Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn được bảo đảm và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động nên việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ ổn định ở mức thấp.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội đã và đang phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với 13 xã chăn nuôi lợn tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… và tập trung ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, tổng đàn lợn của Hà Nội đạt gần 1,5 triệu con, gần bằng với thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) thông tin: Với diện tích hơn 1,3ha, gia đình đã đầu tư xây dựng 2 khu chăn nuôi lợn quy mô 100 lợn nái và 600 lợn thịt/lứa. Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế được dịch bệnh phát sinh. Để bảo đảm nguồn cung sản phẩm, thời gian tới, gia đình tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô trang trại.

Kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm; đồng thời bình ổn giá thịt lợn hơi trên thị trường, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết: Bộ NN&PTNT không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Hiện tại, Bộ đang tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, duy trì tổng đàn lợn khoảng 28 triệu con, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Song, để đẩy nhanh tốc độ tái đàn cần chủ động sản xuất con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn từ trang trại tới bàn ăn, từ đó sẽ hạn chế tối đa khâu trung gian; thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Góp phần ổn định nguồn cung thịt lợn cho thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội tập trung phát triển con giống, bảo đảm mỗi năm sản xuất hơn 4 triệu con lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi tái đàn. Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm “đầu vào” sản xuất, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương làm việc cụ thể với các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến… để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu. Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát khâu trung gian trong chuỗi giá trị của ngành thịt lợn, bảo đảm giá bán đến tay người tiêu dùng không bị đẩy lên quá cao; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia ngăn chặn tình trạng buôn lậu lợn hơi qua các tỉnh biên giới, nhằm ổn định nguồn cung trong nước.


Vĩnh Long: Không thể lơ là với bệnh dịch tả heo Châu Phi

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, cộng thêm chi phí đầu vào tăng mạnh, khiến người nuôi ngán ngại tái đàn.

Dịch bệnh còn phát sinh và tiềm ẩn nguy cơ

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung, trong 2 năm qua, ngành thú y của tỉnh đã kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không để xảy ra bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục và dại chó. Tuy nhiên, bệnh dịch tả heo Châu Phi trên đàn heo vẫn còn xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trong đó, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi.

“Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện Trà Ôn đã phát sinh 10 ổ dịch tả heo Châu Phi tại các xã: Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Thới Hòa, Trà Côn và Tân Mỹ, với tổng đàn tiêu hủy 200 con, tổng trọng lượng gần 12,4 tấn. Phòng Nông nghiệp- PTNT đã kịp thời phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành dập dịch và hướng dẫn xã làm hồ sơ hỗ trợ theo quy định”- ông Tám cho biết thêm.

Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Còn tại Bình Tân, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, trong 6 tháng qua, thời tiết bất lợi, diễn biến dịch bệnh phức tạp… trong khi người dân nuôi còn phân tán, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, một số loại bệnh như chưa có vắc xin phòng ngừa nên khó khăn cho công tác quản lý.

Trong đó, riêng đối với heo, 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã xảy ra dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi tại xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh, đã tiêu hủy 47 con heo với tổng trọng lượng trên 2,8 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đa số các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nông hộ, không bảo đảm an toàn sinh học. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục (tăng từ 35- 40%), trong khi giá heo hơi giảm mạnh trong các tháng đầu năm.

Vì vậy, để giảm lỗ, người chăn nuôi đã giảm đầu tư vào các chi phí phòng bệnh, thực hiện không triệt để các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại,… dẫn đến mầm móng của dịch bệnh lây lan.

Nguyên nhân thứ hai là bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh. Dự báo tình hình dịch bệnh trên vật nuôi sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tháng cuối năm 2022.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh

Theo ngành chức năng, thời gian tới, tình hình chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ còn nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường.

Để kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng tiếp theo, ông Nguyễn Văn Tám, cho hay: Huyện sẽ tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật và công nghệ theo hướng công nghiệp và giống mới có năng suất và phẩm chất thịt tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp tục vận động hộ gia đình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi, cúm H5N1 trên gia cầm, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên bò, bệnh tai xanh trên heo,….

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho hay: Các tháng cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gắn với liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm của vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm phòng, nhất là ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các lò giết mổ, bãi trung chuyển gia súc, gia cầm; an toàn thực phẩm.

Đồng thời, giám sát việc thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, kinh doanh giết mổ động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi,…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)


Người nuôi heo thận trọng tái đàn dù giá tăng

Kể từ đầu tháng 7 cho đến nay, giá heo hơi cả nước tăng dần từng ngày và dần đuổi kịp giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí chăn nuôi khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua khảo sát các vùng chăn nuôi trọng điểm, người nuôi heo vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn heo hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá.

Nỗi lo hụt vốn

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần, tương đương tăng khoảng 35%. Các chi phí đầu vào khác như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, sát trùng, chi phí vận chuyển… đều tăng khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, trong suốt 6 tháng qua, giá heo hơi không có chuyển biến lớn, chính vì vậy, có nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang các loại đối tượng nuôi khác hoặc giảm đàn, thậm chí treo chuồng.

