|

Điểm tin Chăn Nuôi - Thú Y (11/07 - 20/07/2022)

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 11/07-20/07/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi — Thú Y từ ngày 11/07/2022 — 20/07/2022.

Thừa Thiên Huế: Gỡ khó, ổn định và phát triển đàn trâu, bò

Theo Cục Thống kê tỉnh, tính thời điểm này, tổng đàn trâu toàn tỉnh ước khoảng 15.600 con, giảm hơn 400 con, tương ứng giảm 2,6%; đàn bò hơn 29 ngàn con, giảm 370 con, tương ứng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Duy Trí ở xã Hương Phong (TP. Huế) nổi tiếng chăn nuôi trâu từ nhiều năm nay, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên từ ba năm nay, ông Trí bán hết bầy trâu thương phẩm gần 10 con. Ông Trí bảo, một thời nuôi trâu thuận lợi nhờ bán được giá, trên địa bàn có nhiều đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn xanh. Những năm gần đây, nhiều đồng cỏ được địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng nên nguồn thức ăn ngày càng khó khăn.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở Phong Điền.

Tại nhiều địa phương thuộc TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang cũng gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi trâu, bò, tổng đàn giảm khá mạnh. Tại TX. Hương Trà, đàn bò năm 2021 hơn 1.700 con, nay giảm còn khoảng 1.400 con; đàn trâu 954 con giảm còn 780 con. Tại huyện Phú Vang, đàn bò vào cuối năm 2021 có hơn 2.500 con nay giảm còn 2.250 con; đàn trâu hơn 1.100 con giảm còn hơn 1.000 con. Tại TX. Hương Thủy, đàn bò năm 2021 hơn 2.400 con, nay giảm chỉ còn hơn một nửa…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đàn trâu, bò giảm mạnh là do nhu cầu sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp giảm, diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp dần do chuyển đổi đất thổ cư, trồng rừng và trồng các loại cây công nghiệp. Đồng thời, đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự chuyển dịch của lao động nông thôn sang các ngành công nghiệp. Giá trâu, bò gần đây giảm mạnh so với trước cũng là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với chăn nuôi trâu, bò.

Để ổn định và phát triển đàn trâu, bò, ngành chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn… giúp rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, nâng cao trọng lượng xuất chuồng, giảm tỷ lệ chết, tăng chu kỳ sản xuất. Mặc dù tổng đàn giảm, nhưng người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ quy mô nhỏ truyền thống, tận dụng, sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao có quy mô trang trại, gia trại.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, đặc biệt là trại vỗ béo trâu, bò gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như nuôi nhốt, có bổ sung thức ăn. Cơ giới hóa chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, trong đó nguồn thức ăn thô chủ yếu từ rơm được ngành chăn nuôi hướng đến. Đối với chăn nuôi bò quy mô nhỏ, nông hộ được ngành chăn nuôi tiếp tục áp dụng thụ tinh nhân tạo nhằm tạo ra các giống lai có khả năng sinh sản, sinh trưởng tốt và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cấp, ban, ngành cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn, đất đai, hướng dẫn thủ tục hưởng chính sách cho các trang trại nuôi bò tập trung.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, các mô hình được ngành nông nghiệp ưu tiên, hỗ trợ sản xuất như xử lý gây động dục đối với bò nhằm nâng cao khả năng sinh sản; xây dựng mô hình nuôi bò bán thâm canh gắn với chế biến rơm, ủ chua cỏ làm thức ăn, bổ sung thức ăn tinh theo giai đoạn. Các địa phương tuyên truyền, vận động hộ nuôi dự trữ rơm và thức ăn tinh khi vào vụ thu hoạch để chống đói trong mùa đông. Ngành thú y xây dựng hệ thống thú y cơ sở, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ nhằm động viên thực hiện công tác tuyên truyền và bảo vệ đàn gia súc tốt hơn.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ (Báo Thừa Thiên Huế online)


