Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta đạt gần 107 triệu người, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.000 USD. Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.

Việt Nam sẽ là thị trường lớn về tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.

Ngày 15/09, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/08/2008, đến nay, ngành này đã đạt được những thành tựu to lớn. Giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm… khẳng định thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.

Nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những kết quả, ngành chăn nuôi còn bộc lộ nhiều bất cập. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, công tác quản trị kém làm giảm năng suất và tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo liên kết chuỗi còn chiếm tỷ trọng thấp; công tác dự báo, dự tính về thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- nhấn mạnh, phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn vừa qua cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối khi thịt lợn chiếm hơn 70% rổ thực phẩm, tạo áp lực rất lớn lên chỉ số CPI. Hiện, nhu cầu người dân đòi hỏi thực phẩm phải đa dạng, dẫn đến nguy cơ rủi ro sử dụng thực phẩm không đa dạng. Phải tính toán lại.

Ba khâu quan trọng trong chăn nuôi gồm: sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới làm tốt được khâu sản xuất. Chế biến hiện đang rất “lõm bõm”. Vẫn chủ yếu là các nhà mổ thủ công, các nhà máy chế biến hiện đại rất ít. Tổ chức thị trường vẫn là chợ nông thôn là chính, các thiết chế thương mại lớn, thực phẩm có vào nhưng chưa chiếm vai trò quan trọng. Trên thực tiễn có tăng trưởng nhưng cứ tăng lên thì đi giải cứu, vì không liên hoàn chuỗi. Công tác giống, an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. “Mục tiêu đưa chăn nuôi lên làm ngành chính, mà ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, nông sản xuất khẩu đi 120 nước, soi kính hiển vi cũng không nhìn thấy “ông” chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá, nhu cầu thực phẩm về các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao trong thời kỳ tới. Dự kiến, đến năm 2030 dân số nước ta gần 107 triệu người, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.000 USD. Việt Nam sẽ là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các thực phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi Việt Nam cũng cần phải thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp Việt Nam nói chung và chăn nuôi nói riêng vẫn đang là ngành được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 là phù hợp và rất cần thiết.

Tuy nhiên, đây là chiến lược chung cho cả nước, do đó, tùy từng vùng sẽ đặt mục tiêu riêng. Không đặt nặng tăng trưởng số lượng, nhiều địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Nghệ An,… cho hay, sẽ tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chăn nuôi nhỏ lẻ, thúc đẩy liên kết trong chăn nuôi.

Khẳng định việc xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 là hết sức cần thiết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần phải xây dựng chiến lược mới cho chăn nuôi, xác định lại vị thế của ngành hàng này. Trên cơ sở nền tảng của nền nông nghiệp Việt Nam, ngành chăn nuôi là ngành trụ cột trong nông nghiệp, phải tận dụng được lợi thế này. Khắc phục cho được những tồn tại căn cốt của quá trình thực hiện Chiến lược trong giai đoạn vừa qua để tổ chức lại. Xác định lại định hướng trong phát triển, trong đó, lấy 3 trục: kinh tế, xã hội, an sinh làm hiệu quả bền vững của ngành chăn nuôi. Thay đổi lại kết cấu ngành hàng cho phù hợp. Ngành chăn nuôi phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ mới nhất, hướng đến mục tiêu xuất khẩu, lấy đây là áp lực cần thiết. Để làm được điều này, phải tận dụng yếu tố thời đại, công nghệ 4.0 kết hợp yếu tố truyền thống, văn hóa, đa dạng sinh thái Việt Nam, cả 3 khu vực gồm: nhà nước, doanh nghiệp, người dân để làm lên kết quả đó.

[:vi][:en] [:]

 

Đánh giá công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc,… các địa phương, chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 để ngành này và các địa phương, doanh nghiệp… sớm có định hướng triển khai trong thời gian tới. Riêng về mục tiêu xuất khẩu, cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nhất là đối với chăn nuôi lợn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định vai trò quan trọng của ngành chăn nuôi trong đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm. Đánh giá cao Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 – 2030, định hướng đến năm 2040 đã được Bộ NN&PTNT tiến hành xây dựng chặt chẽ, có chất lượng, trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đây là công cụ để định hướng phát triển để ngành chăn nuôi nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững, qua đó đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trên cơ sở các ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới.

Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 – 5%; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 – 4%. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5 – 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6 – 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 – 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 – 25% thịt và trứng gia cầm.

Nguồn: Nguyễn Hạnh – Báo Công Thương Điện Tử

Comments are closed.