Tuy nhiên, giá heo hơi biến động bất ngờ trong 10 ngày qua và được dự báo có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg là sự phấn khởi cho người chăn nuôi heo. Mặc dù vậy, diễn biến giá cả thị trường hiện nay là điều rất khó đoán, người nuôi heo cũng không chắc chắn có thể trụ được lâu dài nếu tái đàn như trước.

Ông Trương Chí Nguyện, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ trước đây, lúc nào chuồng nhà ông cũng có từ 60 đến 70 con heo thịt, nhưng nhiều tháng nay chỉ duy trì từ 30 đến 40 con cho an toàn. khoảng 1 năm nay, gia đình ông không dám nuôi nhiều heo như trước đây.

Nguyên nhân giá heo thời gian qua luôn ở mức khá thấp và thường sụt giảm khi cung vượt cầu. Thêm vào đó, giá thức ăn và thuốc thú y từ giữa năm 2021 đến nay không ngừng tăng đội chi phí đầu vào gần gấp đôi so với thời điểm trước đó. Giá 1 bao thức ăn giờ gần gấp đôi so với năm trước.

Giá thuốc thú y cũng tăng nhiều nhưng giá heo cả năm qua chỉ quanh quẩn mức 4,7 đến 5,5 triệu đồng/100 kg heo hơi nên người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, cho dù giờ giá heo hơi có tăng, nhưng ông Nguyện chỉ nuôi với số lượng ổn định để có thu nhập phục vụ hàng ngày.

Không chỉ riêng ông Nguyện, mà nhiều người nuôi heo khu vực khác cũng có tâm lí e dè với việc tái đàn, tăng đàn heo trước cơ hội heo hơi tăng giá. Bà Trần Thị Huyền, xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình có truyền thống nuôi heo dù số lượng nhỏ, trong thời gian giá heo hơi thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia đình bà chỉ nuôi cầm cự cho có việc làm và thu nhập chút ít.

Hiện nay dù biết giá heo hơi tăng nhưng biến động các giá khác, chi phí phát sinh vẫn chưa ổn định, chi phí đầu tư có thể bị mất nữa nên bà Huyền vẫn quyết định không tăng đàn.

Bình ổn để phát triển

Lý giải cho việc giá heo hơi tăng cao trong 10 ngày qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giá heo hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Khi cả hai chi phí đầu vào và đầu ra đều tăng thì người chăn nuôi chưa thể gọi là có lãi lớn, bởi bão giá đã “ăn” phần lợi nhuận của người chăn nuôi.

Khi giá heo hơi tăng mạnh, sẽ tác động đến giá thực phẩm thịt thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trong nước. Điều này đã được chứng minh từ những năm trước, thời điểm giá heo hơi cao ngất ngưỡng đã làm cho khẩu phần dinh dưỡng trong bữa ăn của người lao động bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, dù biết rằng với diễn biến giá heo hiện nay vẫn chưa giúp người nuôi heo “gỡ gạc” được khi giá heo hơi xuống thấp, nhưng việc giữ giá heo hơi ổn định sẽ giúp ổn định đời sống của người tiêu dùng trong giai đoạn bão giá hiện nay.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn heo cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt heo hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này dự báo giá heo hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5 – 10% trong quý III năm nay.

Thời gian tới, khả năng giá lọn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến. Đây là điểm đáng mừng vì người tiêu dùng sẽ không phải gồng mình chi tiêu với giá thịt heo tăng cao.

Trước diễn biến giá heo hơi hiện nay, dù chưa xác định sẽ biến động tới đâu, nhưng để ổn định cuộc sống người dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng, Chính phủ đã có động thái chỉ đạo các cơ quan chức năng các địa phương có biện pháp đảm bảo cân đối cung, cầu thịt heo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường.

Các địa phương cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.

Không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi heo tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt heo.

Theo TTXVN


Tây Ninh dần hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, sản lượng thịt heo của tỉnh là 42.300 tấn. Bình quân hằng ngày, toàn tỉnh sản xuất khoảng 115 tấn thịt.

Toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 quầy sạp thịt và khoảng 97 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng bán thịt khác. Bình quân, số lượng heo thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 – 1.100 con/ngày.

Thời gian qua, ngành NN&PTNT tổ chức thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm gồm 64 trang trại (118.820 con). Trong đó được cấp chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh 112.550 con. Mô hình này có 2 chuỗi giá trị:

Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống (heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được các thương lái mua, giết mổ tại 36 cơ sở giết mổ, phân phối đến 730 quầy sạp thịt của các chợ trong tỉnh với số lượng khoảng 18.980 tấn/năm, chiếm 45% sản lượng thịt heo của tỉnh).