Thái Bình: Không để cúm gia cầm lây lan diện rộng

Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã xuất hiện trên địa bàn thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương). Đây là loại dịch nguy hiểm, có thể lây sang người; để chủ động dập tắt dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Kiến Xương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Tuệ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Ngày 29/6, ngay sau khi nhận được thông tin khai báo về hiện tượng gia cầm bị chết nhanh, chết nhiều, không rõ nguyên nhân tại một hộ chăn nuôi thuộc tổ dân phố Tân Hưng, thị trấn Kiến Xương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trực tiếp kiểm tra tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra đàn vịt có biểu hiện sốt, giảm ăn, ủ rũ, mào thâm và có biểu hiện thần kinh như co giật, quay vòng tròn. Số vịt ốm chết nhiều, nằm rải rác khu vực bãi chăn thả. Mổ khám vịt ốm, chết có biểu hiện: tim nhão, xuất huyết; gan sưng, xuất huyết; bề mặt ruột xuất huyết điểm; tụy xuất huyết điểm. Nghi đàn vịt mắc CGC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 3 mẫu vịt nguyên con của hộ có vịt chết gửi xét nghiệm xác minh dịch bệnh tại Chi cục Thú y vùng II. Kết quả, 3/3 mẫu dương tính với vi rút CGC A/H5N1. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và huyện Kiến Xương phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát UBND thị trấn Kiến Xương tập trung thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch CGC theo quy định. Đến ngày 2/7, CGC A/H5N1 đã phát sinh thêm ở 2 hộ liền kề, đưa tổng số gia cầm phải tiêu hủy tại ổ dịch lên 3.290 con (gồm 3.216 con vịt; 62 con gà và 12 con chim bồ câu).

Xác định bệnh CGC A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người gây tử vong. Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sản xuất chăn nuôi tại địa phương, huyện Kiến Xương đã ban hành quyết định công bố dịch CGC A/H5N1 trên địa bàn thị trấn Kiến Xương, công điện khẩn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC. UBND thị trấn Kiến Xương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và tích cực triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ hàng ngày bám sát cơ sở hướng dẫn, giám sát việc xử lý ổ dịch. UBND tỉnh đã cấp 2.000 lít hóa chất hỗ trợ phòng, chống CGC cho huyện Kiến Xương.

Hiện tại, đàn gia cầm nuôi tại các địa phương trong tỉnh rất lớn, mật độ chăn nuôi cao. Thời tiết dự báo trong những ngày tới nắng nóng, mưa lớn, diễn biến bất thường, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Bên cạnh đó, theo rà soát của ngành nông nghiệp, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm tại các địa phương chưa cao. Kết quả giám sát sự lưu hành vi rút CGC trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2022 đến nay có 3,3% (7/212) số mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1; trong đó, kết quả xét nghiệm mẫu lấy tại chợ Sóc, xã Vũ Quý (Kiến Xương) ngày 13/6 có 2/5 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1 (chiếm tỷ lệ 40%) nên nguy cơ bùng phát dịch CGC trong thời gian tới là rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch CGC phát sinh và lây lan, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là đối với đàn vịt nuôi thả đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chú trọng công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia cầm, nhất là vắc-xin CGC; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Bà Bùi Thị Minh Thành, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Ngay sau khi tiêu hủy gia cầm bị bệnh, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun khử trùng tiêu độc cho 17 xã, thị trấn vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm đồng thời rà soát, thống kê gia cầm tại thị trấn Kiến Xương và 5 xã vùng bị uy hiếp để tiêm phòng. Trên cơ sở đăng ký của các xã, thị trấn, đến nay đã có 33.000 liều vắc-xin được cấp cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Lưu Ngần (Báo điện tử Thái Bình)


Nghệ An: Giá lợn hơi bật tăng cao, người chăn nuôi Nghệ An tích cực tái đàn

Sau một thời gian dài loanh quanh ở mức 55.000 đồng/kg, giá lợn hơi đã bật tăng trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi leo thang. Giá lợn tăng cao, người dân bắt đầu có lãi và phấn khởi tái đàn…

Khoảng 10 ngày nay, giá lợn hơi trong cả nước đã bật tăng trở lại. Đặc biệt, có thời điểm giá lợn hơi tăng từ 8.000 — 10.000 đồng/kg trong ngày. Hiện tại, giá lợn hơi ở Nghệ An dao động từ 66.000 — 70.000 đồng/kg (tuỳ vùng và tuỳ loại lợn). Theo đó, mỗi kg lợn hơi đã điều chỉnh tăng thêm từ 10.000 — 15.000 đồng/kg so với đầu tháng 7/2022.

Anh Nguyễn Trường Vân, một thương lái chuyên thu mua lợn trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết: “Hơn 1 tuần nay, lợn tăng giá từng ngày, mỗi ngày một mức giá khác nhau. Ngày điều chỉnh chậm nhất là tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg, cao điểm có ngày tăng tới 8.000 đồng/kg. Việc thu mua lợn hơi cũng khó khăn hơn khi người dân có lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng chưa vội bán vì còn nán xem giá có thêm trong những ngày tới”.

