Khẩn cấp “giải cứu” ngành chăn nuôi Heo

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Sáng ngày 24/4, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị tìm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị – Ảnh: Dương Thảo.

Tham dự Hội nghị còn có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; chế biến thịt như: C.P. Việt Nam, Dabaco, Massan, Lái Thiêu, Cargill…

Theo Cục chăn nuôi, thịt heo đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá heo hơi loại tốt đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng hè sắp tới. Nếu tình trạng này kéo dài hầu hết các hộ chăn nuôi và ngay cả những trang trại lớn cũng khó trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại Hội nghị.

“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được”, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định.

Chia sẻ tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, ngay sau khi giá heo giảm sâu, doanh nghiệp đã có động thái giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tăng cường bán thịt heo theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay vốn để giữ đàn heo để xuất khẩu. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để người nông dân có hướng chăn nuôi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Theo ông Phạm Văn Học, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, giá thức ăn của doanh nghiệp đã giảm từ 5 – 7% theo đó cũng giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, không tiếp tục tăng đàn nhưng sẽ áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng heo nái, và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ heo trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm.

Đánh giá cao cam kết hỗ trợ ngành chăn nuôi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, việc tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi hiện nay chưa tốt, với quy mô 45% trang trại, 55% ở quy mô nông hộ đây là nguyên nhân khiến giá thành cao, khó khăn trong sản xuất chuỗi. Sản xuất nhỏ, các khâu tách rời dẫn đến khi rủi ro về thị trường tạo áp lực lớn lên người chăn nuôi. Ngoài thói quen tiêu dùng “thịt tươi”, khâu chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi bởi mới chỉ có một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn có năng lực này. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y… Gỡ khó cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay cũng chính là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự giúp mình, hướng đến phát triển bền vững.

[:vi][:en] [:]

Về giải pháp căn cơ nhất, Bộ trưởng Cường đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số heo nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con. Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế. Không nhất thiết cứ nuôi heo, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

Nguồn: Dương Thảo (Người Chăn Nuôi)

Comments are closed.