Xử lý khủng hoảng giá thịt Heo: Lấy nông dân làm trọng

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Thịt heo rớt giá khiến người nông dân điêu đứng, nhưng việc kích cầu nội địa, sự chia sẻ khó khăn với người nông dân và những chính sách phù hợp kịp thời có thể giúp ngành chăn nuôi heo sớm vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển. Bài học từ cuộc khủng hoảng thịt heo vừa qua, đó chính là cộng đồng đã biết “tương thân tương ái”, phát triển văn hóa trong kinh doanh.

Khủng hoảng giá

Nhiều doanh nghiệp giúp người chăn nuôi tiêu thụ heo.

Năm 2017 ghi nhận giá thịt heo đi xuống ở nhiều thị trường châu Á, không riêng gì Việt Nam. Giá thịt heo giảm khoảng 0,7 USD/kg tại các nước Đông Nam Á và một số nước xuất khẩu thịt heo.

Nguyên nhân thịt heo giảm giá được đánh giá là do thị trường Trung Quốc liên tục giảm giá và đã giảm hơn 20% so với năm 2016. Ngoài ra nhiều công ty, nhiều nước tham gia xuất khẩu thịt heo vào Trung Quốc, đặc biệt việc xuất khẩu tiểu ngạch, xuất khẩu “chui” trốn thuế, khiến cho giá thịt heo tại Trung Quốc giảm mạnh. Trung Quốc vốn được xem là thị trường tiêu thụ 50% thịt heo xuất khẩu của thế giới và việc thị trường này suy thoái sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giới chăn nuôi heo.

Nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa Việt Nam khoảng 3.550.000 tấn thịt hơi/năm. So với nguồn cung dự kiến là 3.755.000 tấn thì dư hơn 200.000 tấn (chưa tính lượng nhập khẩu). Do vậy, khi xuất khẩu bị trì trệ thì việc tiêu thụ nội địa cũng lâm vào cảnh “cung lớn hơn cầu”.

Chỉ riêng tổng đàn heo của Đồng Nai đã khoảng 1,7 triệu con. Giá heo hơi được thương lái thu mua tại chuồng vào khoảng 22.000 – 24.000 đồng/kg, người chăn nuôi thua lỗ hơn 1 triệu đồng/con.

Cả nước giúp nông dân, trừ thương lái?

Theo tính toán, nếu kích cầu tiêu thụ nội địa và giảm tăng trưởng đàn heo đến cuối năm thì “khủng hoảng” thừa thịt heo sẽ được giải quyết. Song vấn đề là giá heo tiêu thụ dưới giá thành sẽ dẫn đến người nuôi thua lỗ và nhiều trang trại sẽ rơi vào phá sản.

Trước tình hình này, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và đã có hiệu quả thiết thực. Tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thu mua heo của nông dân với giá cao hơn thương lái và bán ra thấp hơn 20 – 30% giá thị trường đã tạo ra một nét mới trong “chiến dịch giải cứu đàn heo”.

Tuy nhiên, chính trong đợt khủng hoảng này, đã lộ ra vấn đề phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị chăn nuôi rất bất hợp lý. Giá heo hơi từ trại chỉ 15.000 đồng/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá thịt vẫn ở mức 80.000 – 100.000 đồng/kg. Đó là do các thương lái, các đại lý, nhà phân phối đã thu phần lợi nhuận khổng lồ và khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân chồng chất khó khăn. Các siêu thị không giảm giá nhiều với lý do giá đã được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá thịt lợn giảm, do đó việc tiêu thụ qua siêu thị không tăng trưởng nhiều.

Không chăn nuôi kiểu phong trào

Vai trò của quy hoạch nhà nước và sự kiểm soát tăng trưởng tự phát trong ngành chăn nuôi được đặt ra để tránh “vỡ trận”. Liên tục mấy năm qua, sản lượng chăn nuôi tăng nhanh, trong khi đó, thị trường xuất khẩu còn bấp bênh.

Sản lượng thịt, năm 2016, sản lượng thịt hơi các loại (thịt heo, thịt gia cầm, thịt trâu, thịt bò) đạt 5.039.000 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thịt heo hơi thực hiện năm 2016 là 3.638.000 tấn, tăng khoảng 5,4% so với năm 2015. Về dự kiến 2017, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 5.301.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2016. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3.755.000 tấn, tăng 3,3% so với năm 2016.

Mặc dù Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho những tháng hè sắp tới. Song nếu heo tiếp tục xuất chuồng thì việc cấp đông cũng bị quá tải, do đa số các doanh nghiệp vẫn quen tiêu thụ sản phẩm tươi sống.

Cần ghi nhận sự đóng góp lớn của ngành chăn nuôi heo trong thời gian gần đây với nền kinh tế nói chung. Năm 2016, kết quả sản xuất của hoạt động chăn nuôi heo chiếm khoảng 60% kết quả sản xuất ngành chăn nuôi, chiếm 16% giá trị của toàn ngành nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) và 12% giá trị sản xuất khu vực I (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản). Tuy vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy ngành đang phát triển quá nóng, nhiều vùng, nhiều hộ đua nhau nuôi heo, mở rộng quy mô trang trại, trong khi đầu ra lại gặp khó khăn.

[:vi][:en] [:]

Phân phối lại lợi nhuận

Khủng hoảng giá thịt heo đã đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu trong việc dự báo và điều hành sản xuất, tiêu thụ. Hay nói cách khác, muốn tránh cảnh nông dân heo nuôi xong không có chỗ tiêu thụ như thời gian vừa qua, sẽ cần đến những giải pháp gì?

Thực chất việc nông dân thua lỗ thời gian vừa qua là do giá bán thịt heo xuất chuồng quá thấp, thấp hơn giá thành. Trong khi đó, nghịch lý là giá thịt heo trên thị trường trong nước vẫn cao, giảm không đáng kể. Nếu người dân được thu mua giá thịt heo xuất chuồng ở mức hợp lý, có lãi, thì khủng hoảng thừa sản phẩm không xảy ra. Đồng thời, nếu giá bán cao, có lợi nhuận thì người chăn nuôi không cần phải tăng đàn, không phải nuôi nhiều, từ đó sẽ giảm được sản lượng cung ứng ra thị trường, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng thịt heo.

Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tổ chức lại chuỗi sản xuất tiêu thụ, trong đó bảo đảm sự phân bổ hợp lý lợi nhuận giữa các khâu, lợi ích của người chăn nuôi phải được đặt lên hàng đầu.

Trong 15 năm qua, chăn nuôi Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm. Đến năm 2016, sản lượng thịt các loại đã tăng gấp gần 3 lần sau 15 năm, đạt 5,2 triệu tấn (thịt heo chiếm 3,9 triệu tấn). Song nhiều người cho rằng việc giá thịt heo mà người nông dân Việt Nam đang bán ra tại chuồng là thuộc mức thấp nhất trên thế giới, dưới 25.000 đồng/kg. Chưa kể chi phí cho thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chi phí con giống mà người nông dân Việt Nam phải bỏ ra lại cao hơn nông dân các nước.

Tháng 1/2017, quy mô đàn heo tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ (cuối năm 2016 quy mô đàn tăng khoảng 5%); tháng 2/2017 quy mô đàn tăng 4,5%. Ước tính quý II/2017, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tăng 2,4% và kết quả sản xuất của hoạt động chăn nuôi tăng 2,6%.

Nguyễn Anh (Người Chăn Nuôi)

Comments are closed.