Giá lợn hơi bật tăng trong 2 tuần nay. Hiện tại, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 66.000 — 70.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Giá lợn tăng khiến giá thịt thương phẩm tại các chợ dân sinh cũng tăng vọt trong những ngày gần đây. Hiện, giá thịt tại các chợ dao động từ 120.000-160.000 đồng/kg; riêng tại các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị bán lẻ thì giá thịt lợn được điều chỉnh tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg, theo đó, dao động từ 150.000-195.000 đồng/kg (tuỳ loại).

Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò chả, xúc xích, mọc… cũng tăng thêm từ 15.000-20.000 đồng/kg do giá thịt tăng và các nguyên liệu tăng. Điều này khiến người tiêu dùng khá cân nhắc khi lựa chọn thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.

Giá lợn hơi tăng được lý giải do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hiện kinh tế đã phục hồi trở lại, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể đều đã quay lại kinh doanh, phục vụ, do đó, nhu cầu thịt lợn tăng cao. Thứ hai, sau một thời gian dài giá lợn cầm chừng, xuống thấp trong khi giá thức ăn liên tục tăng cao khiến người dân thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang các loại con khác, hoặc giảm đàn, hoặc để trống chuồng. Do đó, nguồn cung lợn không dồi dào như trước.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi leo thang đã tạo áp lực tăng giá lên lợn hơi, hiện thị trường lợn hơi ở các nước láng giềng hiện cũng lên cao, điển hình như Trung Quốc, giá lợn hơi đã cán mốc 80.000 đồng/kg.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần tăng, tương đương tăng trên 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, thuốc sát trùng…) cũng tăng khiến việc đầu tư chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn. Với mức giá dưới 60.000 đồng/kg lợn hơi thì người chăn nuôi hầu như không có lãi. Việc giá lợn bật tăng trở lại, vọt lên mức 70.000 đồng/kg khiến các hộ chăn nuôi, chủ các trang trại hết sức phấn khởi.

Có thâm niên làm kinh tế trang trại lâu năm, mỗi năm cung ứng ra thị trường 360 tấn lợn hơi, anh Lê Quốc Tân (xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên) cho biết: “Với các trang trại quy mô, có đầu ra ổn định và chủ động con giống, biết cách phối trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất thì không lỗ nhưng không có lãi nhiều, chủ yếu là lấy công làm lãi. Việc giá lợn tăng đã tạo động lực để các hộ chăn nuôi, các trang trại tích cực tái đàn, đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường”.

Theo thống kê, đến thời điểm tháng 6/2022, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 946.819 con, tăng 3,31% (+30.323 con) so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 76.587 tấn, tăng 3,74% (+2.762 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, thức ăn chiếm 70 — 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Do đó, nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì việc giá lợn đẩy lên cao là tất yếu, giúp người dân ổn định đàn, đầu tư tái đàn, tăng đàn nhằm tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Thanh Phúc (Báo Nghệ An)


Vĩnh Long: Tiêm phòng cúm gia cầm đạt 59,8%

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong các tháng đầu năm, tình hình chăn nuôi gia cầm ở một số địa phương giảm do giá gia cầm giảm.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nên người chăn nuôi ít tái đàn sau khi xuất bán, một số hộ chăn nuôi chuyển cho công ty thuê địa điểm nuôi gia cầm. Đồng thời, tổng đàn vịt chạy đồng trên địa bàn tỉnh cũng giảm mạnh do sự chuyển đổi từ đất ruộng sang đất vườn.

6 tháng đầu năm, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt 59,8% kế hoạch đợt 1, trong đó, tiêm phòng cho trên 604.900 con gà và trên 1,5 triệu con vịt. Ngoài ra, các trại, hộ chăn nuôi tự tiêm phòng cúm gia cầm được trên 1,2 triệu con gà, 12.500 con vịt.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng, nhất là ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các lò giết mổ, bãi trung chuyển gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng.

NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)


Tây Ninh: Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản, cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Hai năm qua, tình hình giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi ở thị trường trong nước liên tục tăng, đẩy chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tăng cao, kéo giảm lợi nhuận của bà con nông dân. Trong khi đó, việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính và người dân.

Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng được trưng bày tại hội thảo về “Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” vào đầu tháng 6.2022

Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản, cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Hàng loạt vụ vi phạm được phát hiện

Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với hơn 2.824 sản phẩm lưu thông (trong đó, khoảng 164 sản phẩm của công ty trong tỉnh, 2.660 sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh).

Thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên lĩnh vực nông nghiệp, Sở chỉ đạo Thanh tra Sở và Thanh tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá; về chất lượng sản phẩm.

Trong năm 2021, Thanh tra Sở cùng các chi cục trực thuộc Sở thực hiện 8 cuộc thanh tra tại 102 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh (trong đó có 2 công ty sản xuất phân bón), lấy 216 mẫu (135 mẫu phân bón và 81 mẫu thuốc bảo vệ thực vật) kiểm nghiệm.

Qua kiểm tra, lập biên bản và xử lý 19 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hoá, với tổng số tiền 100 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) 11,28 triệu đồng. Phát hiện 42 mẫu phân bón và 5 mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi phạm chất lượng (29 mẫu phân bón, 2 mẫu thuốc bảo vệ thực vật giả, không đạt chất lượng 13 mẫu phân bón và 3 mẫu thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng); ra quyết định xử phạt hành chính 30 cơ sở kinh doanh phân bón và 5 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về chất lượng sản phẩm với số tiền 576,5 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) trên 146,5 triệu đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Thanh tra của Sở và các đơn vị có liên quan thực hiện 7 cuộc thanh tra, kiểm tra (1 cuộc thanh tra hành chính, 6 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành); ngoài ra, còn thực hiện 4 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong đó, lĩnh vực phân bón và bảo vệ thực vật: thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 40 cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Qua đó, phát hiện 9 cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh và nhãn hàng hoá; lấy 103 mẫu kiểm nghiệm (52 mẫu đã có kết quả, trong đó 10 mẫu vi phạm chất lượng; còn 51 mẫu đang chờ kết quả). Thanh tra Sở đã tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng số tiền 266.980.000 đồng.

Thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (trong đó, 1 cuộc đột xuất) tại 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh và lấy 33 mẫu kiểm tra chất lượng. Kết quả, có 2 cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh; phát hiện 8 mẫu vi phạm chất lượng; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền 264,3 triệu đồng.

Về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT thực hiện 4 cuộc kiểm tra (trong đó có 2 cuộc đột xuất) tại 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy 32 mẫu thực phẩm các loại kiểm nghiệm. Kết quả có 3/43 cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; 2/32 mẫu qua kiểm tra không đạt chất lượng.

Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, chuyển hồ sơ 2 cơ sở qua Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16 triệu đồng và 2 trường hợp qua Sở Công Thương xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 42 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện 2 cuộc kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi (1 cuộc đột xuất) tại 12 cơ sở chăn nuôi, lấy 15 mẫu thức ăn chăn nuôi, 4 mẫu nước thải kiểm tra chất lượng. Qua đó, phát hiện 3 mẫu thức ăn chăn nuôi và 4 mẫu nước thải không đạt chất lượng. Sở đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 220 triệu đồng, các trường hợp vi phạm còn lại đang được xem xét, xử lý theo quy định.

Đoàn Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra tại cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở thị xã Hoà Thành.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT, từ cuối năm 2021 đến nay, giá sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi tăng gấp đôi so với trước đây, khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón diễn biến phức tạp hơn. Đã có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp lợi dụng tình hình này tung ra thị trường các sản phẩm giả, kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính.

Các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng với phương thức nhái nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng và bán với giá rẻ hơn.

Qua công tác thanh, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2022, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt đều chấp hành tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh; các sản phẩm vật tư nông nghiệp của những doanh nghiệp sản xuất vi phạm năm 2021 đã giảm lưu thông thị trường.

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) trên địa bàn tỉnh là các đại lý, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, nằm rải rác; các sản phẩm rất đa dạng, nhiều chủng loại, chủ yếu do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất, chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm; do đó, khi phát hiện sai phạm chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mà không thể xử lý toàn bộ lô hàng và đơn vị sản xuất.

Việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến các nơi công ty đăng ký sản xuất đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao do phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương, hiện nay chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà chưa có biện pháp xử lý cụ thể.

Công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc) và nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Một số cơ sơ sản xuất khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện; kinh doanh các sản phẩm hết hạn, sản phẩm ngoài doanh mục cho phép sử dụng; một số cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm điều kiện vệ sinh tại khu vực sản xuất; vẫn còn cơ sở sử dụng chất cấm, chất phụ gia không đúng theo quy định trong sản xuất. Ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một vài cơ sở sản xuất, cửa hàng, doanh nghiệp và người sản xuất chưa tốt.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật.

Minh Dương (Tây Ninh Online)


[:vi][:en] [:]

Похожие записи