Kế đến là chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh. Ở chuỗi này, heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được chuyển đến 4 cơ sở giết mổ, phân phối đến 97 điểm bán thịt an toàn (các siêu thị, cửa hàng…) với số lượng khoảng 4.380 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Về chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, Tây Ninh có tổng đàn 14.600 con, trong đó, Trang trại bò sữa Vinamilk 8.200 con, nuôi nông hộ 6.400 con, năng suất sữa bình quân 15kg/con/ngày (nông hộ) và 27kg/con/ngày (Trang trại bò sữa Vinamilk).

Gà thịt được nuôi ở một trang trại.

Sản lượng sữa sản xuất bình quân khoảng 142 tấn/ngày. Trong đó của Trang trại bò sữa Công ty Vinamilk 110 tấn/ngày, của các hộ dân là 32 tấn/ngày. Số sữa này được các doanh nghiệp thu mua khoảng 20 tấn/ngày thông qua 5 điểm trung chuyển sữa tại thị xã Trảng Bàng. Số lượng sữa còn lại, các hộ vận chuyển bán cho các điểm thu mua sữa tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa đã được hình thành, chiếm 92% sản phẩm sữa trên toàn tỉnh, bước đầu gắn kết được giữa sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được chế biến tại địa phương nên chưa nâng cao giá trị sản phẩm. Hiệu quả chăn nuôi chưa cao do chưa được đầu tư nhiều về giống, về chế biến thức ăn. Lợi ích của người chăn nuôi đôi lúc chưa được bảo đảm do giá thu mua không ổn định, còn thấp…

Về chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, hiện sản lượng thịt bò của tỉnh là 7.500 tấn/năm, bình quân khoảng 20,5 tấn/ngày, tương đương với 130 con/ngày.

Toàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ trâu bò với công suất 135 con/ngày. Nhu cầu giết mổ bò trong tỉnh với sản lượng khoảng 12.300 tấn/năm, bao gồm 6.400 tấn xuất ra thị trường ngoài tỉnh và 5.900 tấn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có một chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt tại xã Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. Đây là chuỗi liên kết ngang và chỉ liên kết trong khâu chăn nuôi, bán con giống, chưa gắn kết với các khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn chung, đây là lĩnh vực hoạt động theo hình thức chuỗi giá trị yếu nhất so với các loại gia súc, gia cầm khác. Khó khăn lớn nhất của việc hình thành chuỗi là do chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức chăn nuôi nông hộ (nhỏ lẻ) nên rất khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa được hình thành, chủ yếu là thương lái mua bò của người nuôi đem đến cơ sở giết mổ bán.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, sản lượng thịt gà của tỉnh khoảng 37.250 tấn/năm, bình quân khoảng 102 tấn/ngày (40.821 con). Trong đó, gà được bán ra ngoài tỉnh khoảng 30 tấn/ngày (12.000 con); người dân tự giết mổ và tiêu thụ tại thị trường Campuchia khoảng 42 tấn/ngày (16.821 con)…

Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt đang thực hiện với khoảng 25 tấn/ngày. Đồng thời, chuỗi giá trị chăn nuôi gà gồm nhà máy ấp trứng gia cầm đi vào hoạt động từ tháng 4.2021 (công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm). Trong năm 2022 sẽ có thêm dự án nhà máy giết mổ Phước Bình (Trảng Bàng).

Sản lượng trứng gà của tỉnh là 683.201.480 trứng/năm, bình quân khoảng 1.871.784 trứng/ngày. Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng đang thực hiện: chuỗi gà trứng của Công ty TNHH QL Việt Nam với sản lượng khoảng 1,5 triệu trứng/ngày, chiếm 80% sản lượng trứng gà của tỉnh, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Gà do công ty nuôi, tự chế biến thức ăn. Trứng sau khi sản xuất được phân loại, tiệt trùng, đóng gói và phân phối đến người tiêu dùng. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã được công nhận GlobalGAP, HACCP.

Thứ hai là chuỗi gà trứng của Công ty TS Farm Việt Nam, có sản lượng khoảng 150.000 trứng/ngày, chiếm 8% sản lượng trứng gà của tỉnh, được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Riêng về chuỗi giá trị chim yến, theo Sở NN&PTNT, phần lớn nhà yến được xây dựng từ vài năm trở lại đây nên sản lượng tổ yến còn thấp. Ước sản lượng bình quân toàn tỉnh khoảng 2.160kg tổ yến/năm. Hầu hết người nuôi có thực hiện sơ chế tổ yến nhưng giá bán còn thấp do sản phẩm chỉ được chế biến ở dạng thô. Có 6 cơ sở chế biến tổ yến được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sản lượng chế biến không nhiều, khoảng 300kg/năm, chiếm 14% sản lượng. Tổ yến được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh do chưa có cơ sở chế biến quy mô lớn, hầu hết chưa có thương hiệu cho sản phẩm.

An Khang (Tây Ninh Online)


[:vi][:en] [:]
Comments are closed.